Đi tìm con, ông lão 70 ngậm đắng chịu tiếng oan ‘mất nết’ nhiều năm trời
Đó là câu chuyện của ông Hồ Văn Hưng (năm nay đã trên 70 tuổi) sống ở thôn Bắc Ái, xã Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Người cha già đã lặng lẽ ngậm đắng nhiều năm để tìm ra tăm tích cô con gái thứ 2 của mình sau khi bị kẻ gian lừa bán sang Trung Quốc…
Được biết nhà ông Hưng có 7 người con. Vào buổi trưa tháng 8/2006, khi đó ông Hưng vừa kịp dựng chống xe xuống sau một buổi thăm vườn đồi về, thì từ ngoài sân ông đã nghe tiếng vợ kể:
“Cái Nhàn đi Trung Quốc làm cỏ thuê rồi, con Hoa dẫn đi !”
Câu nói khiến tim ông chết lặng, linh cảm của một người cha cho biết: “Khéo bị bán rồi”.
Lo lắng đến nóng cả gan ruột, nhưng ông không nói câu nào, quay đầu xe, tức tốc chạy 25 km xuống nhà bố mẹ Hoa để hỏi, nhưng con ông đã theo cô ta ra ga từ lúc nào rồi. Ông lại tiếp tục đuổi lên sân ga, thì tàu cũng vừa lăn bánh.
Được biết kẻ bán con gái của ông không ai khác chính là đứa cháu gái bên họ ngoại tên Hoa, hành nghề bán dâm đã nhiều năm trước tại Trung Quốc. Trước khi Hoa về nước, Hoa có gạt mẹ mình là bà Xy (chị ruột của ông Hưng), Hoa nói rằng mình bên Trung Quốc cần tìm người làm cỏ, trồng chuối phụ giúp, nên ngỏ ý gọi Nhàn đến giúp đỡ.
Bà Xy bèn vui vẻ đồng ý, mà không hay biết rằng con gái mình đã rắp tâm lừa gạt em họ của nó đem đi bán. Cô gái Nhàn ngày ấy ít học, khờ dại, lại mong muốn phụ giúp gia đình, nên nghe có việc tốt thì lập tức đồng ý mà không nghi ngờ gì, sợ bố không cho cô giấu bố mà lén lút đi đến cả quần áo cũng không kịp mang theo bên mình.
Nhiều lần ông Hưng liên lạc thuyết phục Hoa đưa con gái về nhưng không thành, ông Hưng viết đơn tố ra công an, nhưng không có chứng cứ nên cũng không được xử lý.
Từ ngày đó, ông lẳng lặng theo dõi động tĩnh của Hoa. Mỗi lần hay tin cô ta sắp sang Trung Quốc, ông lại bám theo, nhưng cứ đến cửa khẩu thì mất dấu. Vài tháng không có manh mối, ông âm thầm đổi kế hoạch.
Hành trình tìm con – mấy năm chịu tiếng oan ‘thằng già không nên nết’
Từ lúc con gái bước sang Trung Quốc, ông đau đớn lắm nhưng cắn răng chịu mà không kể với bất cứ ai, đến cả vợ ông cũng không hé một lời vì sợ bứt dây động rừng, đến tai bên ngoại thì cái Hoa sẽ biết mà đem giấu con gái của ông đi mất. Như thế hành trình tìm con của ông lại càng khó khăn hơn bội phần.
“Ông ấy đi biệt, lần vài ngày, lần cả tháng. Bảo ‘đi với bà hai, bà ba’, lúc thì ‘làm ăn’. Tôi ngỡ ông ấy giở tính, chán vợ”, bà Nguyễn Thị Loan (67 tuổi), vợ ông nhớ lại.
