Điều gì đã khiến giáo dục Nhật Bản trở thành hình mẫu cho toàn thế giới?
Nền giáo dục của Nhật Bản có thể được coi là chuẩn mực cho thế giới khi trẻ em được phát triển đầy đủ cả về nhân cách và kiến thức. Một số quy định ở một trường công điển hình dưới dây có thể khiến nhiều người bất ngờ vì sự khác biệt.
Người Nhật Bản luôn nổi tiếng vì kiến thức, tuổi thọ, sự lịch thiệp và thái độ sống tốt. Những câu chuyện về cuộc sống của người dân Nhật Bản, từ những thói quen nhỏ nhất cho đến tư tưởng của cả cộng đồng luôn khiến mọi người ngưỡng mộ.
Để đạt được những thành tựu về khía cạnh con người, đất nước mặt trời mọc đã đầu tư vào nền giáo dục toàn dân từ những thế kỷ trước để giờ đây, nhiều người phải ngả mũ thán phục về nền giáo dục được coi là chuẩn mực này. Vậy có điều gì bí mật khiến nền giáo dục Nhật Bản trở thành hình mẫu lý tưởng cho cả thế giới học tập?
1. Giáo viên không được phép đuổi học sinh ra khỏi lớp
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc “mời” những học sinh vô kỷ luật ra khỏi lớp học là một hình phạt phổ biến. Tuy nhiên, đó là điều cấm kỵ trong các trường học Nhật Bản. Điều 26 trong Hiến pháp Nhật Bản nêu rõ: ‘Tất cả mọi người đều có quyền hưởng giáo dục bình đẳng…” và do đó, giáo viên phải tập tính kiên nhẫn, làm quen với những trò nghịch ngợm của học sinh và tìm cách quản lý tốt hơn.
2. Thực đơn bữa trưa giống nhau và học sinh phải tự phục vụ
Một điều thú vị trong các trường công lập ở Nhật là mọi người đều ăn cùng một bữa trưa. Không giống như ở nhiều nước khác, học sinh có thể lựa chọn giữa mua tại căng-tin hoặc tự mang từ nhà. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, học sinh được đào tạo ăn cùng một bữa trưa (không phân biệt sở thích) và hoàn thành nó trong thời gian cho phép.
Đặc biệt, học sinh Nhật Bản phải luân phiên nhau phục vụ bữa trưa cho bạn học với đồng phục nhà bếp là áo choàng, mũ trắng. Sau bữa trưa, họ cũng phải chịu trách nhiệm dọn dẹp dưới sự giám sát của giáo viên. Đó là cách mà giáo dục Nhật Bản dạy cho trẻ em của họ về việc chăm sóc người khác và chịu trách nhiệm giữ gìn môi trường.
3. Học sinh và giáo viên cùng ăn trong lớp học
Lớp học không chỉ là nơi học tập mà còn là khoảng không gian để giáo viên và học sinh cùng nhau thưởng thức bữa trưa. Bàn ghế được sắp xếp đối diện và sát với nhau. Điều này giúp các em gắn bó với nhau, có cơ hội hòa nhập và tương tác với mọi người trong lớp chứ không chỉ là với bạn thân.
4. Học sinh không bị học lại dù có kém đến đâu
Đây có lẽ là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời học sinh và chỉ có thể xảy ra ở Nhật Bản. Thông thường, ở cả những quốc gia có nền giáo dục hiện đại như Mỹ hay Philippines, học sinh yếu kém sẽ bị giữ lại thêm 1 năm để củng cố kiến thức. Trong khi đó, bất kể điểm thi thế nào, học sinh Nhật vẫn lên lớp, vẫn được tham dự lễ tốt nghiệp cuối năm. Điểm số chỉ là vấn đề với kỳ thi tuyển sinh vào trung học và đại học .
5. Không có lao công
Ở Nhật, các trường học đều không cần đến lao công dọn dẹp. Thay vào đó, học sinh phải tự lau chùi, dọn dẹp từng khu vực trong khuôn viên trường, bao gồm cả nhà vệ sinh. Cả giáo viên, thậm chí các lãnh đạo cấp cao nhất như hiệu trưởng hay hiệu phó cũng phải tham gia.
Các trường đều quỹ thời gian dọn dẹp hàng ngày được gọi là “souji”. Mọi người đều đội một chiếc khăn trùm đầu và trước khi bắt đầu, tất cả ngồi im lặng trong vài phút để suy ngẫm và chuẩn bị tinh thần cũng như sức khỏe, hành động này được gọi là “mokuso”.
Thông qua công việc này, học sinh không chỉ được đào tạo những kỹ năng giúp họ biết cách tự dọn dẹp mà còn là bài học để trở thành người có trách nhiệm trong xã hội.
6. Học sinh sử dụng cùng một loại ba lô và giày dép đi trong nhà
Các trường học ở Nhật yêu cầu học sinh phải mang giày riêng khi vào lớp để duy trì sự sạch sẽ và ngăn không cho bụi bẩn vào trong lớp. Nhật Bản nổi tiếng là vùng đất hòa hợp, nơi tất cả mọi người thực hiện theo một tiêu chuẩn giống nhau, không chỉ giống nhau ở trang phục mà còn cả giày dép.
Không chỉ vậy, ở cấp trung học cơ sở, học sinh phải sử dụng cùng một loại ba lô có gắn logo của trường, trên đó có các đường phản quang giúp tránh được tai nạn giao thông vào ban đêm vì hầu hết học sinh đều về nhà muộn bằng xe đạp hoặc đi bộ. Tương tự như vậy, học sinh tiểu học cũng sử dụng ba lô giống nhau được gọi là “randoseru”.
7. Hoạt động thể thao vào buổi sáng và sau giờ học
Các thành viên câu lạc bộ thể thao tham gia các hoạt động trước và sau giờ học mỗi ngày. Điều này đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao vì học sinh phải dậy rất sớm và về nhà muộn để thực hiện đúng cam kết với câu lạc bộ.
8. Trang thiết bị không hiện đại như bạn nghĩ
Nhật Bản có thể là một trong những quốc gia tiến bộ nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng không phải tất cả trường đều thường xuyên cập nhật thiết bị đời mới và công nghệ cao. Đầu CD, máy in, máy fax lỗi thời vẫn được sử dụng ở nhiều trường trên toàn quốc.
Quạt vẫn được sử dụng thay điều hòa để tiết kiệm điện. Trong mùa đông, trường thường sử dụng máy sưởi dầu thay vì lắp đặt hệ thống sưởi ấm từ trung tâm. Sách giáo khoa vẫn là tài liệu giảng dạy truyền thống. Công nghệ đang phủ sóng trường học một cách chậm rãi với các bài thuyết trình sử dụng máy tính và mạng Internet.
9. Không bị khiển trách nếu ngủ trong giờ học
Thời khóa biểu của một học sinh Nhật Bản bao gồm tham dự các hoạt động sáng sớm và sau giờ học, đến trung tâm luyện thi (juku), làm bài tập về nhà . Do đó, học sinh có ít thời gian để ngủ. Hiểu được điều này, khi nhìn thấy học sinh ngủ gật trong lớp, giáo viên có thể nhắc 1-2 lần, nhưng hiếm khi khiển trách.
TinhHoa tổng hợp