Đĩa băng kỳ lạ tự xoay tròn giữa lòng sông Trung Quốc
Mới đây, một khối băng lớn có hình tròn hoàn hảo đã xuất hiện trên một con sông ở Đông Bắc Trung Quốc, thu hút nhiều du khách hiếu kỳ đến chiêm ngưỡng.
Hiện tượng bí ẩn xảy ra ở sông Liêu, thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Đĩa băng lớn không ngừng quay giống như một chiếc đĩa hát giữa con sông vốn bị đóng băng vì nhiệt độ thấp. Chiếc đĩa đặc biệt này có đường kính 8m.
Đông đảo người dân địa phương đã đổ xô đến dòng sông này và tranh thủ đứng lên trên chiếc đĩa băng khổng lồ trước khi nó biến mất. Những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, du khách còn mang cả vật nuôi theo để trải nghiệm hiện tượng hiếm có này.
Những người sử dụng mạng xã hội đang tranh cãi đĩa băng hình thành như thế nào. Một giả thuyết là khối băng bị bào mòn dần thành hình tròn hoàn hảo khi trôi nổi giữa sông. Tuy nhiên, các chuyên gia nhanh chóng bác bỏ giả thuyết này.
Hiện tượng đĩa băng thường xuất hiện ở Bắc Cực, Bắc Âu, phía Bắc châu Mỹ nhưng rất hiếm khi xảy ra ở nơi khác.
Có người cho rằng đĩa băng có thể được hình thành từ một lượng băng nhỏ ban đầu, sau đó quay tròn giữa dòng sông và “tích tụ” dần dần để đạt dược kích thước lớn như vậy. Tuy nhiên, Metro trích lời các chuyên gia cho rằng lý giải này dường như không chính xác.
Hiện tượng này từng khiến các nhà khoa học phải “đau đầu” suốt một thế kỷ. Đầu năm 2017, nhóm các nhà vật lý cuối cùng đã giải được bí mật vì sao những đĩa băng dạng này lại có thể xoay tròn.
Theo các nhà vật lý ở Đại học Liege, Bỉ, nguyên nhân gây ra hiện tượng là nhiệt độ trong nước tăng và nước trở nên đặc hơn. Khi nước quanh mép băng bắt đầu tan chảy, nó xoay tròn tạo thành một dòng xoáy thẳng đứng, tương tự quá trình tạo thành lỗ khoan. Sau đó, mảng băng va vào lớp băng xung quanh dẫn tới hình dạng tròn. Những đĩa băng thường có kích thước nhỏ, nhưng có thể đạt đường kính lên tới 17m.
Một năm trước, hiện tượng tương tự cũng xảy ra trên một con sông thuộc bang Michigan, Mỹ. Đĩa băng, với đường kính khoảng 16m, đã gây xôn xao và nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhằm lý giải hiện tượng này.
Tú Văn (t/h)