“Đó là những căn cứ quân sự mang tính chất tấn công”
TT – Việt Nam cần tăng cường đấu tranh trên các mặt trận ngoại giao và pháp lý, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thực địa để theo dõi thông tin chủ động hơn nữa.
Đó là nhận định của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, với Tuổi Trẻ. * Tuổi Trẻ: Ông James Clapper, giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, vừa tố Trung Quốc có hành động hung hăng trên biển Đông thông qua việc mở rộng các tiền đồn ở biển Đông làm sân bay và nơi đồn trú tàu thuyền. Ông có bình luận gì? – Thông tin, hình ảnh của tình báo Mỹ và quan điểm của Chính phủ Mỹ về các hành động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa rõ ràng là những sự thật không thể chối cãi được. Trung Quốc đã có những hoạt động hết sức mạnh mẽ, khẩn trương và trên một quy mô rất lớn để xây dựng những công trình quân sự như đường băng sân bay, khu hậu cần, các đồn bốt nhằm phục vụ lực lượng quân sự của Trung Quốc.
Mỹ là một trong những nước có lợi ích gián tiếp ở biển Đông, đặc biệt về lĩnh vực hàng hải, địa chính trị với tư cách là một nước lớn. Rõ ràng họ có quan tâm đến vấn đề này. Đây là sự quan tâm rất thiện chí chứ không thể nói họ có ý định nào đó để gây ra những mâu thuẫn. Chúng ta cần phải nghiên cứu sự quan tâm này. * Ông từng phát biểu việc Trung Quốc xây dựng đảo chìm thành đảo nổi nguy hiểm hơn giàn khoan Hải Dương 981 rất nhiều? Ông có thể giải thích rõ hơn? – Giàn khoan Hải Dương 981 là hoạt động thăm dò, thử phản ứng và Trung Quốc có thể cắm và rút nó bất cứ lúc nào. Còn các công trình trái phép của Trung Quốc xây dựng ngay trên lãnh thổ của Việt Nam vốn bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực. Hơn nữa, xét về mặt địa chính trị và chiến lược quân sự, rõ ràng các công trình trái phép này sát bờ biển của Việt Nam, nằm xen kẽ các vùng Việt Nam có đóng quân và trên tuyến đường hàng hải ở phía nam biển Đông. Do vậy các công trình trái phép này nguy hiểm hơn rất nhiều. Trung Quốc đang thiết lập các nhịp cầu để làm bàn đạp tấn công. Có thể sẽ có lúc họ dùng vũ lực để đánh chiếm các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam như các năm 1956, 1974, 1988 và cũng có thể họ sẽ tiến hành “chiến tranh xâm lược mềm” như triển khai tàu đánh cá, hoạt động dầu khí và hàng không trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây chính là một trong những mũi tiến công hết sức nguy hiểm của Trung Quốc. * Sau phát biểu của ông Clapper, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên nói các hoạt động trên các bãi cạn và vùng biển xung quanh ở Trường Sa là “hợp lý, chính đáng và hợp pháp” và thái độ của Bắc Kinh là “kiềm chế và có trách nhiệm”? Nên hiểu như thế nào? – Đây rõ ràng là những lời lẽ mang tính chất ngụy biện, che đậy những hành động sai trái và hăm dọa của họ. Hành động của họ là sai nhưng họ tố cáo lại để giành thế chủ động. Họ nói họ chấp hành và có trách nhiệm trong việc bảo vệ hòa bình. Nếu chúng ta không tiếp tục làm rõ thì bạn bè và dư luận sẽ không hiểu vấn đề. Ngoài ý nghĩa về mặt quân sự, Trung Quốc còn muốn biến những công trình này trở thành các căn cứ hậu cần để phục vụ các hoạt động sắp tới như cắm giàn khoan khai thác dầu, để không cần phải kéo hàng trăm tàu bảo vệ như vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm ngoái. Có thể nói đây là những công trình quân sự mang tính chất tấn công và hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Trung Quốc trong việc từng bước đặt các nhịp cầu để có thể vươn ra khống chế và độc chiếm biển Đông theo yêu sách lưỡi bò của mình. Bài học Hoàng Sa bị mất vẫn còn đó. Họ từng bước chiếm Hoàng Sa vào năm 1956 và 1974. Đây là mũi tấn công hết sức nguy hiểm mà chúng ta không thể không cảnh giác. * Báo chí Trung Quốc cho rằng từ các căn cứ quân sự ở Trường Sa, Trung Quốc có thể tấn công vào Việt Nam trong vòng 24 giờ? – Dù đây không phải là thông tin chính thức từ các cơ quan quân sự hay ngoại giao của Trung Quốc nhưng hoàn toàn là một suy luận logic. Thông tin này đến từ phía dư luận và các trang mạng từ Trung Quốc. Thật ra, điều này nằm trong sự bài binh bố trận của Trung Quốc nhằm mang tính răn đe. Cho nên Việt Nam phải cảnh giác. Một lần nữa tôi muốn nhắc lại đây là những căn cứ quân sự mang tính chất tấn công chứ không phải phòng thủ. * Phía Việt Nam và những nước có quyền lợi và chủ quyền ở biển Đông cần phải làm gì, thưa ông? – Như chúng ta đã biết, Việt Nam là nước có lãnh thổ bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực quân sự. Sau đó, Trung Quốc biến các đảo chìm thành đảo nổi, trở thành căn cứ hùng hậu và kiên cố ở khu vực. Chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ, chí ít là ở mặt trận thông tin truyền thông cùng với việc tăng cường đấu tranh trên mặt trận pháp lý và ngoại giao. Về mặt pháp lý, chúng ta phải thể hiện ý chí không bao giờ chấp nhận hành động sai trái của Trung Quốc. Chúng ta cần phải phản đối mạnh mẽ hơn và có lập trường rõ ràng hơn. Đồng thời kêu gọi sự ủng hộ quốc tế bằng cách phân tích cho bạn bè quốc tế hiểu rõ chủ quyền của chúng ta và việc Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực là sai như thế nào. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đẩy mạnh các hoạt động thực địa, theo dõi và nắm thông tin tường tận. Nếu Việt Nam nắm rõ thông tin thì phải công bố những thông tin chủ động hơn nữa để người dân có thể hiểu rõ vấn đề. Rõ ràng giá trị của thông tin sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. * Việt Nam có nên áp dụng các biện pháp đấu tranh như vụ giàn khoan Hải Dương 981? – Theo tôi thì phải nâng đấu tranh ở mức cao hơn nữa, chẳng hạn như tăng cường phản đối lên các tổ chức Liên Hiệp Quốc. Làm rõ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển của Trung Quốc. Rõ ràng tất cả biện pháp đấu tranh của chúng ta trong sự kiện giàn khoan có tác động rất lớn và Trung Quốc buộc phải thay đổi chiến thuật của mình. Đây là bài học nhãn tiền chúng ta cần phải rút ra. Chúng ta phải phát huy tất cả biện pháp đấu tranh có thể để giúp các bên cùng nhau giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và có hiệu quả nhất. QUỲNH TRUNG thực hiện
|
Theo Tuổi Trẻ