Rác bủa vây Phú Quốc
TT – Áp lực ô nhiễm ngày càng tăng theo tốc độ phát triển nóng của đảo Phú Quốc (Kiên Giang), trong khi địa phương vẫn loay hoay chưa có lời giải bài toán môi trường cho hòn đảo du lịch này.
Đưa chúng tôi xem chiếc túi nhựa vừa vớt lên khi xuống tắm biển tại bãi Trường, Johns – du khách Canada – lắc đầu: “Rác, rác, rác… tắm ở đâu cũng gặp rác. Lên phố gặp rác, xuống biển cũng gặp rác…”. Khách du lịch mang rác đến gặp giám đốc resort để phản ứng Không chỉ người nước ngoài tỏ ra thất vọng vì môi trường ở các bãi tắm Phú Quốc, anh Lê Văn Tám, một du khách đến từ quận Bình Thạnh (TP.HCM), đã bị miểng chén cứa đứt chân khi xuống tắm tại bãi biển Dinh Cậu, trung tâm thị trấn Dương Đông. Giơ mảnh chén vỡ trước mặt rất đông du khách, anh Tám nói đây không phải là lần đầu tiên anh dính phải miểng chai khi tắm ở khu vực Dinh Cậu. Tại bãi biển này, mỗi chiều có rất đông người đến tắm vì đây là nơi hiếm hoi tại Dương Đông bãi biển không bị chắn bởi các resort, nhà hàng, khách sạn… Tuy vậy, ngay phía trên khu vực bãi tắm này, hành lang đi bộ ven biển đã bị chiếm dụng để làm quán nhậu. Bãi cát phía dưới quán nhậu là vô số rác thực phẩm, túi nhựa, vỏ hộp… Chứng kiến cảnh rác giăng trên bãi biển, nhiều du khách tỏ ra ngần ngại không dám xuống tắm. “Tụi tui dân Phú Quốc nên biết chỗ nào bị ô nhiễm. Mỗi khi tắm biển chúng tôi phải chạy xe lên tận bãi Ông Lang vì ở đó còn tương đối hoang sơ” – anh Tưởng, một người dân ở thị trấn Dương Đông, than phiền về tình trạng ô nhiễm ở bãi biển trung tâm Dương Đông. Anh Nguyễn Quốc Hưng, trưởng phòng kỹ thuật của một resort 4 sao tại Dương Đông, cho biết để có bãi biển sạch cho du khách xuống tắm, mỗi buổi sáng nhân viên của anh phải đi gom từ 20 – 30 bao tải rác. Ngoài ra, anh phải cử người túc trực suốt ngày ở bãi tắm để làm vệ sinh vì rác biển liên tục bị sóng đánh vào bãi tắm. Còn giám đốc của một resort khác tại Dương Đông thổ lộ ông cảm thấy xấu hổ vì không ít lần bị du khách nước ngoài mang rác đến phòng làm việc của ông phản ứng. Không những thế, trên các trang mạng nổi tiếng về du lịch, nhiều du khách đến Phú Quốc khi về đã nhận xét gay gắt về tình trạng ô nhiễm rác tại các bãi biển ở đảo. Không chỉ có các bãi biển bị rác tấn công, một đoạn dài từ bờ kè công viên kéo đến sông Dương Đông, con sông huyết mạch của Phú Quốc, cũng đang bị tình trạng rác bủa vây. Sông Dương Đông cũng lãnh đủ chất thải từ chợ Dương Đông. Ông Nguyễn Văn Mãi – đại diện chủ đầu tư chợ Dương Đông – cho biết khu chợ có hệ thống thu gom rác và xử lý nước thải theo quy định. Nhưng do bà con tiểu thương tự ý kinh doanh bên ngoài nhà lồng quá nhiều nên gần như toàn bộ nước thải và rác thải đều được đổ thẳng xuống sông. Ban quản lý chợ Dương Đông đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ vận động bà con chấp hành quy định thu gom rác nhưng chưa có kết quả. Theo Phòng tài nguyên – môi trường Phú Quốc, ngoài khu vực chợ Dương Đông, hiện dọc hai bên bờ sông Dương Đông còn khoảng 1.000 hộ dân và trên 160 cơ sở kinh doanh ăn uống, vật liệu xây dựng, sản xuất nước mắm…
