Đói
Trung Quốc vào những năm 1960, thời kì nhà cầm quyền phát động Đại Nhảy Vọt, người dân lần đầu tiên đối mặt với đại dịch đói không phải bởi thiên tai mà là nhân họa. Và một khi đã lâm vào tình cảnh đói cùng cực này, con người ta rất dễ đánh mất nhân luân.
Vào thời kì đó, làm mất phiếu lương thực 1 tháng chẳng khác nào tự sát. Đến đầu năm 1961, thời khắc kinh hoàng nhất đã đến.
Đói quá! Mọi người hễ gặp mặt nhau là nói chuyện miếng ăn, nói cho đỡ đói, nói về chuyện cơm nước, rồi ước ao làm sao cho có thể chỉ dùng 2 lạng gạo (theo hệ thống đo lường Trung Quốc, 1 cân 500g là 10 lạng, 1 lạng 50g, tức là 100g) mà nấu được 3 cân (1500g) cơm; rồi về chuyện đem phiếu lương thực đổi ở cửa hàng nào thì bánh màn thầu to nhỏ ra sao, tiệm mì nào cho nhiều cho ít. Trên những con đường lớn ở Bắc Kinh, dù không nhìn thấy những chiếc xe chở đầy thi thể, cũng không nhìn thấy ăn mày nằm ngồi lũ lượt, càng không có xác người chết đói ngã lăn đầu ngõ… Thực tế trên bề mặt, ngay cả giai đoạn thời đại khốn khổ sau Cách mạng tháng 10 cũng không có. Thế nhưng, khắp đường phố lớn của Bắc Kinh bao trùm một cảm giác đói khát chưa bao giờ thấy.
Trong cửa hàng thực phẩm, quầy hàng trống không, dường như không có đồ để bán, ngay cả đường cục cũng rất ít. Mấy sạp bán rau cải càng trơ trụi; ngày xưa chẳng ai mua củ cải trắng xốp, giờ cả ngó sen dính đầy bùn đất cũng vơi dần. Ngày xưa, cải trắng chất đống như núi; còn năm nay, mỗi hộ chỉ có mấy cây, cả những lá già nát bấy cũng có người cướp lấy. Mỗi người 1 tháng có thể theo sổ lương thực mua 2 lạng đường trắng để bổ sung năng lượng. Mặt khác, mỗi người 1 tháng được cấp nửa cái bánh ngọt Nyonya (nhỏ, nhiều lớp) nhờ vào phiếu mua điểm tâm. Diêm quẹt, thịt heo, muối nhuyễn, tinh bột, chất rửa mặt, xà phòng, tương vừng, bánh phở các loại,… đều phải theo sổ mua lương thực cung ứng theo quy định. Khi tết nhất, để thể hiện sự quan tâm của đảng, mỗi người sẽ được mua 3 lạng hạt dưa bằng sổ mua hàng, không cần phiếu lương thực. Còn đậu phộng thì hiếm lắm, nghe nói toàn bộ đem đi xuất khẩu lấy ngoại tệ.
7, 8 giờ tối, đường phố Tây Đơn vắng xơ xác, rải rác vài người qua lại. Vào mồng Một, trong ký túc xá ở rất gần Tây Đơn, bụng dạ đói meo nên ai còn có tinh thần đi dạo phố cơ chứ? Trong trường, khóa học thể dục cũng ngừng, khoa sản xuất lao động cũng bị hủy bỏ, thầy cô giáo bài tập gì cũng không chép, trong lớp hủy bỏ tất cả các hoạt động ngoại khóa, đại hội toàn trường cũng không cử hành, báo cáo về phản tu (hoạt động phản đối chủ nghĩa xét lại) cũng không còn nghe thấy… Buổi chiều mỗi ngày chỉ có một tiết, thời lượng học cũng rất ngắn, chủ yếu là để học sinh mau chóng về nhà. Thầy giáo nói đây là chỉ thị của thành ủy, tức là phải kết hợp hài hòa giữa học tập và lao động.
