Đức Phật khai thị vì sao con người sẽ quên đi kiếp trước (Phần cuối): Phá trừ cõi mê
Một ngày nọ, Đức Phật cùng với chúng đệ tử nghỉ ngơi dưới một gốc cây cổ thụ ngoài thành La Duyệt Chỉ, có một vị tỳ kheo vừa mới xuất gia tên là Kiến Chánh. Cậu này đang suy nghĩ một vấn đề: Đức Phật nói rằng con ngươi ta đều có đời trước của mình, thế nhưng con người tại sao đều không nhớ rõ?
Đức Phật khai thị, tâm thức tùy theo thiện ác mà thay đổi
Đức Phật giảng:
“Tâm thức là tùy theo hai nghiệp thiện – ác của người ta mà có tính lựa chọn, theo thiện thì trở nên thiện, theo ác thì trở nên ác, từ đó mà biến hóa ra muôn vạn hình trạng. Giống như lửa, từ sự bùng cháy của củi mới sinh ra hình trạng của ngọn lửa, nếu như làm ướt hoặc dời củi đi, ngọn lửa cũng sẽ biến mất. Chưa chứng đắc được đạo quả Bồ Đề, thì cần phải trầm luân trong biển khổ của sinh tử, là vì ý thức không thể quay trở lại.
Giống như tấm gương bám đầy bụi bặm, cầm lên soi thử thì không thấy được gì cả. Tâm thức cũng vậy, hễ bị bụi bẩn bám đầy, tạo thành trầm luân trong cõi sinh tử, chịu nhận những thứ phù phiếm, họa phúc đan xen, không còn nhận ra chân ngã vốn có của bản thân mình nữa; chính là giống như tấm gương bám dày bụi bẩn kia vậy.
Lại ví như nước bùn dơ dáy, tuy rằng cá bơi trong đó, con người lại khó mà nhìn thấy được. Sinh tử rối rắm đan xen, những suy nghĩ và buồn lo đã che mất trí huệ của con người, rồi bị ngăn cách mê mờ trong bào thai, hễ chuyển sinh liền quên hết; cũng giống như cá bơi trong nước bùn không phân biệt ra được.
Ví như trong đêm tối, nhắm mắt lại đi về phía trước thì cái gì cũng không nhìn thấy. Con người mê mờ giữa sống và chết, chịu sự ràng buộc bởi tai ương và họa phúc, hoặc vui hoặc buồn, không còn nhận biết được đời trước; chính là giống như nhắm mắt đi đường trong đêm tối vậy!”
Video: Đấng Giác Ngộ đã từ bi nhẫn chịu vì chúng sinh như thế nào?
Đức Phật khai thị, sinh tử trong tam giới
Đức Phật giảng tiếp:
“Nay ta đã là Phật, huệ nhãn thanh tịnh, hết thảy chúng sinh và hết thảy thảy sinh tử luân hồi trong tam giới, Phật đều biết được cả. Ví như thủy tinh, lưu ly, dùng sợi dây tơ màu xỏ xuyên qua, xanh vàng đỏ trắng, hiển rõ ràng ngay trước mắt. Phật thấy sinh tử cũng giống như sợi dây xuyên qua trân châu này, hết sức rõ ràng minh bạch. Ví như nước hồ trong veo thấy rõ được đến đáy, cũng nhìn thấy rõ những con cá bơi trong đó; Phật nhìn sinh tử cũng giống như nhìn những con cá trong dòng nước trong vắt kia, không bị gì che chắn. Ví như chiếc cầu lớn, người qua kẻ lại không ngừng, Phật giống như người đứng xem bên cạnh, nhìn được rất rõ ràng. Ý nghĩ của cao xa, biết rõ ngọn nguồn của sinh tử, giống như từ trên cao nhìn xuống những thôn xóm và con người dưới núi, có thể nhìn rõ mồn một.
Khi các con làm theo lời chỉ dạy của ta, cũng có thể biết được hết thảy mọi chuyện sinh tử của hàng nghìn ức kiếp trước; vậy làm thế nào đây? Khi tu hành ba mươi bảy đạo phẩm, đoạn trừ hết thảy ô nhiễm trong ý thức, tận trừ tam độc tham sân si, phá tan hết thảy mọi nghi ngờ, thì sẽ đắc được trí huệ đồng dạng như Phật Đà, sẽ biết được mọi chuyện trong quá khứ tương lai; giống như tấm gương đã được lau chùi sạch sẽ, tất cả hình ảnh trong đó đều hiện ra hết sức rõ ràng.