Sân bay cũ thành… bãi rác Xuống biển, xuống sông đều gặp rác, lên bờ rác càng là nỗi bức xúc của cư dân và du khách đến Phú Quốc. Các đô thị, nơi tập trung đông dân cư trên đảo Phú Quốc như Dương Đông, An Thới, Hàm Ninh… thường xuyên bắt gặp hình ảnh những “bãi rác mini” ở đầu hẻm, góc phố. Khách qua những bãi rác này phải nín thở đi nhanh, và khỏi phải nói dân cư lân cận đã phải chịu đựng như thế nào. Nghiêm trọng hơn, ngay tại cảng hàng không Phú Quốc (cũ) ở thị trấn Dương Đông, khi sân bay đã dời về địa điểm khác thì một đoạn đường băng sân bay cũ này nhanh chóng trở thành bãi rác khổng lồ, bốc mùi nồng nặc khắp khu dân cư lân cận. Và một nguồn ô nhiễm mới từ hàng loạt dự án, công trình xây dựng đang thi công như một đại công trường trên đảo Phú Quốc. Từ sáng sớm đến tối mịt, từng đoàn xe ben chở đất đá, vật liệu xây dựng nối đuôi nhau liên tục chạy rầm rập trên đường. Theo sau đó là đất đỏ, cát, đá rơi vãi xuống đường, tung bụi mù mịt vào không khí. Nhiều đoạn đường ở trung tâm thị trấn Dương Đông như Hùng Vương, 30-4, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trung Trực… đều mù bụi. Chạy xe máy ngoài đường chưa đầy nửa buổi sáng, chiếc áo trắng đã ngả vàng do bám bụi đất đỏ. Sau rác, bụi tới lượt nước thải sinh hoạt và sản xuất. Hiện nước thải sinh hoạt của cư dân trên đảo đều trực tiếp hoặc gián tiếp qua các con suối đổ ra sông Dương Đông rồi chảy ra biển qua cửa Dinh Cậu. “Chúng tôi đã kiến nghị hết lời hết lẽ, hết giấy hết mực, hết cấp chính quyền từ ấp, xã, huyện, tỉnh cho tới tận trung ương mà vẫn không thay đổi được gì” – quản lý một resort 4 sao trên đường Trần Hưng Đạo bày tỏ bức xúc trước tình trạng các con kênh hở hiện vẫn đang xả nước thải trực tiếp ra các bãi biển. Trong khi đó, các hộ dân sinh sống trên đường Trần Hưng Đạo lại “tố ngược” các resort bít cống thoát nước khiến nhà của họ thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn. Hết chỗ chứa rác Trong hoàn cảnh đó, thật ngạc nhiên là cả Phú Quốc đến nay vẫn chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác thải. Còn với nước thải, cách nay nhiều năm cũng có một doanh nghiệp xây dựng dự án xử lý nước. Doanh nghiệp này đã lắp đặt hệ thống xử lý nước tại Dương Đông, nhưng vì nhiều lý do hệ thống này bị bỏ hoang nhiều năm. Ông Nguyễn Văn Ngọc, trưởng Ban quản lý công trình công cộng Phú Quốc, cho biết trung bình mỗi ngày đơn vị này thu gom trên 180 tấn rác thải, thuộc địa bàn thị trấn Dương Đông, An Thới, xã Dương Tơ và một phần xã Cửa Dương. Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị này còn tổ chức đội thu gom rác thải khu vực sông Dương Đông đến Dinh Cậu. Phần còn lại ở các khu vực bãi tắm thì phần bãi tắm thuộc doanh nghiệp nào do doanh nghiệp đó tự tổ chức thu gom. Phú Quốc có hai bãi rác nằm ở thị trấn An Thới và Cửa Cạn. Tuy nhiên, ông Ngọc cho hay bãi rác đến nay đã quá tải. Ngay bãi rác chính ở Cửa Cạn cũng chỉ là bãi rác tạm, bởi vị trí này đã được giao cho một doanh nghiệp làm sân golf. Mấy ngày trước, lãnh đạo đơn vị này phải đi khảo sát tìm đất để “đổ tạm” rác trong khi chờ có nhà máy xử lý rác. Ông Phùng Xuân Mai – phó chủ tịch kiêm trưởng văn phòng đại diện Phú Quốc của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang – cho biết bản thân ông đã dự hàng trăm hội thảo, sự kiện kêu gọi thu hút đầu tư vào Phú Quốc, nhưng tuyệt nhiên chưa từng thấy tỉnh Kiên Giang kêu gọi bất kỳ dự án nào về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Rõ ràng điều này mâu thuẫn với mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao tầm cỡ quốc tế.
TIẾN TRÌNH – KHOA NAM ([email protected], [email protected])
|
Theo Tuổi Trẻ