Thường chưa đến tiết thứ 3 thì bụng bắt đầu sôi ùng ục, trong đầu toàn là màn thầu, cơm, khoai lang, bánh ngô từng ổ từng ổ xâm chiếm. Đến tiết thứ 4, đói đến mức căn bản không nghe được lời nào nữa. Ngay cả đám con gái cũng không ngoại lệ, cái mông cứ nhổm lên nhổm xuống, ngồi học mà không yên, như thể mặt ghế có đinh vậy. Thầy giáo xong tiết thứ 4 cũng rất hiểu chuyện, chuông vừa reo một cái, đúng giờ tan học, không chậm thêm 1 giây phút nào nữa, không đợi thầy giáo ra khỏi lớp, cả đám học sinh nam nữ giống như đàn gà con, ba chân bốn cẳng chạy đến nhà ăn, la hét vui sướng ầm ĩ.
Khi ăn cơm phải dựa theo con số báo cho ủy viên thức ăn. Có người 3 lạng, có người 4 lạng. Buổi trưa của tôi là 4 lạng, sáng chiều 3 lạng. Ăn xong, vẫn còn thấy đói, phải liếm sạch sành sanh nước canh trong chén, một hột cơm cũng không chừa. Rời khỏi nhà ăn thật thê thảm, nhìn người khác còn đang ăn mà cảm thấy thèm thuồng khủng khiếp. Trong nhà ăn luôn tràn ngập một mùi thối rữa, thế nhưng mùi thối rữa này đồng nghĩa với mùi thức ăn, vô cùng ấm áp. Tôi ăn cơm lúc nào cũng ăn thật nhanh, ăn như hổ đói, 4 lạng cơm chỉ cần 5 phút là xong, đây thật ra cũng là một kỹ xảo đối phó với đói bụng. Ăn thật nhanh mới có cảm giác no. Dạ dày đột nhiên đầy ắp đồ ăn chắc chắn so với việc ăn từ từ thì sẽ cảm giác kích thích hơn, khác biệt hơn bởi đã có gì đó trong bụng. Ăn xong liền chạy khỏi nhà ăn thật nhanh, tránh khỏi cảnh phải nhìn người khác ăn mà thèm thuồng. Trở về lớp học, lại bắt đầu ngồi “hầm” tiếp hàng tiếng đồng hồ chờ đợi đến giờ cơm chiều.
Mỗi ngày được 1 cân lương thực, 3 bữa ăn rốt cục thì làm sao mới có thể khiến cảm giác đói khát giảm thiểu được, đây là câu hỏi mà tôi và các bạn học thường suy tư. Tôi đã thử chia tỉ lệ 2/4/4 (sáng 2 lạng, trưa 4 lạng, tối 4 lạng), nhưng rồi ngẫm lại buổi sáng phải lên lớp, sáng sớm 2 lạng không đủ; lại thử 4/3/3, cũng không được, buổi trưa mà ăn ít 1 lạng, cảm giác sẽ hoàn toàn khác, giống như là chưa ăn cơm vậy. 1/5/4 cũng đã thử, 3/3/4 cũng đã thử… Cuối cùng, sau khi trải qua nhiều lần thử nghiệm, chỉ còn dùng cách ăn 3/4/3 (sáng 3 lạng, trưa 4 lạng, chiều 3 lạng), cảm giác là phù hợp nhất với bản thân. Để đỡ đói, tôi cũng đã thử qua kiểu lúc ăn sáng, tôi đổi 1 cái bánh màn thầu thành 2 chén cháo, húp liền 3 lạng cháo, lúc đó cảm thấy no rồi, thế nhưng chỉ sau vài lần đi tiểu là lại đói như lúc đầu.