Kể từ lúc đó ông đi suốt, dăm bữa mới về nhà một hôm để bán đất, bán heo, có gì bán được ông đem bán hết, gôm tiền rồi lại đi. Thấy chồng đi làm nhưng không mang tiền về, toàn mang đi, bữa cơm dọn ra, ông ngồi xuống ăn thì bà rời mâm. Mấy đứa con trong nhà cũng nghĩ bố ‘mất nết’ đến tuổi rồi dở chứng nên cũng khinh thường bố.
“Ông thì thiết tha gì cái nhà này nữa!”, “Ông muốn đi đâu thì đi”, bà Loan bóng gió. Trằn trọc cả đêm, trời vừa mờ sáng, ông lại khoác ba lô lên đường tới cửa khẩu Lào Cai tìm con.
Hy vọng rồi đến thất vọng, ông lang thang đến Trung Quốc, thăm dò tất cả những nơi khả nghi mà Nhàn có thể bị bán. Mệt mỏi rã rời, nhưng với tấm lòng một người cha ông không thể gục ngã.
Không ít lần ông còn bị người ta chặt chém, lừa gạt tiền bạc muốn sạch túi, dăm bữa là không còn tiền để cầm cự ở nơi đất khách quê người, đành phải về nhà xem còn gì để bán rồi tiếp tục cuộc hành trình.
Đêm ngủ gầm cầu, ngày đi tìm con. Ăn uống chỉ dám mua ổ bánh mì, uống nước lọc để cầm cự, vì ông biết chuyến hành trình này sẽ rất dài nên cần ăn uống cần kiệm càng nhiều càng tốt.
Ngỡ con gái có thể bị lừa vào các động mại dâm, vài ngày đầu, ông mặc quần áo cũ, giả làm ăn xin để dò hỏi. Tìm tới động mại dâm, ông cởi bỏ quần áo cũ, đeo đồng hồ, nhẫn vàng, chải lại tóc, đến cơ sở nào cũng yêu cầu gái Việt quê Vĩnh Phúc ra tiếp, rồi lấy cớ tại hồi đó có yêu một cô Vĩnh Phúc nhưng không thành.
“Chúng nó toàn chửi ‘thằng già không nên nết’, ‘thằng vớ vẩn, không cho ông làm ăn’… mình chỉ dám cười trừ rồi chuồn”, ông cười nhớ lại.
Cuộc gọi của con gái và nước mắt người cha
Trong lúc tuyệt vọng, cuối năm 2009, một cú điện thoại từ Vân Nam gọi về nhà hàng xóm của ông Hưng.
“Chị ơi, em Nhàn đây!”, người hàng xóm cũng ngỡ ngàng khi nghe thấy giọng nói quen thuộc. Lúc đó ông Hưng đã cắt điện thoại bàn, may sao con ông nhớ số nhà hàng xóm, nên tìm được cách liên lạc với bố.
Nhàn kể tình cờ cô gặp được một người Việt trong lúc đi trồng chuối cùng chồng, nghe kể về hoàn cảnh Nhàn, người phụ nữ thương cho Nhàn mượn điện thoại để liên lạc về với gia đình.
Hạnh phúc đến nơi nước mắt, nhưng cả hai cha con phải kìm nén lại, ông Hưng dặn Nhàn ráng kiên nhẫn đợi, nói khéo với chồng “Bố mẹ biết hai đứa khó khăn nên sẽ đến thăm, cho tiền”. Ngay ngày hôm sau, ông và con trai tức tốc thuê xe sang cửa khẩu.
Nhớ lại hôm đó, chị Nhàn nghẹn ngào nói: “Tôi cũng có ý định trốn khỏi nhà chồng, đi lang thang tìm người Việt để xin họ giúp đỡ. Nhưng tôi không biết tiếng, sợ đi ra ngoài lại bị ai bắt thì khổ. Hơn nữa, chồng tôi là người hiền lành, chịu khó, mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên dần tôi cũng cảm mến và chúng tôi có với nhau hai đứa con. Biết là chồng quý mến mình nhưng lòng tôi vẫn nặng trĩu nhớ quê hương, tôi luôn đau đáu không biết ở quê nhà bố mẹ có đi tìm tôi và cuộc sống của họ ra sao”.