Hết thảy thiện ác mà người đời đã làm, sau khi chết đi, cũng đều sẽ có báo ứng qua lại tương xứng. Chỉ là con người không đắc được Pháp nhãn thanh tịnh, vậy nên không thấy không hay, không biết được đầu đuôi ngọn nguồn.
Bởi chịu đủ các loại chướng ngại, chỉ dựa vào mắt thịt, nhìn không thấy được căn nguyên báo ứng qua lại, nên mới dám nói xằng bậy rằng không có nhân quả ba đời. Người chưa đắc đạo, thường làm những chuyện ô uế, bị ngu si che mờ, trầm luân trong cõi sinh tử, nhận được thân hình mới, mắt thịt cũng không hay biết. Rời khỏi thân xác cũ thì liền bị trói buộc bởi thân thể mới, bị bốn nỗi đau sinh – lão – bệnh – tử quấy nhiễu, cuối cùng không biết được rằng tâm thức phải thuận theo nghiệp báo thiện – ác đã làm lúc còn sống”.
Đức Phật khai thị, mối liên hệ giữa đời này và những đời trước
“Con người kiếp này hoặc là hưởng phước, hoặc là chịu tội, hoặc là mến nhau, hoặc là ghét nhau, những thứ này chính là nghiệm chứng báo ứng của những việc làm thiện ác ở đời trước. Bởi vì không có được Pháp nhãn thanh tịnh, vậy nên không thấy không hay. Nếu như không có ý nguyện tu hành đạo hạnh, mà lại muốn biết được những chuyện trong đời trước, muốn biết được nghiệp quả báo ứng, cũng giống như người không có tay mà lại muốn viết chữ, không có mắt mà muốn nhìn rõ đồ vật, đương nhiên là điều không thể.
Vậy nên Phật Đà xuất thế, tuyên truyền Kinh đạo, muốn để giải khai ý nguyện của con người. Nếu muốn liễu giải, tận mắt thấy được mối quan hệ giữa sự sống và cái chết, thì cần phải tuân theo ba mươi bảy đạo phẩm mà Phật chỉ dạy, tịnh hóa thân tâm, chứng nhập tam muội thiền định, như vậy mới biết được quan hệ của tâm thức.
Tâm thức chỉ có tên gọi mà không có hình thể, thuận theo việc làm thiện ác, dựa vào tứ đại đất, nước, lửa, gió làm hình thể. Lúc mới sinh ra thân thể hãy còn nhỏ, chức năng của lục căn chưa đầy đủ, kiến thức cũng ít, những gì biết được cũng không nhiều. Thuận theo tuổi tác tăng trưởng, chức năng của lục căn dần dần đầy đủ, tâm thức cũng thuận theo các loại tham ái dục vọng được dưỡng thành, ngày càng mạnh mẽ. Đến khi về già, tấm thân cũng dần dần mục nát, tâm thức cũng đã không còn rõ ràng được nữa, lục căn cũng dần dần suy kiệt.
Người ta trong suốt một đời, trải qua vô số biến đổi vô thường, không thể nhớ lại những chuyện của quá khứ, lúc về già cũng không nhớ được chuyện lúc còn trẻ, huống hồ là nhớ lại những chuyện của đời trước? Bởi chỗ mê ngăn cách bởi âm phủ và trói buộc trong thai mẹ, nếu như vẫn không ngộ đạo, bị ngu si nghi hoặc ô nhiễm, muốn biết chỗ đến và đi của tâm thức, là điều không thể nào. Con người nếu như không có đạo hạnh, mà lại muốn biết được chuyện trong số mệnh, thì cũng giống như xỏ kim trong đêm tối, trong nước mà cầu được lửa, cuối cùng chỉ uổng công mà thôi.
Vậy nên, mọi người cần phải chuyên tâm tuân thủ giới luật, suy nghĩ sâu xa về chuyện sinh tử từ đâu mà đến, sau cùng sẽ đi về đâu, nhân gì đưa đẩy, nguyên do là gì. Cẩn thận mà tư duy Đạo Pháp Vô Không, đắc được tịnh nhãn đoạn trừ cõi mê, thì hết thảy chỗ nghi hoặc ắt tự giải khai được”.
Đức Phật nói đến đây, tỳ kheo Kiến Chánh cùng năm trăm vị tỳ kheo và cư sỹ đều đắc được quả vị sơ đẳng, chư Bồ Tát đắc được Bất Khuynh Hồi Tam Muội. Mọi người đứng dậy lạy Phật ba lạy, đầu chạm sát mặt đất; lạy tạ xong, liền cùng với Đức Phật trở về Tinh Xá.
(Hết)
Tiểu Thiện (Theo secretchina.com)