Ai cũng đều đói bụng đến váng đầu hoa mắt, ai cũng đều không đủ ăn, phiếu lương thực chẳng khác gì phiếu sống còn, ai cũng giữ như vàng, giữ kỹ từng ly từng tí. Đến chỗ nào ăn cũng phải giao phiếu lương thực là quy định thông hành trên toàn quốc, không có phiếu nửa bước đi cũng khó. Giữa bạn bè thân thích với nhau, đối với phiếu lương thực, cũng chung riêng rõ ràng, tính toán rành mạch, không chút sơ hở. Thật vậy! Chỉ có người từng chịu qua đói khát mới biết được giá trị của tấm phiếu lương thực nhỏ xíu đó, mất cái phiếu trị giá 1 cân lương thực có thể so với việc mất một đống tiền thì khổ sở hơn rất nhiều. Đúng là vậy, bạn làm ăn xin, xin tiền ngoài đường, có lẽ có người còn có thể cho bạn 1, 2 hào, thế nhưng bạn mà xin phiếu lương thực thì sẽ không có 1 ai cho bạn hết. Còn nhớ có bạn học của tôi kể rằng hàng xóm của cô ấy vì mất phiếu lương thực dành cho 1 tháng mà đã tự sát. Chuyện bạn bè với nhau chỉ vì 1, 2 phiếu lương thực mà trở mặt đánh nhau cũng có. Ngay cả mua rau giá, sữa đậu hành, đậu hủ non cũng phải có phiếu lương thực. Lúc lãnh phiếu, phải đếm cho thật kỹ lưỡng 1 cân 2 lạng, so với việc đến ngân hàng rút tiền còn cẩn thận hơn. Đầu năm nay, phiếu lương thực rất quý giá, ai cũng không dám chủ quan.
Mỗi khi về nhà vào Thứ Bảy, việc đầu tiên cô giúp việc làm là quản lý phiếu ăn của tôi, ăn 2 bữa cơm thì cho nửa cân, ăn 3 bữa thì cho 1 cân. Quan hệ giữa tôi và cô giúp việc càng lúc càng không tốt, bởi vì cô ấy chỉ nhận phiếu lương thực không nhận người. Ăn cơm ở nhà, mỗi bữa cơm 1 người 1 chén, căn bản tôi không đủ ăn, nhưng lại không tiện nói. Tôi không dám thò tay xin cơm trước mặt ba mẹ vì sợ nếm mùi thất bại.
Cha mẹ tôi có tiền, thường mua một ít mua một ít điểm tâm cao cấp bồi dưỡng, nhưng họ rất ít cho tôi ăn. Ba mẹ được phát sổ mua lương thực cho cán bộ, có thể mua một ít trứng gà, đậu hủ, đậu nành, bánh bích quy… Trong phòng cha tôi có một cái lò điện, sáng sớm mỗi ngày ông đều tự mình nấu sữa bò trứng gà ăn, chưa bao giờ cho tôi nếm thử một ngụm. Ông từng nói với tôi: “Con đừng có bất kỳ tư tưởng đặc thù hóa gì cả. Chúng ta ăn là vì chúng ta có được đãi ngộ này, hiện nay con về nhà ăn cơm, ăn rất nhiều thứ đều là chế độ chăm sóc đặc thù của chúng ta, đừng không biết đủ, phải gian khổ tiết kiệm, đừng nói ăn nói mặc”.
Dựa trên lương tâm mà nói, những thứ để ăn trong nhà so với người dân thường thì tốt hơn chút cíu. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy bụng trống trơn, luôn thấy thèm ăn.
Cha nói: “Ăn cơm ăn 7 phần no là được rồi, ăn no quá sẽ không sống lâu”. Nhưng mà tôi chỉ muốn ăn cơm no, không muốn sống lâu. Khi người ta đói, điều mê say nhất là ăn cơm, chẳng cần quan tâm đến sống lâu sống ít làm chi nữa.
Nếu như tháng nào có ngày nghỉ tiết, có thể dư được mấy phiếu lương thực, tôi đương nhiên sẽ tìm cách đưa cho nhà ít đi một chút. Ví dụ, ở nhà ăn cơm 3 ngày lẻ 1 bữa, chỉ giao phiếu 3 cân lương thực. Thế nhưng cô giúp việc vô cùng nhanh trí, cô sẽ luôn phát hiện tôi giao thiếu phiếu mà tìm tôi để đòi, bạn thiếu cô ấy phiếu lương thực 1 bữa, cô ấy 1 tháng cũng không quên. Chị gái Tiểu Bàn cũng thường vì việc phiếu lương thực mà cãi nhau với cô ấy, mỗi khi có việc như vậy xảy ra, ba mẹ đều kiên quyết ủng hộ cô giúp việc, bắt con của họ phải tuân thủ quy định giao phiếu lương thực, căn bản không cần biết chúng tôi đói khát hay không. Nói toạc ra, họ sợ rằng một chút lương thực của bản thân sẽ bị con cái ăn mất một chút. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã bị phiếu lương thực cắt thành một vết thật sâu, tàn nhẫn vô cùng. Ít nhất nhà chúng tôi là như vậy.
