Diplomat: Diệt chủng văn hóa ở Trung Quốc và lương tâm của thế giới
Ngày 16/10 vừa qua, tờ Diplomat đã đăng tải bài viết: “Diệt chủng văn hóa ở Trung Quốc và lương tâm của thế giới”, nhấn mạnh vào “thói quen” hủy diệt văn hóa, đàn áp tín ngưỡng của ĐCSTQ từ thời Mao Trạch Đông đến nay.
“Diệt chủng văn hóa ở Trung Quốc và lương tâm của thế giới” cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần thực sự hành động thay vì đứng ngoài cuộc với những tuyên bố, lên án chung chung.
Bài viết thực hiện trong bối cảnh hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị mất tích, có thể bị đưa vào các trại tập trung. Trong tháng 10, BBC và Forbes cũng lên tiếng về tội ác mổ cướp nội tạng trên quy mô lớn của ĐCSTQ đối với nhóm Pháp Luân Công, Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và các thành viên Cơ đốc giáo không đăng ký. Đáng chú ý, hoạt động mổ cướp nội tạng chỉ thật sự diễn ra rầm rộ sau khi hơn 1 triệu người thuộc nhóm Pháp Luân Công bị đưa vào hệ thống lao động cải tạo năm 2001. Câu hỏi đặt ra là: Liệu người Duy Ngô Nhĩ có là nạn nhân bị bổ sung trên quy mô lớn tiếp theo?
Dưới đây là toàn văn bài viết trên tờ Diplomat.
–***–
Khi Trung Quốc làm điều tệ hại nhất, thế giới phải duy hộ điều tốt đẹp nhất.
Sự độc tài và diệt chủng bệnh hoạn của Trung Quốc lại tái diễn. Như đã được đề cập tới trong báo cáo thường niên về nhân quyền Trung Quốc (CECC) của Mỹ (1), Bắc Kinh đã thực thi một chương trình diệt trừ dân tộc thiểu số đối với những người dân tại vùng Tân Cương. Với hơn 1 triệu người “mất tích” vào đầu năm 2018, có thể là vào các trung tâm cải tạo đang nở rộ tại Tân Cương, rõ ràng ông Tập Cận Bình đã được truyền thừa thói quen diệt chủng từ Mao Trạch Đông. Xét rằng Bắc Kinh có khả năng cô lập một nhóm lớn người dân – và lịch sử bạo ngược trên quy mô diệt chủng – chúng ta cần phải cho rằng con số nạn nhân thực thế của tội ác này sẽ cao hơn gấp rất nhiều lần.
So sánh với dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc, chúng ta có thể cho rằng, việc giam giữ 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh, và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương là nhỏ bé. Thực ra thì trong lịch sử, các chương trình tương tự của Mao Trạch Đông đã giết hại và bắt giữ nhiều hơn con số đó rất nhiều. Chính quyền Bắc Kinh vẫn hầu như rất thực dụng, ra quyết định chủ yếu dựa trên việc cân nhắc rủi ro và lợi ích, thay vì kiên quyết tuân theo một phương hướng nào.
Tuy nhiên Hannah Arendt (2) đã dạy cho chúng ta rằng, hệ thống của một chính quyền độc tài dựa trên việc bành trướng không thương xót… cho đến khi nó sụp đổ một cách cay đắng và thê thảm. Sự bành trướng này là cả về quy mô lẫn tính tàn ác, cho thấy “tất cả [mọi tội ác] đều có thể” và “tất cả [mọi tội ác] đều được phép”. Sự vô nhân tính này chính là lý do vì sao chúng ta không thể cho phép Trung Quốc hành ác. Dung túng một chút ma quỷ ngày hôm nay thì tương lai ma quỷ sẽ lộng hành. Hơn nữa, gần như không có lý do nào để nhà cầm quyền Trung Quốc phải sợ hãi ở Tân Cương. Họ đang bị hoang tưởng, chúng ta hầu như có thể khẳng định điều này.
