Đội cận vệ chạy bộ theo xe – ‘Lá chắn sống’ của Kim Jong-un là ai?
Hình ảnh đội vệ sĩ chạy bộ hộ tống chiếc xe limousine của ông Kim Jong-un đã không còn xa lạ trong những chuyến công du của nhà lãnh đạo này. Vậy những vệ sĩ đặc biệt này là ai? Tại sao họ cần chạy theo xe như vậy?
Đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sáng nay tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Sau khi rời khỏi tàu, lãnh đạo Triều Tiên bước vào chuyên xa Mercedes-Maybach S600 dưới sự hộ tống của các cận vệ mặc vest đen. Các cận vệ này chạy theo xe của Chủ tịch Kim Jong-un một đoạn, sau đó lên đoàn xe trong đoàn hộ tống lãnh đạo Triều Tiên tới Hà Nội để dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai.
Trong hai lần tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng được bảo vệ nghiêm ngặt bởi dàn vệ sĩ mặc vest đen chạy bộ quanh chuyên xa. Đây là lớp bảo vệ cuối cùng trong hàng rào an ninh đảm bảo an toàn cho lãnh đạo tối cao Triều Tiên trong mọi tình huống, theo BBC.
Dàn vệ sĩ hùng hậu này là ai?
Chuyên gia về giới lãnh đạo Triều Tiên Michael Madd cho biết những vệ sĩ tạo thành “lá chắn sống” quanh xe của ông Kim thuộc biên chế của Phòng 6 Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, trước kia được biết đến dưới tên gọi Văn phòng Chính của Sĩ quan phụ tá quân đội.
Các tiêu chuẩn để trở thành vệ sĩ của lãnh đạo Triều Tiên rất cao. Họ cần phải có chiều cao ngang bằng so với lãnh đạo và không được phép có một nhược điểm nào về ngoại hình. Họ phải đạt được một số thành tích nhất định, hoặc giỏi nhiều kỹ năng như bắn súng và võ thuật.
Bên cạnh đó, họ trải qua quá trình điều tra lý lịch rất chặt chẽ. Nhiều thành viên của Văn phòng Các phụ tá chính có họ hàng với gia đình Kim Jong-un hoặc với các gia đình thuộc tầng lớp tinh hoa ở Triều Tiên.
Tại sao họ lại chạy bộ theo xe như vậy?
Michael Madde nói với tờ BBC rằng những vệ sĩ trên đang thực sự thực hiện nhiệm vụ chứ không phải là đang trình diễn. Ông nói: “Khi ở Triều Tiên, vệ sĩ thân cận của ông Kim chia ra thành 3 lớp khác nhau vây quanh ông. Nhưng ở Singapore, phiên bản này đã được điều chỉnh khiến tất cả mọi người đều chú ý về những người đàn ông trong trang phục vest đen. Các vệ sĩ này chạy quanh chiếc xe limousine của ông Kim. Họ cũng là những người lập hàng rào bảo vệ quanh ông Kim trong lúc đi bộ”.
Các cận vệ của Chủ tịch Triều Tiên thường vây quanh lãnh đạo để có thể tạo góc quan sát lên đến 360 độ. Nhóm đi trước ông Kim thường có 3-5 người, trong đó có đội trưởng. Bám sát bên hông lãnh đạo Triều Tiên có 4-6 cận vệ, chia đều hai bên. Bọc lót phía sau là 4 hoặc 5 người nữa. Dù được trang bị súng ngắn và vũ khí dự phòng, nhóm vệ sĩ này sử dụng chủ yếu kỹ năng quan sát và vô hiệu hóa mọi mối đe dọa bằng tay không.
Theo Madd, nhóm cận vệ thường xuất hiện trong trang phục vest và cà vạt kiểu phương Tây hoặc mang bộ đồ Tôn Trung Sơn như các quan chức cấp cao Triều Tiên, còn tài xế của ông Kim Jong-un luôn đeo găng tay khi lái xe. Dù được trang bị bộ đàm, họ được cho là vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp liên lạc thô sơ như đeo phù hiệu đặc biệt theo từng sự kiện và sử dụng từ lóng được mã hóa để trao đổi với nhau.
Văn phòng Sỹ quan phụ tá quân đội ước có khoảng 200-300 người, trong đó một nửa là cận vệ, số còn lại là tài xế và nhân viên kỹ thuật. Một số cận vệ phục vụ trong thời gian dài, nhưng hầu hết họ chỉ làm công việc này trong 10 năm.
Lớp thứ hai và thứ ba trong hàng rào an ninh của ông Kim là lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Triều Tiên. Nhóm này có nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra, bảo vệ mọi địa điểm mà lãnh đạo có mặt dù là văn phòng, nhà riêng hoặc các địa điểm ông đến thăm ở trong và ngoài nước.
Ngoài ra, lượng này còn thực hiện một số chức nhiệm vụ hậu cần và kỹ thuật như kiểm tra mọi loại rượu, thực phẩm và thuốc lá trước khi chúng được chuyển đến cho lãnh đạo sử dụng. Các thành viên cảnh vệ cũng có sứ mệnh thiết lập và duy trì các đường dây liên lạc và bảo mật thông tin cho ông Kim.