Cô giúp việc hơn 50 tuổi, thời trẻ rất đẹp, là vợ ba của một quan lớn, rất thích hút thuốc. Cô biết cách nịnh nọt người ta, nịnh nọt cha mẹ tôi đến nỗi đầu óc choáng váng, vì thế cô ấy cậy thế không biết sợ là gì, dám cãi nhau với con cái của họ. Khi cô mới gặp tôi, vì tôi không thích nói chuyện, cô ấy khen tôi là “quý nhân không xuất ngữ”, ba hoa chích chòe tâng bốc tôi. Giờ đây, cô ấy nói tôi là “giai cấp bóc lột, quỷ hút máu, hại người ích ta, luôn tìm cách giao thiếu phiếu lương thực, bóc lột thức ăn trong nhà”. Cô ấy thực sự là mặt sắt vô tình, vô luận đến nỗi không có phiếu là không cho ăn, không qua loa một chút nào, giống như tiệm cơm lấy tiền người ta vậy. Nhớ rõ lúc đó con của Bạch Dương, An Mỹ thường đến nhà tôi. Có lần cô ấy không đưa phiếu, cô giúp việc thật sự đã không cho ăn, hơn nữa còn khóa nhà bếp lại, giống như đề phòng trộm cướp vậy.
Ăn cơm ở nhà, có bao nhiêu người, nấu mấy chén cơm, một chút cũng không làm thêm. Hôm nào tình cờ mẹ tôi có chút thiện tâm, nói cô giúp việc cho tôi một ít đồ ăn thừa bỏ vào trong bình cho tôi mang đến trường. Nhưng lương thực tuyệt đối không cho nhiều, nửa cái bánh màn thầu cũng không đến. Khoảng cách giữa cha mẹ và tôi lúc này có thể càng thêm sâu hơn. Khi tôi đói khát, cha tôi không bao giờ hỏi qua tôi một câu “con ăn no chưa?”. Ông không dám hỏi. Ông biết, tôi có nói với ông là đói, ông cũng không có cách nào. Ông sẽ không đem đồ ăn của mình cho tôi. Trong thùng rác, tôi thường thấy những vỏ bao bì thực phẩm cha tôi đã ăn, giấy bọc đường cao cấp, vỏ trứng gà… Tôi biết, mỗi ngày họ đều trốn ở trong phòng lén ăn những thực phẩm trợ cấp đặc biệt cho cán bộ cao cấp, điểm tâm, mứt trái cây đắt đỏ. Thế nhưng, lúc nhỏ bà nội đã dạy tôi, con người nghèo, nếu nghèo phải có ý chí. Vì thế dù lại đói, tôi cũng không xin xỏ cha mẹ. Lúc đói đến nỗi chịu không được, tôi phải đến nhà dì ăn nhờ một bữa cơm no.
Nhà dì tuy nghèo, đồ dùng trong nhà cũng đơn sơ, chén ăn là chén thô, đũa là đũa bình dân, trong nhà bếp có mùi đồ ăn thiu ôi, kém xa nhà của cha mẹ tôi, cao cấp, sạch sẽ, rộng rãi. Thế nhưng, hai gian phòng nhỏ lờ mờ so với nhà của cha mẹ tôi lại hấp dẫn hơn, bởi vì người đang đói, điều mong mỏi nhất là được ăn no, chứ không phải là những đôi đũa ngà voi thẳng tắp tinh tế, không phải là những chiếc bát sứ điểm hoa nhỏ, càng không phải là những đồ dùng trong nhà cổ kính.