Sau bao năm xa cách, lúc gặp lại con gái, ông mới hay chị Nhàn đã có hai đứa con với thằng “rể”. Nhìn con có chồng “bất đắc dĩ”, lại nhìn thấy hai đứa cháu ngoại kháu khỉnh ông Hưng vừa mừng, vừa tủi.
Lần ấy, ông Hưng bàn với con tìm cách về lại quê hương. Nhưng việc này không phải là điều đơn giản. Để thuận lợi, điều quan trọng là ông và con gái không để “chàng rể” nghi ngờ. Vì ông sợ con rể sẽ giấu con gái đi nơi khác, để tạo lòng tin ông xin ở lại trông cháu, bảo con trai “về đón mẹ sang đây thay bố”.
Vợ sang, ông Hưng lập tức về Việt Nam trình báo công an.
“Công an có nhiều cách để lấy lời khai của Thụ, chồng Nhàn, tuy nhiên, ông Hưng không muốn vợ chồng con ly tán, đề xuất tự mình đi thuyết phục Thụ cho vợ về nước trình báo. Nếu làm được vậy sẽ vẹn cả đôi đường, nên chúng tôi đồng ý”, một cán bộ Cục C14 (nay là C02) từng thụ lý vụ án nói.
Dùng kế ‘gán con’
Để chắc chắn, ông Hưng còn tạo cho con rể lòng tin vững chắc rằng ông sẽ gả con gái út của ông cho anh em họ của con rể.
Chiêu trò “gán con” của ông cũng vì bất đắc dĩ. Hồi ấy, cô út Hồ Thị Huyền mới hơn đôi mươi. Khi nghe “kế hoạch” của cha, Huyền khóc rất nhiều. Nhưng vì thương chị, thương cha Huyền gật đầu đồng ý.
“Quyết định đó khiến tôi như bị ngàn cây dao đâm sâu vào lồng ngực. Nhưng vì con, vì muốn vạch trần tội ác của kẻ bất lương tôi đã làm cho kỳ được. Lúc ấy, tôi chỉ biết động viên con gái út sẽ nhất định đưa nó về quê hương như chị gái nó…”, ông Hưng nghẹn ngào chia sẻ.
Quả thật ông Hưng đã chiếm được lòng tin con rể, khi cô con gái út của ông về làm vợ người em họ của Thụ, thì ông Hưng cũng ngỏ ý đưa chị Nhàn về Việt Nam ăn Tết và đã được Thụ và gia đình đồng ý.
“Ngày bố tôi bí mật cho cuộc hoán đổi giữa tôi và em gái, cả nhà tôi ai cũng lo lắng. Liệu rằng chồng tôi có tin, liệu rằng chị em tôi có được đoàn tụ. Bởi, em gái tôi khi ấy cũng chưa ra ngoài bao giờ. Thế nhưng, vì thương tôi em gái tôi đã đồng ý đi thay tôi sang đó để chăm cháu, lấy lòng tin của chồng tôi. Kết quả chúng tôi đã thành công. Bố bán hết tài sản, đất cát và vay mượn khắp nơi để đi tìm tôi. Em gái dám sang xứ người để đổi lại tôi được ở lại Việt Nam lâu hơn. Ơn nghĩa này cả đời tôi sẽ không quên”, chị Nhàn bộc bạch.
Sum họp sau 4 năm xa cách
Tết năm 2010, cả nhà Nhàn về Việt Nam, đoàn tụ cùng nhau trong nước mắt, ông Nhàn cũng nhân đó dắt Nhàn đến công an để khai báo và bắt kẻ gây án về trị tội. Năm 2011, vụ án mua bán người được đưa ra xét xử, Hoa nhận án 10 năm tù, bồi thường tổn thất tinh thần 10 triệu đồng.
