Đi tù vì nhạc vàng
Trong thời buổi này người ta khó để đi tìm một định nghĩa cho nhạc vàng, nhất là sau năm 1975. Có người cho đó là thứ nhạc sến, hay theo cách nói của Nguyễn Hữu Liêm, nó là “cái âm điệu tủi thân bi đát”. Tuy nhiên, thứ “nhạc sến” ấy lại có sức công phá mạnh đến mức khiến người ta phải đi tù.
Sau những ồn ào của dư luận Việt Nam về vụ việc 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị thu hồi, một nhà báo lớn lên trong “thế hệ nhạc vàng” đã viết lên những dòng chia sẻ của mình về dòng nhạc kinh điển một thời này.
Năm tôi lên 10 tuổi, mẹ tôi đi xuất khẩu lao động từ Cộng hòa Dân chủ Đức về.
Trong hành trang của bà, có một túi vải to khá nặng, đựng đến mấy trăm chiếc băng cassette “nhạc vàng”.
Đó là những năm 1980, thời kỳ cực thịnh của các ca sĩ hải ngoại và các tình khúc bolero. Mẹ tôi, cũng như rất nhiều người đi xuất khẩu lao động sang Đông Âu, được nghe thỏa thích dòng nhạc “sến” mà thời điểm đó trong nước không phổ biến. Những Tuấn Vũ, Giao Linh, Chế Linh… được ghi cẩn thận kèm tên các bài hát vào mảnh giấy gài trong vỏ băng nhạc.
Cái túi băng “nhạc vàng” ấy, nếu quy đổi trọng lượng ra bột cacao, sữa trẻ em, xà phòng thơm, hay nước hoa, thì sẽ mang lại một khoản tiền kha khá. Nhưng suốt nhiều năm sau đó, mẹ tôi nghe đi nghe lại từng chiếc băng, ghi cả hai mặt, mỗi mặt chừng 5-6 bài, khiến ngay cả tôi cũng thuộc lòng không biết bao nhiêu bài hát.
Cho đến tận những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, “nhạc vàng” vẫn chịu một lệnh cấm không rõ ràng. Thậm chí là ngay cả định nghĩa của nó cũng không rõ ràng, chỉ được mô tả bằng rất nhiều tính từ như là “buồn nản tiêu cực”, “bi quan, yếm thế”… trong lời các nhà phê bình thời ấy.
Sự không rõ ràng ấy khiến cho nhiều bài hát tiền chiến của những đại thụ làng nhạc Việt như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Văn Tý, Lê Thương hay thậm chí Văn Cao, cũng không mấy người dám nghe công khai. Ở các quán cà phê cóc, lúc ấy có 2 thứ để câu khách: “nhạc vàng” và phim chưởng Hong Kong, tất nhiên là mở âm lượng vừa phải, và thỉnh thoảng vẫn bị lập biên bản, thu giữ “tang vật”.
Rồi dần dần, sau những năm mở cửa, người ta bắt đầu nghe “nhạc vàng” nhiều hơn, to hơn.
Cho đến một tối mùa đông, khi đã ngoài 30 tuổi, tình cờ tôi ghé một quán cà phê ven hồ Tây, mang tên “Lộc Vàng”. Có sân khấu nhỏ trong khuôn viên quán, với ban nhạc, và ca sĩ hát trực tiếp cho khách ngồi nghe. Những bài hát trữ tình. Tôi ngồi cạnh quầy bar, bâng quơ nhìn bức ảnh treo trên vách: Một người đàn ông mặc sơ mi trắng, đang châm thuốc cho một người dáng khắc khổ, đầu tóc rối bù. Tôi nhận ra người châm thuốc trong bức ảnh đang ngồi ngay cạnh mình, cũng là chủ quán. Bắt chuyện làm quen, tôi biết ông tên là Lộc – và cái tên quán “Lộc Vàng” chính là gắn với sở thích “nhạc vàng” của ông, đồng thời gắn với một câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Đó là năm 1971, một phiên tòa đã xét xử trong 3 ngày một nhóm thanh niên về tội nghe và truyền bá “nhạc vàng”. Hai người bị án nặng nhất trong vụ này, là Phan Thắng Toán (tức Toán xồm) bị tuyên án 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân, và Nguyễn Văn Lộc bị án 10 năm tù giam, sau đó 4 năm tước quyền công dân.