Dì đã ẵm bồng tôi từ lúc mới sinh ra đến khi 4 tuổi, đối với tôi có một tình cảm ruột thịt. Sau này, quan hệ giữa dì và mẹ tôi xấu đi, tôi đoán trong tiềm thức có thể là do dì nghĩ mẹ tôi đã “cướp” tôi từ trong lòng dì.
Đến nhà dì ăn chực, không nhớ rõ đã bao nhiêu lần, dần dần khiến dượng tôi không vui. Dượng là người gác cổng ở phòng thường trực, người rất thành thật, vốn dĩ dì nói gì dượng nghe nấy. Thời gian dài, đối với việc ăn cơm chùa nhà họ mà không giao phiếu lương thực, dượng càng lúc càng có ý kiến, lần đầu cãi nhau với dì. Thế nhưng dì luôn che chở cho tôi, nói tôi còn nhỏ, lại đang tuổi lớn. Cuối cùng, xảy ra chuyện liên quan đến 2 vỉ hấp bánh ngô.
Đó là một buổi chiều mùa đông, trời rất lạnh, tôi đói muốn chết, nghĩ đến buổi tối chỉ có 3 lạng lương thực làm sao mà đỡ đói, lại thèm thuồng nghĩ đến ngôi nhà nhỏ của dì, mặc dù tôi luôn có cảm giác xấu hổ, cảm giác bản thân ăn ở nhà dì thì quá độc ác, nhưng vẫn là không quản nổi mình. Bởi vì nhà dì là nơi duy nhất có thể thoải mái ăn no bụng, thế nên tôi đến nhà dì ăn tối, cũng là vì có 2 chỗ tốt: 1 có thể ăn no, 2 còn có thể tiết kiệm được 3 lạng lương thực buổi ăn tối. Thế rồi tôi đi bộ 20 phút đến nhà dì.
Lúc này khoảng 5 giờ, dì vẫn còn làm việc ở nhà trẻ, chưa tan ca. Dì mở cửa phòng cho tôi, rồi tiếp tục trông các em nhỏ. Dượng cũng đang có ca trực, không có ở nhà. Tôi theo bản năng đi đến phòng bếp, phát hiện ra 2 vỉ hấp bánh ngô. Khi người ta đói, khứu giác đối với thức ăn rất nhạy, miếng bánh bột ngô đen đen, tỏa ra một hương thơm nồng đậm, khiến cho tôi thèm đến chảy nước miếng. Trong tâm âm thầm cầu nguyện: “Dì à, cháu xin lỗi, cháu thật sự đói chịu hết nỗi rồi, xin lỗi dì!”, rồi không chút do dự mà bóc một cái ăn ngốn nghiến. Ăn xong một cái, lại càng thêm đói, lại lấy tiếp cái thứ hai. 2 vỉ bánh hấp này là thức ăn tối của 3 người nhà dì, thế nhưng tôi chẳng cần quan tâm gì nữa, giống như người đói sắp chết thấy được đồ ăn, ngoại trừ bản năng ăn ra, những thứ lý tính khác đều biến mất. Cho đến bây giờ, hình ảnh những cái bánh ngô còn in đậm trong tâm trí tôi: màu nâu đen, thô ráp như da cây hòe, bên ngoài tuy xấu xí nhưng rất ngon. Tôi lúc đầu chỉ muốn ăn vài cái, chừa lại cho họ một ít, thế nhưng một khi ăn rồi, lại khống chế không được, ăn xong 1 cái, lại muốn thêm 1 cái, ăn xong 1 cái, lại muốn thêm 1 cái… không dễ gì mà có cơ hội ăn no như vậy, tôi thực sự rất đói, quản không nổi bản thân nữa. Thế nên rất nhanh tôi đã ăn hết 1 vỉ hấp.
