Dữ liệu của Liên minh châu Phi bị gửi về Thượng Hải, nghi phạm là Huawei?
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của Liên minh châu Phi và gửi dữ liệu cơ mật về Thượng Hải. Mới đây, một bản báo cáo cho thấy vụ đánh cắp dữ liệu cơ mật này có liên quan tới Huawei.
Quan chức thuộc Liên minh châu Phi cho biết, trong 5 năm qua, mỗi tối, Trung Quốc đều xâm nhập vào hệ thống máy tính đặt tại trụ sở của liên minh này, đồng thời gửi những dữ liệu cơ mật về Thượng Hải. Mới đây, một bản báo cáo mới Trung tâm Nghiên cứu Chính sách chiến lược Australia (ASPI) cho thấy, vụ đánh cắp dữ liệu cơ mật này có liên quan tới công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc – Huawei.
Ngày 13/7, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách chiến lược Australia (ASPI) công bố bản báo cáo mới cho biết, vào tháng 1/2018, báo Le Monde của Pháp đưa tin dữ liệu cơ mật nằm tại trụ sở Liên minh châu Phi ở Ethiopia mỗi tối đều bị gửi về Thượng Hải, vụ việc này đã kéo dài 5 năm. Bắc Kinh được cho là đứng sau vụ việc này.
Báo cáo của ASPI cho biết, ngày 4/1/2012, Huawei đã ký hợp đồng với Liên minh châu Phi, nội dung quy định Huawei sẽ cung cấp giải pháp và thiết bị công nghệ mạng cho tòa nhà của Liên minh châu Phi.
Báo cáo cũng trích dẫn một bản tin của Huawei, về “giải pháp đám mây trên máy tính”, Huawei sẽ đưa ra phương án giải quyết về công nghệ thông tin và viễn thông cho trụ sở của Liên minh châu Phi, trong đó có máy tính, thiết bị lưu trữ dữ liệu, Wifi, v.v, thông qua phân phối dịch vụ thống nhất cho trung tâm vận hành dữ liệu, tất cả đều đã bắt đầu hoạt động.
Bản tin của Huawei nói về nhu cầu tất yếu khi Liên minh châu Phi muốn dịch vụ của Huawei: Là một tổ chức tối cao điều phối về các vấn đề như chính trị, kinh tế, quân sự của châu Phi, Ủy ban Liên minh châu Phi cần phải có một hệ thống thông tin lớn mạnh, để phục vụ cho các hội nghị và lượng dữ liệu khổng lồ mà Liên minh châu Phi cần. Đồng thời để tránh bị bị tấn công bởi hacker, lừa đảo trên mạng, virus và những hình thức tấn công khác.
Phương án giải quyết của Huawei là lắp đặt toàn bộ máy tính và nguồn lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu trung ương của Liên minh châu Phi, có thể “liên kết liền mạch” không để lại lỗ hổng tới hệ thống IT ban đầu.
Huawei còn cung cấp hàng loạt những dịch vụ khác cho Liên minh châu Phi, về phương diện phát triển và hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông, Huawei và Liên minh châu Phi đã ký kết một bản ghi nhớ, đồng thời sẽ đào tạo các chuyên gia về công nghệ thông tin viễn thông cho Ủy ban Liên minh châu Phi.
Trong báo cáo cũng nói, phương án giải quyết vận hành đám mây trên máy tính của Huawei, đã trở thành trọng tâm trong công tác bảo vệ an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu.
Huawei cũng nói rõ về tính an toàn của giải pháp do mình cung cấp: “Tất cả các dữ liệu đều được lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu, có thể ngăn ngừa dữ liệu bị rò rì từ máy tính cá nhân, thông qua các cơ chế đảm bảo an toàn như kiểm chứng thiết bị đầu cuối, và mã hóa, có thể bảo vệ dữ liệu an toàn một cách toàn diện.”
Báo cáo cho biết, do Huawei cung cấp thiết bị và dịch vụ công nghệ thông tin viễn thông cho trung tâm dữ liệu của Liên minh châu Phi, nhưng điều khiến người khác vô cùng khó hiểu chính là, vì sao trong 5 năm liên tục, lượng lớn dữ liệu của Liên minh châu Phi bị đánh cắp nhưng Huawei lại không hề hay biết. Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp cho thấy Huawei đánh cắp dữ liệu, nhưng Huawei cũng trở thành đối tượng nghi ngờ đầu tiên.
Báo cáo đặt ra câu hỏi, nếu Huawei không bị phát hiện, thì đến nay những dữ liệu bí mật vẫn bị đánh cắp, vậy chúng ta còn có thể bảo mật những gì?
Bắc Kinh bị cho là lợi dụng các doanh nghiệp như Huawei, ZTE để thu thập thông tin tình báo
Tháng 1/2018, tờ báo Le Monde (Pháp) đã công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy, từ tháng 1/2012, tòa nhà Liên minh châu Phi đã được đưa vào sử dụng, cho đến tháng 1/2017, mỗi tối từ nửa đêm tới 2 giờ sáng, hoạt động truyền tải trộm dữ liệu đạt đến đỉnh điểm, nhân viên kỹ thuật của Liên minh châu Phi phát hiện, dữ liệu cơ mật của tổ chức này bị sao chép đến máy chủ nằm ở Thượng Hải.
Bắc kinh bỏ vốn ra xây dựng tòa nhà trụ sở Liên minh châu Phi tại Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia trị giá lên đến 200 triệu Đô la Mỹ, nhà thầu xây dựng công trình này cũng là một doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc.
Năm 2016, trong một bản báo cáo liên quan đến Trung Quốc đầu tư vào châu Phi của McKinsey cho biết, hai công ty lớn là Huawei và ZTE là nhà thầu xây dựng phần lớn các cơ sở hạ tầng thông tin viễn thông tại châu Phi.
Trong báo cáo mới nhất của ASPI cũng nói, ngoài Huawei, một công ty hàng đầu về viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE cũng tham gia vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thông tin viễn thông tại trụ sở Liên minh châu Phi. Trong hồ sơ mời thầu cũng cho thấy, Trung tâm hội nghị mới của Liên minh châu Phi sử dụng công nghệ của ZTE và Huawei.
Do đó, giới quan sát hoài nghi, Bắc Kinh lợi dụng Huawei và ZTE để thu thập thông tinh tình báo.
Thực ra, từ năm 2012, chính phủ Australia đã cấm Mạng lưới băng thông rộng quốc gia Australia (NBN) mua các thiết bị của Huawei, nguyên nhân chính là xét đến vấn đề an ninh quốc gia.
Ngoài ra, Canada và châu Âu cũng giữ lập trường cẩn thận đối với Huawei.
Trước đó, Nghị viên Quốc hội Mỹ cũng công bố báo cáo điểm tên các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei, ZTE lợi dụng các thiết bị điện tử được bán ra tại thị trường Mỹ để thu thập thông tin nhằm đánh cắp thông tin cơ mật của Mỹ.
Tháng 5/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ còn tuyên bố, các căn cứ đóng quân của quân đội Mỹ trên toàn cầu đều cấm sử dụng các thiết bị điện thoại của Huawei và ZTE, do sử dụng điện thoại của các hãng này có rủi ro về an toàn thông tin.
>>>Nghị viên Mỹ: Huawei, Xiaomi, Tencent liên quan đến an toàn thông tin
>>>Google hợp tác với Huawei: Mối họa cho an ninh quốc gia của Mỹ
Theo trithucvn