Dù mưu tính kỹ lưỡng đến đâu, Gia Cát Lượng vẫn phạt Ngụy thất bại vì điều này
Gia Cát Lượng đã dốc hết sức phò tá cha con Lưu Bị, sáu lần ra Kỳ Sơn phạt Ngụy, có lúc thành công chỉ còn cách trong gang tấc nhưng cuối cùng vẫn thất bại vì biến cố không ngờ, khiến ông phải ngậm ngùi thở dài: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên!”
Gia Cát Lượng là nhà chính trị – quân sự tài ba thời Tam Quốc, nổi tiếng với “lục xuất Kỳ Sơn” – 6 chiến dịch Bắc phạt đối đầu Tào Ngụy. Tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung đã mô tả lại loạt chiến dịch quân sự này, cho thấy Khổng Minh là người túc trí đa mưu, liệu sự như thần, nhưng cuối cùng ông vẫn không thể giành lại Trung Nguyên. Quả đúng như câu tục ngữ “người tính không bằng trời tính“.
Rất nhiều người hiểu câu này ý nói con người vĩnh viễn không thể đấu lại trời cao, nhưng đa số lại không tin số trời, cho rằng chỉ cần mình cố gắng hết sức là có thể nắm giữ vận mệnh bản thân mà không biết rằng “thuận thiên giả dật, nghịch thiên giả lao“, tức là thuận theo tự nhiên mọi việc dễ thành, nghịch thiên mà đi chắc chắn làm việc vô ích.
Trong Hồi 103 của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Gia Cát Lượng vắt hết óc, tỉ mỉ trù tính dụ cha con Tư Mã Ý vào hang Hồ Lô, lại còn sai binh lính dựng trại, đào hố bên trong chứa cỏ khô và đồ dẫn hỏa thật nhiều để chặn miệng hang, trong ngoài đặt địa lôi phục.
Cha con Tư Mã Ý cùng quân Ngụy thật sự mắc mưu, đối mặt nguy cơ hỏa thiêu, mắt thấy đại kế sắp thành bất ngờ gió lớn nổi lên, mây đen kéo ngập trời, mưa đổ như trút nước, ngọn lửa đang cháy hừng hực bỗng chốc bị dập tắt, địa lôi phục câm tịt. Thừa cơ hội đó, cha con Tư Mã Ý dẫn binh hăng sức phá lớp lớp vòng vây.
Sau loạt thất bại này, Khổng Minh đành phải ngửa mặt lên trời mà thở dài rằng:
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Không thể cưỡng cầu!“
Không chỉ là một lời cảm thán của Khổng Minh, câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” còn nói ra huyền cơ thế gian. Hết thảy đều là thiên ý! Sự thành công của bất cứ việc gì cũng không được quyết định bởi công sức bỏ ra nhiều bao nhiêu. Bởi con người có trăm tính toán, ông trời chỉ có một tính toán nhưng nó lại quyết định kết quả thành bại cuối cùng.
“Nhân mưu” là quá trình, “thiên thành” là kết quả. Trong cuộc sống có rất nhiều chuyện dù cho trải qua thiên tân vạn khổ, kết quả lại là “có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh“, đây chính là “nhân mưu” trước, “thiên thành” sau.
Từ đó có thể thấy được, một người dù cố gắng đến đâu thì mức độ thành công cũng có hạn, trong khi ý trời lại có sức ảnh hưởng cực lớn, đây mới là điểm mấu chốt quyết định thành bại của một việc. Do đó trong câu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, yếu tố trời được đặt đầu tiên, con người xếp cuối cùng.
Một người khi còn bé bất luận có lý tưởng gì, dù là giáo viên, bác sĩ, hay thậm chí là tổng thống cũng chỉ là mộng tượng tươi đẹp của bản thân mà thôi, không phải bạn muốn làm việc gì là có thể làm việc đó. Cho dù học cái gì, giỏi đến đâu thì cuối cùng bạn cũng có thể sẽ làm việc khác, có khi tính chất công việc còn trái ngược hoàn toàn.
Trong cuộc sống, mọi người sẽ thường xuyên gặp phải những vấn đề từ gia đình đến công việc giúp bản thân hiểu ra thế nào là thân bất do kỷ, việc mình muốn làm thì không thể làm, việc không muốn làm thì lại làm hoài không hết. Do đó con người khi còn sống không thể nào tùy tâm sở dục, chúng ta luôn là bên bị động, tất cả đều đã có ý trời.
Mọi người thường có quá nhiều dục vọng, không ngừng truy cầu, cuối cùng lại đánh mất phương hướng. Vì cưỡng cầu mà không hợp thiên ý, tất nhiên sẽ gặp phải ngăn trở, cuối cùng nhận thất bại.
Sự phát triển của lịch sử là do thần sắp xếp, bất cứ chyện gì trong cuộc sống cũng đều có sự tồn tại của thiên ý. Biết thiên mệnh, thuận theo ý trời, thích ứng trong mọi tình cảnh, không cưỡng cầu thứ gì không thuộc về mình, mọi sự thuận theo tự nhiên, có lòng cảm ân, thong dong tự tại, thì sẽ thoải mái cả đời.
Tú Văn biên dịch