Định lý Pythagore đã được sử dụng trước khi tác giả ra đời hàng ngàn năm
Mặc dù nhà toán học Hy Lạp cổ Pythagoras thường được ghi nhận là người đầu tiên chứng minh được định lý Pythagore, tuy nhiên trên thực tế, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy định lý này đã được nhiều nền văn hoá khắp thế giới sử dụng hàng ngàn năm trước đó.
Theo trang Telegraph, một cuốn sách gần đây có tựa đề là Megalith (Cự thạch) đã gợi lại hình học cổ xưa trên các di tích đồ đá mới và kết luận rằng chúng được xây dựng bởi các nhà thiên văn học thiên tài, người đã hiểu các chu kỳ, lịch Mặt trăng, Mặt trời và xây dựng những khối đá lớn có sử dụng kiến thức phức tạp về hình học.
Một trong số các nhà khoa học, chuyên gia về cự thạch Robin Heath thậm chí còn cho rằng có một hình tam giác Pytago khổng lồ trong vùng đất của Vương quốc Anh nối kết với Stonehenge, nơi có các khối đá quý Preseli bị cắt ở xứ Wales và đảo Lundy, một địa điểm quan trọng thời tiền sử.
Cộng tác viên và biên tập viên John Matineau phát biểu với tạp chí Telegraph: “Con người thường cho rằng tổ tiên của mình chỉ là những người khờ khạo, ăn lông ở lỗ, nhưng thật ra họ chính là các nhà thiên văn thiên tài. Họ đã áp dụng nguyên lý hình học Pythagore vào 2.000 năm trước khi nhà khoa học Pythagoras ra đời”.
Đây là định lý mà vô vàn thế hệ học sinh thuộc nằm lòng, rằng bình phương cạnh huyền của một tam giác vuông bằng tổng bình phương của hai cạnh còn lại. Ngoài các ứng dụng trong việc khảo sát hay điều hướng, định lý này còn được dùng trong xây dựng để đảm bảo nền móng và các bức tường được xây vuông góc.
Trong tác phẩm “Cự thạch”, các tác giả chỉ ra rằng Stonehenge có thể được xây dựng sớm hơn, vào khoảng năm 2750 TCN. Kiến trúc này bao gồm các khối đá sa thạch xếp thành hình chữ nhật mà khi chúng ta chia hình này theo đường chéo thì sẽ được một tam giác Pythagore hoàn hảo với tỷ lệ 5:12:13. Hai cạnh góc vuông có chiều dài lần lượt là 5 và 12, cạnh huyền chiều dài 13.
8 dãy tạo thành hình chữ nhật và hình tam giác hoàn toàn phù hợp với những ngày quan trọng trong lịch của thời kỳ đồ đá mới, như ngày hạ chí và đông chí, xuân phân và thu phân.
Họ cũng đánh dấu Imbolc (ngày lập Xuân) vào ngày 1/2, lễ Beltane, hay còn gọi là ngày 1/5 là ngày bắt đầu thu hoạch lúa mì và Samhain ( ngày 31/10), đánh dấu thời gian khi gia súc được đưa xuống từ đồng cỏ mùa hè và giết thịt để dành cho mùa đông là ngày lễ Halloween.
Những viên đá khổng lồ của Stonehenge cũng từng được bao quanh bởi 56 cột gỗ hoặc đá có thể được sử dụng để dự đoán nhật thực cũng như cho thấy vị trí của Mặt Trời và Mặt Trăng hay các tuần trăng.
Dải đá móng ngựa ở trung tâm được cho là chứa 19 viên đá để biểu thị số năm cần thiết cho chu trình Mặt Trời và Mặt Trăng để đi đủ một vòng tròn và thiết lập lại.
Những công trình cổ đại khác như vòng trong của đền Druid tại Inverness; Woodhenge, nằm cách Stonehenge gần hai dặm về phí Đông Bắc, cũng được phát hiện có các tam giác Pythagore.
Bằng chứng về việc định lý Pythagore được sử dụng trong thời gian dài trước khi triết gia Hy Lạp này phát hiện ra nó vào thế kỷ thứ 6 TCN cũng được phát hiện ở các nền văn minh Ấn Độ, Trung Hoa hay Đế chế Babylon. Theo tác giả và cũng là chuyên gia cự thạch Robin Heath, việc ứng dụng hình học để tạo ra các công trình tương tự như Stonehenge đã được nhiều dân tộc cổ đại trên thế giới sử dụng.
“Người ta cho rằng những thợ xây dựng nên Stonehenge vào thời Đồ đá mới chỉ là những người thô lỗ, kém hiểu biết, tuy nhiên họ thật sự là những người rất có trí tuệ, nhưng điều đó dường như đã bị lãng quên”, ông phát biểu trên tờ Telegraph.
Hồng Liên (t/h)