EDCD cảnh báo: ‘Hàng phòng thủ’ kháng sinh cuối cùng đang bắt đầu tan rã
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh toàn cầu đang là vấn đề căng thẳng nhất trong thời đại của chúng ta. “Nếu chúng ta không xử lý, chúng ta có thể sẽ phải quay về thời kì mà ngay cả một cuộc tiểu phẫu đơn giản nhất cũng bất khả thi, chưa nói đến ghép tạng, hóa trị…”.
Theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hằng năm có khoảng 2 triệu người bị nhiễm vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh mà con người đang có, và trong đó ít nhất 23.000 người đã tử vong.
Vừa qua, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Dịch bệnh của châu Âu (ECDC) vừa báo cáo về kết quả cuộc chiến chống vi khuẩn ở châu Âu. Và đây không phải tin vui.
Theo báo cáo, số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh đã tăng lên, nhưng ECDC nói rằng điều đặc biệt đáng lo ngại là tỷ lệ trung bình kháng carbapenem của vi khuẩn Klebsiella pneumoniae đã tăng từ 6,2% năm 2012 lên 8,1% năm 2015.
Carbapenems là nhóm thuốc kháng sinh dùng để trị những vi khuẩn đã trở nên kháng các loại thuốc thông dụng khác. Việc nhóm thuốc này cũng trở nên vô dụng, và ngày càng tăng dần, đang gây ra lo ngại trong giới y bác sĩ.
“Kháng kháng sinh đang là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng căng thẳng nhất trong thời đại của chúng ta”, ông Vytenis Andriukaitis – Ủy viên An toàn Thực phẩm và Sức khỏe châu Âu cho biết. “Nếu chúng ta không xử lý, chúng ta có thể sẽ phải quay về thời kì mà ngay cả một cuộc tiểu phẫu đơn giản nhất cũng bất khả thi, chưa nói đến ghép tạng, hóa trị…”.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ tin tức đều ảm đạm. Theo Tiến sĩ Andrea Ammon của ECDC, lượng tiêu thụ kháng sinh đã giảm ở 6 nước. Ngoài ra, tỷ lệ vi khuẩn Staphylococcus aureus (MRSA) kháng meticillin cũng giảm rõ rệt trong khoảng 2012-2015. Hiện ECDC đang thực hiện nhiều dự án để nâng cao ý thức về nạn kháng kháng sinh trên thế giới.
“Ủy ban châu Âu sẽ thực hiện một kế hoạch hành động mới trong năm sau để có thể cùng với các đối tác trong EU và quốc tế tiếp tục ngăn chặn và kiểm soát kháng kháng sinh”, ông Audriukaitis nói.
Tại phiên họp lần thứ 71 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã diễn ra vào tháng 9 vừa qua, lãnh đạo từ 193 quốc gia thành viên đã được thông báo về mức độ nghiêm trọng chưa từng có việc lây lan của các bệnh lý nhiễm trùng có khả năng kháng thuốc kháng sinh.
Nếu quan tâm hơn về vấn đề này, bạn có thể xem qua bản đồ tương tác về mức độ kháng kháng sinh trên thế giới, phân loại theo vi khuẩn, loại thuốc và quốc gia.
Dưới đây là hình ảnh về mức độ kháng Carbapenems của vi khuẩn Klebsiella pneumoniae mà chúng ta đã nhắc tới ở trên.
Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết:
Kháng thuốc hiện không của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. WHO xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.
Đáng báo động khi ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện (BV) đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới. Thậm chí có những chủng vi khuẩn đã biến đổi gien và kháng với tất cả loại kháng sinh hiện có. Vì thế, WHO nhận định dịch tễ lao ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp.
Năm 2015, Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (khoảng 4.800 bệnh nhân) và chiếm 19% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3.400 bệnh nhân).
Theo điều tra gần đây của Bộ Y tế, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh rất cao, trong các BV 50% chi phí khám chữa bệnh (KCB) dành cho tiền thuốc điều trị thì thuốc kháng sinh chiếm tới 33%. Việc người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh ở nông thôn hiện nay lên tới 91%, còn ở thành thị là 88%.
Tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở các BV tuyến trung ương chiếm gần 30% chi phí điều trị, trong khi các BV tuyến tỉnh là 35%, BV tuyến huyện là 45%.
Theo trithucvn