Doanh nghiệp sản xuất phân bón “kêu cứu” với chính sách thuế mới
Nhiều doanh nghiệp cho biết, sau khi luật 71 về phân bón được ban hành, các DN đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ, lao động bỏ việc, tăng giá thành sản phẩm…khiến hoạt động sản xuất gặp khó khăn
Ông Nguyễn Hạc Thúy- Phó Chủ tịch thường trực- Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, ngày 26/11/2014 kỳ họp quốc hội 13 ra Luật 71/2014/QH13. Theo đó từ ngày 1/1/2015 sẽ chuyển các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp…từ danh mục chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT từ khâu nhập khẩu đến sản xuất, thương mại bán ra. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ hoàn thuế GTGT khi mua nguyên vật liệu và các dịch vụ khác có thuế GTGT.
Ông Nguyễn Hạc Thúy thẳng thắn, Hiệp Hội phân bón đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị lên Bộ Tài Chính, Bộ Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ về thuế VAT Theo luật 71 về phân bón. Theo ông, sau khi Luật 71 ban hành, đã tạo nhiều bất lợi và khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. “Luật mới ban hành chưa ráo mực mà đã có nhiều Bộ ngành, tập đoàn, doanh nghiệp, nông dân xin kêu cứu. Vì thế hội thảo lần này chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính sẽ tổng hợp những ý kiến, khó khăn, bất cập về chính sách thuế mới để trình lên Chính phủ và Quốc hội tháo gỡ, sửa đổi”, ông Thúy nói. Theo đại diện Hiệp hội phân bón Việt Nam, nếu không sửa đổi luật 71, vẫn thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 3 thì việc giảm thuế GTGT cho nông dân từ 5%=0 chỉ có ý nghĩa chính trị, thực tế người nông dân vẫn chẳng được hưởng lợi gì. Thay vào đó, nông dân lại phải gánh chịu giá phân bón tăng bình quân từ 7,1 đến 7,5% vì phải cộng thuế VAT các mặt hàng đầu vào. “Chúng ta hô hào vấn đề tìm mọi cách phát triển sản xuất phân bón trong nước và xuất khẩu nhưng với chính sách này chỉ làm doanh nghiệp thêm khó. Cuối cùng người nông dân vẫn chịu thiệt. Nếu luật 71 không thay đổi thì Hiệp Hội Phân bón cũng bó tay”, ông Thúy phiền lòng.
Theo tính toán sơ bộ, khi doanh nghiệp mua thiết bị hàng hóa, nguyên vật liệu (điện, than, khí) và các dịch vụ khác để sản xuất phân bón sẽ không được khấu trừ mà phải tính đưa vào chi phí giá thành sản xuất, làm giá thành phân bón tăng lên. Làm giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Thứ hai, nông dân sẽ phải mua phân bón cao hơn vì phải chịu cộng thuế VAT đầu vào. Cụ thể, khi thực hiện luật 71/2014/QH13 thì giá thành phân đạm tăng 7,2- 7,6%; phân DAP tăng 7,3- 7,8 %, phân supe lân tăng 6,5- 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2%- 6,1%. Tại cuộc hội thảo Thực hiện Luật 71 VAT về phân bón diễn ra vào sáng nay, dưới sự phối hợp của Hiệp hội phân bón VN, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và TW hội nông dân Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã bày tỏ những khó khăn, bất lợi việc thực hiện luật 71, tha thiết kiến nghị các cấp thẩm quyền đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%. Ông Nguyễn Duy Khuyến, Tổng giám đốc, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, việc chuyển mặt hàng phân bón sang thuộc diện không chịu thuế GTGT đã làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Theo ước tính, nếu không khấu trừ VAT sẽ tăng chi phí sản xuất năm 2015 của cty Lâm Thao lên 100 tỷ đồng. Còn những doanh nghiệp mới như DAP Hải Phòng, Phân đạm Ninh Bình hoặc Hà Bắc chi phí còn cao hơn rất nhiều. Vô hình chung làm các nhà sản xuất phân bón trong nước lại càng khó khăn hơn. Còn đại diện công ty DAP Hải Phòng đặt câu hỏi “Liệu Luật 71 có thực sự có lợi cho nông dân hay không?” Bày tỏ khó khăn đang gặp phải, vị đại diện cho biết, tháng 9 năm ngoái khi xây dựng kế hoạch cho năm 2015, ước tính có thể lãi 70 tỷ nhưng khi áp dụng luật này thì có thể lỗ 153 tỷ. “Chúng tôi đã cố gắng tiết giảm chi phí nhưng cũng chỉ được khoảng 20 tỷ, vậy còn lại 130 tỷ đương nhiên công nhân không có lương. Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 20 người xin nghỉ việc. Vì thế chúng tôi rất mong sửa đổi phù hợp để doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi. Cơ quan quản lý nhà nước nên hết sức thận trọng, tìm được sự đồng thuận cao nếu không lại như cây xanh Hà Nội”, ông kiến nghị. Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó TGĐ công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc cho biết, thuế nguyên liệu đầu vào của công ty thấp nhất là 10%, có nhiều thứ chi phí khác còn cao hơn. Trường hợp lượng Urê sản xuất đạt công suất 500.000 tấn/năm. Chi phí đầu vào chịu thuế GTGT hết khoảng 2.500 tỷ đồng, thuế GTGT đầu vào sẽ là 250 tỷ đồng, tương ứng làm tăng chi phí khoảng 500 đồng/kg sản phẩm đạm Urê. “Thật sự là rất khó khăn. Năm nay chúng tôi đã buộc phải tính đến phương án giảm tiền lương của người lao động”, ông Ninh Chia sẻ. Đại diện Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh bày tỏ, sự thay đổi của chính sách thuế lần này làm công ty rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Vì sản xuất phân bón hữu cơ, nguyên liệu chính là than bùn và quặng có thuế suất 5%, các chi phí khác có thuế suất 10%, đó là chưa tính tới thuế GTGT việc hàng năm công ty mua sắm thêm các tài sản máy móc khác để thay thế. “Công ty đã cố gắng giảm tất cả chi phí đầu tư, giảm giá bán cho nông dân. Thuế GTGT đầu vào đầu vào ra chênh nhau khoảng 1%. Lợi nhuận thu được chưa tới 1% tỷ suất lợi nhuận như vậy nếu thực hiện theo luật 71, đưa phân bón về không chịu thuế giá trị gia tăng đồng nghĩa giá thành sản phẩm phân bón vi sinh phân bón hữu cơ sẽ tăng lên, sản phẩm sẽ tăng giá khoảng 6% và nếu không điều chỉnh giá thì công ty sẽ lỗ. Ngoài ra, công ty đang đầu tư hai sự án với tổng vốn trên 100 tỷ đồng và thuế đầu vào của hai dự án này trên 10 tỷ đồng. Nếu không được khấu trừ thì phải phân bổ vào giá thành sản phẩm”, vị đại diện nói. Trước những ý kiến gay gắt từ phía doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thi, Vụ Trưởng Vụ chính sách Thuế Bộ Tài chính cho biết, ông đã ghi nhận đầy đủ ý kiến của doanh nghiệp về những bất lợi khi thay đổi chính sách thuế. Tuy nhiên ông Thi cho rằng giá cả là do thị trường quyết định chứ không thể nói không được khấu trừ thuế thì đẩy vào giá cho nông dân. Chính vì thế Bộ sẽ lắng nghe ý kiến, tổng hợp trình lên các cấp có thẩm quyền để đánh giá tác động và có những sửa đổi phù hợp. Diệu Thùy |
Theo Infonet