Đời người chỉ có vài “chuyện lớn” cần coi trọng, còn lại đều nên là “chuyện nhỏ”
Đức Phật từng nói: “Sinh mệnh con người chỉ dài như một hơi thở”, chúng ta có thể tồn tại ở trên đời chính là điều may mắn nhất. Lời tâm sự của một bác sĩ dưới đây, có thể giúp mỗi người tự nhìn lại bản thân mình.
Hôm qua mình cùng đồng nghiệp ở cơ quan đi dự đám tang của một bệnh nhân. Bà ấy là bệnh nhân của tụi mình từ gần chục năm nay nên có nhiều gắn bó. Và hai ông bà đều là người gốc nước ngoài sống ở đây nên không có gia đình.
Ở cái tuổi chín mươi mấy của họ, thì bạn bè cũng còn rất ít nên tụi mình đi dự đám tang để ông già bớt cô đơn hơn một chút.
Sau một cái lễ ngắn gọn, giản dị, cả bọn ra ngồi quán cà phê trò chuyện với nhau trước khi về. Đứa nào cũng ngạc nhiên, vì trong đám tang được xem lại một đoạn băng hình ảnh của hai ông bà ấy, cả bọn mới phát hiện ra hồi trẻ hai ông bà ấy đã từng đẹp và mạnh mẽ tới nhường nào…
Bên nhau trên mọi nẻo đường
Những năm cuối đời của bà ấy thật khó khăn, bệnh rất nặng, bà ấy phụ thuộc hoàn toàn vào ông chồng cũng già yếu.
Thỉnh thoảng, mình cứ tự hỏi, không biết ông ấy lấy đâu ra nhiều sức mạnh tinh thần đến vậy để có thể sống bên cạnh một người ốm nặng, lúc nhớ lúc quên, lúc kêu gào đau đớn, lúc cười vui, lúc đòi ăn thứ này thứ kia, lúc thì bỏ bữa đến vài ngày, lúc ngủ li bì 48 tiếng, lúc thức trọn đêm dằn vặt đau đớn…
Trong đám tang, ông già đọc một đoạn diễn văn ngắn tiễn đưa vợ, trong đó có một bài thơ rất xúc động về cuộc sống, con người, tình yêu, cái chết, chia lìa…
Và rồi, sau những cái thở dài, sau những đoạn nhạc êm đềm tiễn đưa, những giọt nước mắt xúc động, những cánh hoa hồng rải nhẹ trên mặt gỗ, những cái nắm tay giữa những người ở lại, những bài thơ, những đoạn văn chia tay… là cuộc đời một người được khép lại.
Một người ở lại, một người ra đi…
Ông già bảo, chuyện to nhất là yêu bà, sống với bà, tôi đã làm xong. Giờ đây bà đi rồi, tôi sẽ sống với những nỗi buồn, những khổ đau, mất mát, những lúc cô đơn, những lúc bực bội, những bữa cơm thường, nhà bẩn không dọn, hoa héo không thay… Và những chuyện này, so với bà, thì đều là những chuyện nhỏ cả thôi, đúng không?
Mình ra về dưới trời mưa lành lạnh, cứ nghĩ mãi về ông bà ấy, rồi nghĩ về mỗi câu chuyện kể của bạn bè mà mình được các bạn chia sẻ lâu nay mà nhiều lúc mình không có thời gian và đầu óc để trả lời.
Có bạn kể: “Em với anh ấy yêu nhau, yêu thật là yêu, không gì tả được, suốt mấy năm trời, đám cưới rình rang cả một vùng.
Vậy mà chị biết không, khi con chúng em ra đời, khi những mâu thuẫn, vấp váp đầu tiên của em với nhà chồng, khi em ốm, em mệt, khi em buồn, em khổ… anh ấy không còn muốn ở bên em nữa, anh ấy đi ra khỏi nhà, đến đâu đó để tránh mâu thuẫn.
Anh ấy bảo, anh cũng chán cũng buồn lắm: ‘Không ngờ cuộc sống cơm áo gạo tiền, con cái, mẹ chồng nàng dâu lại có thể đẩy chúng ta ra xa đến vậy. Nhưng anh không thể nào vì em mà cãi mẹ anh, anh cũng không thể nào vì mẹ anh mà hắt hủi em, vậy nên anh muốn tránh đi… em bảo anh phải làm thế nào?'”.