Như đê điều bị chọc lủng, tôi một khi đã ăn thì không thể vãn hồi, hoàn toàn mất tự chủ. Tuy đã no đủ nhưng lại còn muốn ăn. Dường như ăn nhiều hơn 1 cái, cảm giác lại an toàn hơn. Cái gì là liêm sỉ lễ nghĩa, cái gì là nhân ái hiếu đễ, đều đặt ra đàng sau hết, trong đầu chỉ toàn bánh ngô, tràn đầy kích động khát vọng ăn uống. Kết quả chỉ trong chốc lát, toàn bộ bánh ngô trong vỉ thứ 2 cũng hết sạch, ước chừng hơn 2 cân. Ăn xong rồi, tôi mới cảm giác bản thân mình đã làm chuyện thất đức, đây là cơm tối của hai vợ chồng và 1 đứa con mà! Nhưng một khi đói, người ta chẳng cần quan tâm đến đức nữa. Cái đói biến tôi thành một con heo, trước mặt người dì yêu thương mình, trần trụi lộ ra bản tính tham lam, trừ ăn ra, không biết để ý đến cái gì khác nữa.
Sau khi ăn xong, dì cũng mới tan ca về. Nhìn khuôn mặt gầy gò, làn da vàng như sáp của dì, tôi bắt đầu xấu hổ, ấp a ấp úng nói với dì: “Dì ơi, cháu thật sự rất đói, đã ăn hết 2 vỉ bánh ngô rồi!”
Dì kinh ngạc mở to mắt: “Cái gì? Ăn hết cả 2 vỉ?”
“Dạ, ăn hết rồi!”
Dì nhìn sự nghiêm túc của tôi, biết rõ là thật. Thế nhưng, dì không hề trách cứ, biểu lộ bình tĩnh, nháy nháy mắt, tỉnh như không nói: “Ăn hết thì ăn hết rồi, không sao đâu”, rồi dì gượng cười.
Tôi muốn khóc nhưng khóc không được. Phải chi tôi có mẹ giống như dì thì tốt biết mấy!
Dì quan tâm dặn dò: “Cháu cũng không cần để bụng, hãy uống 1 chút nước. Có nghe không? Đừng căng thẳng. Ôi, đứa con tội nghiệp của dì…”
Tôi nắm chặt tay dì, cảm kích nhìn dì: “Dì ơi, cháu đi đây, cháu còn lớp tự học buổi tối”.
Dì nắm tay tôi, từng bước tiễn tôi ra tới cửa. Tôi giống như phạm tội, sợ gặp phải dượng, tranh thủ thời gian chạy đi, biến mất trong bóng tối rét lạnh.
Dì đối với việc tôi đến ăn cơm nhà dì, chưa bao giờ có 1 chút oán hận. Dì thật sự là người mẹ có thể hy sinh tất cả vì con cái. Nhiều năm về sau, khi tôi và cha mâu thuẫn, dù là dì luôn đứng về phía cha mà bất hòa với tôi. Thế nhưng đối với ơn nuôi dưỡng, ơn cứu mạng của dì, cả cuộc đời tôi cũng không bao giờ quên.
Khi đó dì vừa mới 40 tuổi nhưng tóc đã bạc trắng. Dì gầy như bộ xương khô, hai con mắt hõm vào trong hốc sâu, vô cùng đáng sợ. Bộ ngực khô quắt, khuôn mặt đầy nếp nhăn như dọa người ta, xương gò má nhô ra, giống như 2 cái u nhọt lớn… việc tôi làm chả khác gì ngồi lên thân thể đó mà hút máu của dì, bồi bổ cho bản thân, dùng máu thịt của gì mà chống đỡ lòng tự tôn của bản thân.
Dì thật sự còn giống mẹ của tôi hơn cả mẹ ruột của tôi.
Ở trong nhà còn ăn không đủ no, ở trường học thì cũng dễ hiểu. Suốt ngày đói, hết giờ học tôi lại lang thang trên đường phố, tìm xem có gì có thể mua ăn. Vì trường học của chúng tôi ở trong nội thành, lại ở trọ ký túc xá của trường, vốn không có chỗ nấu ăn, ngoài trừ việc đến nhà dì ăn chực, thì tôi chỉ biết chịu đói.