Chị Nhàn lúc bấy giờ cũng khai báo sự tình năm đó cho phía công an, chị kể lại hành trình Hoa đã lừa bán chị sang Trung Quốc cho chồng của mình bây giờ với giá 4.000 Nhân dân tệ (6 triệu đồng).
Về phía mẹ Hoa, người đã vô tình tiếp tay cho Hoa dẫn chị sang Trung Quốc, chị cũng bảo không trách: “Thực chất bà Xy cũng không biết mục đích của chị Hường đưa tôi sang Trung Quốc là gì nên tôi không oán trách gì bà Xy cả. Tôi chỉ buồn chị Hường là vì sao chị em họ lại lừa tôi như vậy. Khiến bao năm cha tôi lang thang khắp nơi để đi tìm con. Còn tôi khóc ròng vì sợ hãi, lo lắng và buồn phiền”.
Nhờ phước lớn, nên may mắn chị Nhàn cũng gặp được một người chồng thật sự tốt, dù nghèo, nhưng chàng trai thôn quê chân chất, siêng năng lại tốt bụng, nếu không thì cũng không biết rõ cuộc đời của Nhàn sẽ đi đến đâu, có khi còn chẳng còn mạng để được về đến nhà như bây giờ.
Sau cuộc đoàn tụ cùng gia đình, ít lâu sau đó, chồng Nhàn cũng về Việt Nam định cư vì thương nhớ vợ con. Cùng với sự giúp đỡ của gia đình vợ, vợ chồng chị Nhàn đã xây được ngôi nhà cấp 4 ngay sát bên gia đình ngoại để sinh sống. Hai đứa con của họ cũng đã được ông Hưng tìm đủ mọi cách để chúng được đến trường.
Ông Hưng hạnh phúc bảo “Tôi thương hoàn cảnh con rể mồ côi nên đã bảo cả con rể và các cháu ngoại về quê ăn Tết. Nó cũng như hiểu ngầm được ý của tôi và tin tôi nên đã theo chúng tôi về đây. Được cái nó tốt tính lại khéo làm ăn nên tôi cũng thương”.
Cũng theo ông Hưng, người con rể Trung Quốc cứ hết thời gian lưu trú tại Việt Nam lại phải trở về Trung Quốc rồi ngày ngày trông ngóng được trở lại tỉnh Vĩnh Phúc để gặp vợ và mấy đứa con nhỏ.
Nghĩ tới những hy sinh của bố, chị Nhàn nghẹn ngào tâm sự: “Sau khi về nghe bố tôi kể đã lặn lội đi tìm tôi khiến tôi đau đớn vô cùng. Nếu không vì sự nhẹ dạ cả tin chắc gia đình tôi đã không lao đao như vậy. Nhưng vì thương con bố đã không oán trách tôi nửa lời. Không những thế, giờ bố mẹ con làm nhà làm cửa để vợ chồng tôi có chỗ ăn, ở và nuôi con”.
Riêng về phần cô con gái út tên Huyền, từ khi cha “gán” qua Trung Quốc lấy chồng, gia đình nhà chồng cũng tốt nên cuộc sống của chị cũng hạnh phúc. Chị Huyền đã nói với bố mình: “Con lấy chồng thì theo nhà chồng thôi, bố yên tâm, con và chồng sẽ thường xuyên cùng các cháu về thăm ông bà…”.
Ông Hưng tâm sự: “Như vậy, gia đình tôi đã rửa được tiếng nhục bán con. Cuộc sống của các con tôi cũng êm đẹp. Chẳng có gì hơn. Tôi tin rằng, các con và cháu tôi không có gì để oán trách thân già này nữa. Vậy là đã toại nguyện lắm rồi. Bây giờ, chỉ tính kế làm sao cho cuộc sống kinh tế của chúng nó tốt lành để có tương lai tươi đẹp thôi…”.
(Bài viết tên nhân vật đã được thay đổi)
Chúc Di (t/h)