Có bạn kể: “Từ ngày chia tay với chồng, em trở nên cay nghiệt với cuộc đời, với bạn bè, với người thân, với cả con em.
Em đánh nó, mắng nó chỉ vì những lý do hết sức vớ vẩn xong rồi em lại khóc. Đến hôm rồi, nó xin được đi ở với bố vì nó bảo: ‘Con sợ mẹ lắm’. Nghe con nói thế, em chỉ còn biết khóc chị ơi. Chị hãy chỉ cho em thuốc gì để em tỉnh lại”.
Có bạn kể: “Em với chồng em vẫn thương nhau, nhưng sao khắc khẩu quá chừng. Em ghét cái tính lười nhác, ỉ lại của anh ấy, đi làm về là chỉ có nằm dài ra ghế, kệ vợ, kệ con, mè nheo, khóc lóc, em thì hết sức rồi… lắm hôm chỉ vì bát canh mặn nhạt mà cáu nhau, quăng quật bát đĩa, con cái khóc lóc, nhà cửa tanh bành, hai đứa lôi đủ các từ ngữ không hay ra để mắng nhau, rồi không nhìn mặt nhau đến mấy ngày”.
Hồi lâu rồi, có một bạn từng bỏ cả hai đứa con ở nhà để đi học thạc sĩ ở nước ngoài để tránh mâu thuẫn.
Bạn ấy bảo: “Lúc ở nhà em tưởng đi như thế này là giải thoát, nhưng mà qua đây rồi em mới thấy mình sai nhiều quá chị ơi. Giờ chỉ mong anh ấy đừng vội phụ em, chờ em về hai đứa làm lại từ đầu… Chỉ tại em mang trong người quá nhiều nguyên tắc sống chị ạ”.
Sau mỗi lần dự một đám tang hoặc gặp một cuộc đời bất hạnh, thật lòng mình không muốn gì nhiều, lúc đó chỉ muốn chạy ào về, ôm lấy chồng con, bố mẹ, anh chị em, người thân, bạn bè… để được nghe tiếng thở của nhau, nhìn nhau, thương nhau, bên nhau một cách ấm áp, dễ chịu với tất cả những gì có trong mỗi người.
Nghề của mình luôn đối mặt với nhiều bất hạnh, bệnh tật, ốm đau, chia lìa… nên mình đã sớm hiểu được trong cuộc đời này chuyện gì là to, chuyện gì là nhỏ.
Trong đời, mình chỉ có vài “chuyện to” cần được tôn trọng thôi, còn lại những chuyện lặt vặt, nhà cửa, tiền bạc, tổ chức cuộc sống, ai lười ai chăm, ai làm gì trong nhà, ai vất vả hơn ai… mình đều đã xếp sang nhóm “chuyện nhỏ” từ lâu rồi.
Trong công việc, đối xử với đồng nghiệp cũng vậy, mình có vài “chuyện to” về nguyên tắc, còn lại đều là “chuyện nhỏ”. Mình có phải làm việc nhiều hơn, bệnh nhân khó hơn, vất vả hơn… mình cũng đều coi là “chuyện nhỏ”, chẳng đáng kể gì, mình cố chút là xong, và mình vui vẻ với tất cả, một cách tự nguyện, thanh thản…
Cũng có những lúc dở hơi mình từng biến “chuyện nhỏ” thành “chuyện to” nhưng sau đó mình ân hận lắm. Và ngày nào cũng tự nhủ mình: “Là chuyện nhỏ là chuyện nhỏ, đừng làm nó to ra mà phiền lòng mình, gây buồn cho người khác”.
Mình chỉ muốn kể câu chuyện này để nhắn nhủ các bạn, hãy phân định ra vài “chuyện to” trong đời, rồi đặt ra giới hạn, rồi chăm nuôi nó cẩn thận để không bị xâm phạm. Còn lại thì hãy xếp thật nhiều thứ vào “chuyện nhỏ” thì sẽ dễ giải quyết, sắp xếp cuộc đời mình hơn.
Lòng người yêu nhau thì luôn rộng như biển khơi, mình vẫn tin là vậy…
Sưu tầm