Điểm qua 7 cây cầu ‘cổ’ vượt thời gian ở Trung Quốc
Con cháu thường chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, nhưng không mấy hiểu tâm trạng người già, người vốn hay than thở “sống nhiều để làm gì”, khi phải chứng kiến bao đổi dời tan thương, người thân bạn bè ra đi, không còn ai hỏi han tâm tình, cô đơn thật khó tả. Có lẽ những cây cầu ‘trơ gan cùng tuế nguyệt’ dưới đây có khi còn chất chứa nhiều tâm sự và câu chuyện hơn thế nữa.
1/ Cầu Lư Câu
Cầu Lư Câu hay cầu Marco Polo, được xây vào năm 1189, là một trong những cây cầu bằng đá còn tồn tại, và lâu đời nhất ở Bắc Kinh. Một trận lũ lụt lớn vào năm 1697, đời nhà Thanh, đã làm cây cầu đổ sập gần như hoàn toàn, nhưng sau đó nó mau chóng được phục hồi như cũ.
Đã hơn 800 năm qua đi, cầu là chứng nhân cho bao biến cố lịch sử; một trong những sự kiện được nhắc đến nhiều nhất là chiến tranh Nhật – Trung năm 1937.
2/ Cầu Quảng Tế
Cầu Quảng Tế hay cầu Tương Tử, được xây năm 1170, triều Nam Tống, bắt ngang sông Hán, tỉnh Quảng Đông. Cầu Quảng Tế được cho là cây cầu tháp đóng mở đầu tiên trên thế giới, có chiều dài hơn 518m. Ban đầu, cây cầu chỉ là một cầu tàu, sau đó nó được lắp thêm các nhịp cầu nổi giữa các trụ, có thể nâng lên hạ xuống mỗi khi tàu lớn cần qua lại.
3/ Cầu Ngũ Đình
Cầu Ngũ Đình được xây vào năm 1757, với 5 mái đình dựng trên cầu. Mỗi mái có chu vi khoảng 50m, với mái cao nhất nổi bật tại trung tâm. Mái được sơn son thiếp vàng, uốn cong; các chân trụ và trang trí khác có màu xanh lá cây.
4/ Cầu An Bình
Cầu bắc qua hai thôn Tấn Giang và Nam An, thuộc phía tây An Hải, An Bình, tỉnh Phúc Kiến. Đây là cây cầu đá chùm dài nhất Trung Quốc, khởi công vào năm thứ 8 Thiệu Hưng, thời Nam Tống, và phải đến 13 năm sau (1127-1279) mới hoàn thành.
Trụ đá lớn nhất của cầu nặng đến 25 tấn, cầu có tổng cộng 331 nhịp được làm bằng đá. Trước kia cầu có nhiều mái đình để nghỉ chân giữa các nhịp nhưng theo thời gian chỉ còn lại một. Ngoài ra, cầu còn có 13 nhịp đá ghi khắc lịch sử xây dựng và sửa chữa.
5/ Trình Dương Phong Vũ Kiều
Các cây cầu được xây dựng năm 1916, bởi bàn tay tài hoa của cộng đồng thiểu số người Động, sống rải rác ở các làng mạc thuộc tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu và Quảng Tây của Trung Quốc.
Cầu dài 64,4 m, rộng 3,4 m và cao 10,6 m, có 3 cột trụ, 3 nhịp cầu, 5 đình và 19 hiên, được xây hoàn toàn bằng gỗ.
Những cây cầu do người Động xây dựng được gọi là “Phong Vũ Kiều” vì có mái che giúp người đi đường tránh mưa nắng. Một điểm độc đáo của những cây cầu “Phong Vũ” là bí quyết xây dựng không cần đinh vít của người Động.
6/ Cầu Lô Định
Đây là cây cầu treo cổ nhất Trung Quốc, bắc qua sông Đại Độ, nhánh lớn của Dương Tử, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cầu dài 123m, rộng 3m, được treo bằng 13 sợi xích sắt lớn, mỗi sợi nặng gần 2 tấn và có chiều dài đến 130m.
Cầu treo Lô Định được xây sớm hơn cây cầu treo đầu tiên ở Bắc Mỹ hàng thế kỷ, và sớm hơn cây cầu treo đầu tiên ở Châu Âu đến 36 năm.
7/ Cầu Ngọc Đái
Cầu Ngọc Đái hay còn có tên dân dã là cầu gù lạc đà, cầu được xây bằng đá cẩm thạch trắng, đâu đó vào khoảng năm 1751 đến 1764, dưới thời vua Càn Long. Cầu có nhịp vòng cung nhô cao lên để thuyền rồng có thể qua lại dễ dàng. Cây cầu có vẻ như được lấy ý tưởng từ chiếc cầu Ô Thước trong tích ‘Ngưu Lang – Chức Nữ’. Thực tế, người dân cũng ưa thích đi lại trên cầu này vào những đêm trăng sáng để thưởng nguyệt tâm tình.
Bruce Phan, theo Vision Times