Trong quan hệ quốc tế người ta thường kêu gọi cân nhắc kỹ lưỡng quyền lợi, rủi ro và lợi ích đem lại, và đưa ra một kế hoạch, phương tiện, cách thức thực hiện. Nước Mỹ hiện đang sử dụng quy trình này cho việc xem xét quan hệ với Trung Quốc. Nhưng tội ác chống lại loài người thì khác. Cách thức và phương tiện không thể nào thay thế cho đúng-sai [thiện-ác]. Điều đúng đắn không hề dễ làm. Nhưng tại Munich (3), chúng ta đã thấy được rằng việc chúng ta hy sinh các giá trị [đúng đắn] của mình sẽ mang đến điều gì.
Tờ Washington Post đề nghị các nước yêu cầu Trung Quốc mở cửa Tân Cương cho giới quan sát quốc tế, tuy nhiên đây thuần túy chỉ là yêu cầu hình thức. Nếu chúng ta không sát sao, việc này sẽ chỉ là một thỏa thuận ngầm để sau đó Trung Quốc nghiễm nhiên có quyền thực hiện hành vi xóa bỏ người thiểu số. Và nếu chúng ta không hành động nhanh chóng, việc xóa bỏ người thiểu số tại Trung Quốc sẽ trở thành một việc đã rồi.
Mặc dù nước Mỹ không bao giờ tán thành chính quyền cộng sản Trung Quốc, bởi vì chính quyền đó đã đặt quyền lợi của nó lên trước của người dân, và bởi vì nó đóng vai phản diện trên trường quốc tế; nhưng nhiều năm gần đây chúng ta đã không đặt bất cứ chướng ngại nào đối với quan hệ song phương. Tuy nhiên khi, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quay lại với nền tảng diệt chủng của nó, liệu nước Mỹ và các quốc gia dân chủ khác có nên tiếp tục hoạt động thương mại bình thường với Trung Quốc?
Về phần của Mỹ, Quốc hội cần phải đưa ra trừng phạt kinh tế nặng nề cho đến khi Trung Quốc dừng chương trình xóa bỏ dân tộc thiểu số. Sẽ không thực tế nếu đồng loạt thực hiện các biện pháp trừng phạt ngay lập tức, nhưng việc thực hiện chúng cũng là một công cụ, để chính quyền Trung Quốc hiểu được rằng sẽ có đau khổ, và sẽ còn tiếp tục có đau khổ. Cũng hy vọng rằng điều đó sẽ khiến Trung Quốc quay trở lại một vị trí đúng đắn hơn.
Sẽ có hàng ngàn lý do để các quốc gia khoanh tay đứng nhìn. Một trong các chiến thuật của Trung Quốc là ngáng trở hành động của các quốc gia đối thủ. Nước Mỹ thì lại có lịch sử phản ứng lẫn lộn không cương quyết đối với các cuộc xóa bỏ dân tộc thiểu số. Chúng ta đã sa sút đến mức đó. Chúng ta sẽ không tấn công Trung Quốc. Nhưng đó không phải là cái cớ để chúng ta quên đi những con người, những bạn bè của chúng ta, cũng không phải cái cớ để chúng ta quên đi điều gì là đúng đắn.
Nếu chúng ta hành động quyết đoán để cho họ thấy cái giá phải trả cho tội ác ngay bây giờ – trong khi nghiêm chỉnh và rõ ràng về khả năng nối lại quan hệ [nếu họ trở nên đúng đắn] – chúng ta có thể sẽ khiến Bắc Kinh bị sốc, và trở thành một quốc gia có lễ độ. Nếu chúng ta thất bại trong việc quyết đoán, chúng ta sẽ cấp chứng chỉ cho độc tài [thực hiện tội ác], một chứng chỉ sẽ khiến chúng ta phải trả giá, phải bò lết để lấy lại phẩm giá của mình. Những người ủng hộ dân chủ và tất cả những ai quan tâm tới tự do cần phải có một mường tượng đạo đức như thế này: Chúng ta là người Duy Ngô Nhĩ, là người Kazakh, người Kyrgyz, người Hồi. Chính quyền Trung Quốc phải hiểu rằng những người mà họ đang nhắm đến để tiêu diệt là người của chúng ta. Chúng ta có thể sẽ không thể cứu được tất cả, nhưng chúng ta sẽ không ngồi nhìn trong khi Trung Quốc tấn công chúng ta.
Ben Lowsen, Chuyên gia về Trung Quốc, Không lực Hoa Kỳ.
Theo Trithucvn