Phiếu lương thực quan trọng, nhưng tiền cũng không kém. Nếu không có tiền, ngộ nhỡ gặp được chỗ bán thức ăn, cũng mua không được, đành phải chịu đói. Mỗi tháng chi phí nấu ăn ở trường khoảng 8 đồng. Để dư dả 1 chút, tôi đã nói dối mẹ là 14 đồng. Như vậy ngoài 2 đồng mẹ cho tôi tiền tiêu vặt, mỗi tháng tôi có dư được 6 đồng. Thế nhưng, những lúc mẹ đối xử rất tốt với tôi, nhìn ánh mắt yêu thương của bà, tôi không đành lòng lừa gạt tiền của bà, liền nói dối ít đi 1 chút, nói 12 đồng, có khi lại nói 13 đồng, hàng tháng đều không giống nhau. Dường như nói dối ít đi 2 đồng, trong tâm tôi cũng thấy yên ổn hơn một chút. Thế là sự thật bại lộ.
Tôi đã làm chuyện xấu mà còn nói chuyện lương tâm, đương nhiên tính ra thật ngốc. Mẹ tôi bắt đầu hoài nghi, bèn nói cha tôi đến trường để hỏi. Cha tôi đến tìm thầy giáo trước, sau lại tìm nhân viên quản lý căn tin trường học. Vừa hỏi mới biết được chi phí nấu ăn không nhiều như vậy, mỗi tháng sao tôi lại đòi tới 6 đồng dư như vậy để làm cái khỉ gió gì! Việc này đương nhiên có điều gì đó ám muội, cho dù là lừa gạt chính tiền của cha mẹ mình.
Còn một việc nữa tôi còn nhớ rõ, tôi còn ăn trộm đồ ăn của bạn cùng kí túc xá. Khi đó, tôi cất dưới đệm giường một vài cuốn sách mới mua, như “Kechubieyi”, “Vasily Ivanovich Chapayev” (tên những nhân vật anh hùng chỉ huy hồng quân Liên Xô trong thời kỳ nội chiến Nga)… đều không cánh mà bay. Tôi tức giận vô cùng. Lúc ấy trong kí túc xá có tôi và Từ Xích Duệ (hồi ấy là con của bộ trưởng dầu mỏ Từ Kim Cường). Tôi cũng không có bất cứ bằng chứng gì hoài nghi cậu này lấy trộm sách của tôi. Bên cạnh chỗ gối đầu hay ở dưới giường cậu ấy thường có những thứ trái cây như lê, táo. Vì trong tâm tôi nghi ngờ cậu ấy trộm sách của tôi nên tôi cứ thản nhiên thoải mái trộm trái cây của cậu ấy mà ăn, như là một cách trả thù. Một lần, tôi phát hiện bên gối đầu của cậu ấy có 1 trái lê to như đầu 1 đứa bé, to một cách thần kỳ, tôi đã lấy trộm để ăn ngay. Cậu ấy dường như không đói khát như tôi, cũng không quan tâm đến việc mất đồ ăn, còn nhìn tôi cười tít mắt. Tôi ăn vụng đồ ăn của cậu ta lấy cớ là có khả năng cậu ấy ăn trộm sách của tôi. Mỗi lần đói bụng, tôi lại đến chỗ đầu giường của cậu ấy tìm kiếm loạn cả lên, xem có gì ăn không.
Tôi mâu thuẫn như vậy đấy. Một mặt sốt sắng lùng sục sách viết về anh hùng, tham lam đọc những bài viết có liên quan đến hoạt động phản tu, trong đầu toàn cách mạng, một mặt lại trộm trái cây của người khác để ăn.
Vì đói, tôi đã lừa gạt tiền của người trong nhà, ăn vụng ăn trộm đồ ăn… nghĩ đến có khi tôi muốn khóc lớn 1 trận. Nếu tôi có thể ở mãi trong bụng mẹ thì tốt biết bao, đã mãi mãi không cần phải đau khổ chịu đói, làm những chuyện trộm chó trộm mèo như thế này.
Những năm học cấp 1 cấp 2 trải như vậy đấy. Ăn là ý nghĩ thường xuyên xoay quanh trong đầu nhất.
Đương nhiên, tôi cũng quan tâm đến quan hệ Trung – Liên Xô, cũng quan tâm đến đại nghiệp phản tu. Thế nhưng, mỗi ngày trôi qua, điều cân nhắc, suy nghĩ nhiều nhất cũng chỉ chính là ăn.
Theo History.bayvoice.net