Facebook gặp rắc rối lớn vì chia sẻ dữ liệu người dùng với Huawei
Facebook đã vi phạm nghiêm trọng luật bảo mật tại Hoa Kỳ khi ký kết thỏa thuận với Huawei, cho phép công ty Trung Quốc này truy cập dữ liệu người dùng. Hiện, công ty mạng xã hội này đang bị điều tra hình sự về các giao dịch dữ liệu mà họ đã thực hiện.
Tập đoàn công nghệ Huawei đang phải đối mặt với một cuộc tẩy chay mang tính quốc tế vì giúp chính phủ Trung Quốc giám sát người dân của họ trên radar. Tập đoàn này đã phát triển các công cụ giúp chính quyền Trung Quốc theo dõi công dân và kiểm duyệt những thông tin nào mà họ tiếp cận, từ đó có thể tiến hành kiểm soát thậm chí đàn áp họ. Thiết bị 5G của thương hiệu này cũng đã bị cấm ở một số quốc gia.
Mới đây, Facebook đã vi phạm nghiêm trọng luật bảo mật tại Hoa Kỳ khi ký kết thỏa thuận với Huawei, cho phép công ty Trung Quốc này truy cập dữ liệu người dùng. Hiện, Facebook đang bị điều tra trách nhiệm hình sự.
Facebook chia sẻ dữ liệu người dùng với Huawei
Vào tháng 7/2018, thỏa thuận về chia sẻ dữ liệu của Facebook với Huawei đã được công bố. Theo nguồn tin của chính phủ, khoảng trước năm 2010, Facebook và Huawei đã ký kết 1 thỏa thuận đặc biệt, cho phép Huawei có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Facebook. Tuy nhiên, đơn vị này không cho biết việc họ sử dụng dữ liệu trên vào mục đích gì.
Chia sẻ trên Twitter, Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết: “Đây có thể là một vấn đề rất cực kỳ nghiêm trọng. Nếu Facebook cấp cho Huawei quyền truy cập đặc biệt vào dữ liệu người dùng của người Mỹ, thì có thể họ cũng đã trực tiếp trao quyền này cho chính phủ Trung Quốc”.
Theo Facebook, thỏa thuận của họ với Huawei cũng tương tự như mối quan hệ đối tác với BlackBerry. Nhà sản xuất thiết bị sẽ có quyền truy cập thông tin cá nhân của người dùng như tôn giáo, khuynh hướng chính trị và tình trạng hôn nhân… Đây thực sự là một quyết định hết sức mạo hiểm.
Nếu Huawei thành công trong việc thu thập, lưu trữ và truyền dữ liệu đó đến các máy chủ của họ ở Trung Quốc, thì chính phủ Trung Quốc cũng có quyền truy cập vào thông tin cá nhân của người dùng Facebook ở Mỹ. Họ có thể sử dụng thông tin này để tác động đến cử tri Mỹ. Thấy được thỏa thuận này có thể gây ra sự phẫn nộ cực lớn trong dư luận, Facebook đang cố gắng xoa dịu nó.
Trao đổi với The Times, Francisco Varela, Phó Chủ tịch Facebook, cho biết: “Tất cả các tích hợp của Facebook với Huawei, Lenovo, OPPO cũng như TCL đều được kiểm soát ngay từ đầu, và Facebook đã thông qua tất cả những thiết lập…”
“Được sự quan tâm từ Quốc hội [Mỹ], chúng tôi muốn làm rõ rằng tất cả thông tin từ các tích hợp này với Huawei đều được lưu trữ trên thiết bị riêng của Facebook, chứ không phải trên các máy chủ Huawei”, ông chia sẻ thêm.
Facebook không chỉ thỏa thuận chia sẻ dữ liệu như vậy với riêng Huawei. Gần 150 công ty, bao gồm các ông lớn như Apple, Microsoft, Amazon, Sony, v.v … cũng đều được phép truy cập dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook. Riêng ở Trung Quốc, ngoài Huawei còn có OPPO, TCL và Lenovo là 3 công ty được hưởng lợi từ các thỏa thuận trên. Theo các chuyên gia thì đây là một trường hợp vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm.
Chia sẻ với The New York Times, Ashkan Soltani, một nhà tư vấn về nghiên cứu và bảo mật, từng là kỹ thuật viên trưởng của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, cho biết: “Việc này giống như khi bạn đã khóa cửa cẩn thận nhưng lại phát hiện ra thợ khóa cũng đưa chìa khóa nhà mình cho tất cả bạn bè của anh ta để họ có thể tự tiện ra vào, lục lọi đồ đạc mà không cần xin phép bạn”.
Sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra
Facebook hiện đang bị điều tra hình sự về các giao dịch dữ liệu mà họ đã thực hiện với những công ty khác. Mới đây, một đại bồi thẩm đoàn tại New York đã tiến hành lập biên bản khởi tố hai nhà sản xuất điện thoại thông minh tham gia vào các thỏa thuận như trên với Facebook. Công ty truyền thông xã hội này cũng cho biết họ đang thành khẩn hợp tác hết mức với các cơ quan điều tra.
Biết được những thông tin trên, người dùng facebook cảm thấy họ bị xâm hại nghiêm trọng quyền riêng tư. Các nhà lập pháp cũng lo lắng về mức độ tin cậy của Facebook.
“Làm sao người dùng có thể kiểm soát dữ liệu của họ trong khi Facebook cũng không kiểm soát được?”, nghị viên Frank Pallone của bang New Jersey nói.
Các nhà lập pháp cho rằng quyền riêng tư của mỗi công dân là một điều vô cùng quan trọng, nó không chỉ mang tính cá nhân mà còn ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của cả một đất nước. Nếu Facebook bị kết tội, công ty này có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ.
Vũ Tuấn (Theo Vision Times)