EU bất lực trước nghĩa địa nhập cư khổng lồ trên biển
Địa Trung Hải đang biến thành mồ chôn khổng lồ đối với hàng ngàn người nhập cư liều mình vượt biển để tìm cách đặt chân đến “miền đất hứa” châu Âu.
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư trên Địa Trung Hải, vùng biển đã biến thành một “nghĩa địa nhập cư khổng lồ” chôn vùi 1.500 mạng sống của những con người đói nghèo tìm đến miền đất hứa trên những chiếc thuyền quá tải cũ nát chỉ trong 4 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan đối ngoại EU Federica Mogherini đã phải thừa nhận rằng sẽ không có một “giải pháp thần kỳ” nào để giải quyết cuộc khủng hoảng này, và “vấn đề chính là phải xây dựng một nhận thức chung về trách nhiệm của cả châu Âu về những gì đang diễn ra trên Địa Trung Hải. Những người nhập cư bị đắm thuyền trên Địa Trung Hải
Trong khi đó, trên biển, nhà chức trách Ý lo sợ rằng 700 con người châu Á và châu Phi nhồi nhét trên một chiếc thuyền trên đường vượt biển đến châu Âu có thể đã thiệt mạng khi thuyền của họ bị lật úp. Cảnh sát Ý đã bắt giữ thuyền trưởng và một thuyền viên sau khi 2 người này cùng 28 người khác được vớt lên từ trên biển. Cũng vào lúc đó, nhiều tàu chở người di cư khác cũng liên tục phát tín hiệu cấp cứu vào đất liền, và hải quân Ý đã vớt thêm được 440 người từ 4 con tàu gặp nạn, trong khi cảnh sát Ý vớt được 93 người. Những con số thương vong bi thảm trên đã khiến nhiều người hối thúc nhà chức trách châu Âu tăng cường các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên Địa Trung Hải. Nhưng điều đó lại kéo theo nỗi lo rằng, nó sẽ khuyến khích càng nhiều người liều mạng vượt biển hơn nữa, khi họ tin chắc rằng mình sẽ được cứu và được đưa đến châu Âu nếu tàu bị lật. Lực lượng cứu hộ vớt các nạn nhân nhập cư trái phép lên bờ
Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, hơn 31.500 người tị nạn đã đổ bộ vào bờ biển nước Ý và Hy Lạp, nhiều nhất là vào tháng Ba vừa qua khi thời tiết trên biển thuận lợi hối thúc dòng người nhập cư ồ ạt vượt biển. Theo Tổ chức Di cư Thế giới, chỉ trong một tuần trước, các lực lượng hành pháp trên biển và tàu buôn của Ý đã giải cứu khoảng 10.000 dân nhập cư gặp nạn. Các đường dây buôn người, đưa người vượt biển đang nở rộ ở Libya do tình hình hỗn loạn tại đất nước này sau khi ông Moammar Kadafi bị lật đổ. Trước đây, ông Kadafi đã hợp tác rất tốt với Ý để hạn chế tình trạng vượt biển nhập cư vào châu Âu qua ngả Địa Trung Hải. Những con người đến từ Syria, Somalia, Nigeria, Mali, Senegal… này chỉ muốn thoát khỏi cuộc sống đầy bất ổn và bạo lực ở quê nhà, sẵn sàng chấp nhận đánh đổi mạng sống trên hành trình vượt biển đầy hiểm nguy để có được cuộc sống yên bình và một mức lương đủ tồn tại qua ngày ở châu Âu. Những người nhập cư trái phép mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu
Tình hình nghiêm trọng tới mức Chủ tịch EU Donald Tusk đã phải thốt lên: “Không thể tiếp tục như thế này. Chúng ta không thể chấp nhận việc hàng trăm người thiệt mạng khi tìm cách vượt biển đến châu Âu”. Thế nhưng theo ông Andrew Coggins, chuyên gia hàng hải thuộc Đại học Pace ở New York (Mỹ), những điều mà EU có thể làm lại rất hạn chế và tốn nhiều thời gian, khi họ không thể giải quyết được tận gốc rễ vấn đề. “Nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này là sự bất ổn ở các nước sở tại và tình trạng thiếu việc làm của người dân. Tình trạng này không thể được khắc phục trong ngày một ngày hai, và tất cả những gì EU có thể làm là thực hiện các chiến dịch giải cứu để hạn chế số người thương vong”, ông Coggins nói. Một em bé được nhân viên cứu hộ Ý cứu lên từ con tàu đắm
Cũng theo chuyên gia này, EU có thể mở các chiến dịch truy quét những đường dây đưa người vượt biển vào châu Âu trái phép, tuy nhiên điều đó khó có thể ngăn chặn được làn sóng di cư của những con người khốn khổ muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu. Điều đó đồng nghĩa với việc, trong thời gian tới châu Âu sẽ phải tiếp tục chứng kiến những thảm họa kinh hoàng trên biển tương tự như vụ việc xảy ra hôm thứ Bảy vừa qua, khi những chiếc tàu cũ nát nhồi nhét hàng trăm người nhập cư tiếp tục làm mồi cho sóng biển trên “nghĩa địa nhập cư khổng lồ”. |
Theo Dân Việt