Đười ươi hoãn ‘dậy thì’ để làm thủ lĩnh
Bất cứ một cậu thanh niên choai choai nào cũng hiểu khi bên cạnh có những anh chàng lớn hơn, khỏe hơn thì mình khó lòng tiếp cận được với những cô gái đẹp. Bọn đười ươi (orang-outang) sống trên đảo Borneo và Sumatra (hai hòn đảo ở Indonesia, quê hương của đười ươi) cũng gặp vấn đề y như vậy.||
/
Tuy nhiên, chỉ những con đười ươi Sumatra mới kiên trì áp dụng một giải pháp rất độc đáo: chúng chưa dậy thì vội mà dành mọi sức lực để biến mình thành lực lưỡng, đô con, đủ sức để “ăn thua đủ” với bọn lớn hơn đã. Và sau khi đạt được mục đích này rồi chúng mới tính đến chuyện dậy thì, ve vãn bạn gái và phấn đấu lên làm thủ lĩnh. Những con đười ươi đực có thể sinh con đẻ cái ở tuổi xấp xỉ 15, nhưng để chinh phục được một cô bạn gái còn cần có một đặc trưng phụ về “nam tính” nữa là phải có những hàng lông dày dặn ở ngực và dễ nhận ra hơn nữa là những túm lông hai bên má. Ở đười ươi Sumatra, khi chưa có sức lực ngang ngửa với con khỏe nhất thì các đám lông ấy của chúng cũng bị “hoãn” cả việc mọc ra. Đôi khi lâu hơn 10 năm. Không một loài linh trưởng nào khác kể cả đười ươi Borneo có tập tính này. Gauri Pradhan, thuộc Trường ĐH Nam Florida tại Tampa và các đồng nghiệp lưu ý đến sự khác nhau nữa giữa các cá thể tuy cùng loài những sống ở địa phương khác nhau: Những con đười ươi đực sống tại Borneo khác với đười ươi đực sống ở Sumatra, có thể “độc quyền sở hữu” những đười ươi cái hàng tuần trong một thời gian nhất định. Để tìm hiểu hậu quả của sự khác biệt về tập tính của đười ươi sống tại hai địa phương, Pradhan xây dựng mô hình toán học về quần thể đười ươi, kéo dài hàng chục năm tại chính nơi ở của chúng. Nhờ vậy, bà nhận thấy rằng những con đười ươi đực ở Sumatra có thể hoãn sự trưởng thành về giới tính trong điều kiện mọi đười ươi cái trong bầy đã bị con đầu đàn sở hữu độc quyền. Chúng tập trung vào việc tự rèn thể lực cho tới khi có thể thách thức sự thống trị của thủ lĩnh. Và chính vào lúc đó, chúng mới trưởng thành. Theo tờ Newscientist, mô hình nghiên cứu này được chuyên gia hàng đầu nghiên cứu đười ươi của Trường ĐH Amsterdam (Hà Lan) Madeleibe Hardux đánh giá là “đơn giản nhưng rất chắc chắn”. Bảo Châu |