Bức ảnh châm thuốc ấy, chụp năm 1994. Khi đó ông Toán “xồm” ra tù, không còn nhà cửa, vợ con, sống bên hè phố Tô Hiến Thành. Sau khi chụp bức ảnh châm thuốc, chỉ hơn tuần sau ông Toán “xồm” mất, quấn trong manh chiếu rách. Ông Lộc kể rằng, sau gần 2 thập kỷ ngồi tù vì tội chơi “nhạc vàng”, ngày đầu tiên được trả tự do, chính những điệu “nhạc vàng” được bật công khai ở các quán cà phê đã khiến ông Toán “xồm” gục ngã.
Người đàn ông ấy mất trí, vì sự đau đớn khi những định kiến được thay đổi quá muộn, còn những người như ông đã phải trả cái giá quá đắt.
Ông Lộc bây giờ, vì những ký ức ấy, mở quán để biểu diễn “nhạc vàng” – thứ nhạc mà bây giờ đã được phổ biến. Có cái đàn organ, và những ca sĩ có lẽ cũng không chuyên. Quán không mấy khi đông khách, thấy bảo ông lỗ liên tục, cứ đóng quán rồi lại lần hồi mở ra. Nhưng ông cố nuôi quán, hình như bởi một nỗi niềm không thể giải tỏa.
Đã mất hàng chục năm để chúng ta cởi bỏ một định kiến không rõ ràng, và đã có những phận người trả giá vì sự chậm chạp sau hàng chục năm ấy.
Tôi tin rằng công chúng sẽ không chấp nhận những sự chậm trễ khác, và những sự không rõ ràng khác. Cách đây 2 ngày, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn thu hồi ngay quyết định dừng 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 – điều đã làm dư luận thắc mắc nhiều ngày qua.
Trước đó, người ta còn phát hiện ra rằng Cục này chưa cấp phép một bài nào của cố nhạc sĩ Văn Cao trừ… Tiến quân ca.
Thế hệ chúng tôi đã trưởng thành và lắng nghe những nhạc phẩm trữ tình với một tâm thế hoàn toàn vô tư: nó chạm vào những phần yếu đuối trong cảm xúc của con người – và như thế, chẳng có gì là sai cả.
Tôi không muốn bàn nhiều về giá trị của “nhạc vàng” – nhiều người đã làm việc đó, và bởi vì bàn về nó nghĩa là đã thừa nhận một khái niệm mù mờ, hàm chứa phân biệt đối xử.
Mới tuần trước thôi, trong bữa cơm tối, tình cờ VTV phát chương trình Thần tượng Bolero. Mẹ tôi lặng đi khi nghe thấy một bài “nhạc vàng” quen thuộc. Tôi hiểu cảm xúc đó, giống như Tết năm ngoái, khi tôi được nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát bài “Xuân này con không về”, một bài hát thuộc dòng “nhạc vàng” kinh điển.
Thứ cảm xúc chứa đầy ký ức, gợi rất nhiều liên tưởng. Nhưng cũng có thể, khi dòng liên tưởng đi sai đường, thì một lệnh cấm sẽ ra đời.
Trên đây là trích nguyên văn bài viết có tựa: “Đi tù vì nhạc vàng” của nhà báo Phạm Gia Hiền đăng trên trang báo Vnexpress ngày 17/4/2017.
Có những thứ đã chết mà người ta tôn vinh, xây lăng cho nó, nó vẫn chết, nhưng có những thứ người ta muốn chôn vùi, huỷ hoại, nó vẫn đội mồ sống dậy.
Theo VNE