Đề xuất thí điểm dịch vụ cho thuê 1000 xe điện tại trung tâm Sài Gòn
1.000 xe máy điện sẽ để trên vỉa hè Q.1. Người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại, quét mã để mở khóa và lấy xe đi. Mỗi lượt giá khoảng 6.000 đồng. Dự kiến miễn phí 1-3 tháng đầu.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương cho thí điểm dịch vụ cho thuê xe điện trong khu vực Q.1 trong thời gian 6 tháng, với 1.000 xe.
Dự án này do công ty TNHH Công nghệ IOT Thông minh Việt Nam đề xuất với kinh phí khoảng 15,5 tỷ đồng, bố trí 1.000 xe điện tại vị trí gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, điểm đầu – cuối tuyến xe buýt để tạo điều kiện cho hành khách sử dụng xe buýt từ nhà (khu dân cư) đến điểm dừng xe buýt và từ điểm dừng xe buýt đến trường học, khu thương mại, dịch vụ, tòa nhà văn phòng…
Người dùng sẽ cài đặt ứng dụng Vimotor trên thiết bị điện thoại thông minh, sau đó tìm và xác định vị trí điểm cung cấp xe gắn máy điện gần nhất, quét mã để mở khóa và sử dụng xe. Xe có chức năng khóa xe tạm thời trong trường hợp người dùng chưa muốn kết thúc chuyến đi.
Sau khi hoàn thành chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng chỗ quy định (các điểm đỗ xe được công bố) để khóa xe và hoàn tất việc thanh toán thông qua ứng dụng. Việc thanh toán được thực hiện theo hình thức nạp tiền vào tài khoản sau đó trừ dần.
Cước phí cho thuê dịch vụ khởi điểm là 3.000 đồng cho 10 phút đầu tiên, mỗi 5 phút tiếp theo là 1.500 đồng. Thời gian trung bình cho một lần sử dụng khoảng 15-20 phút, tương đương khoảng 4.500-6.000 đồng/lượt. Dự kiến sẽ miễn phí hoàn toàn cho người dân sử dụng trong thời gian từ 1-3 tháng tùy tình hình để khuyến khích người dân sử dụng.
Trong giai đoạn thí điểm tại khu vực Q.1, Công ty dự kiến đầu tư 1.000 xe gắn máy điện bố trí tại 74 vị trí trên vỉa hè. Mỗi vị trí rộng khoảng 6-10m2, bố trí từ 12-20 xe. Mỗi vị trí cách nhau 200-300m.
Sau khi triển khai thí điểm ở Q.1, công ty IOT dự kiến mở rộng ra toàn TP với 50.000 xe vào cuối năm thứ 3 hoạt động.
Hồi tháng 4, Sở GTVT TP HCM cũng cho biết đang chuẩn bị thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại trung tâm thành phố để thu hút người dân sử dụng xe buýt. Mọi người không phải đi bộ mà lấy xe đạp di chuyển từ trạm này đến trạm khác để đón xe buýt.
Trước đó, hồi tháng 1, hãng xe Mai Linh và Sở GTVT TP.HCM cũng đã khai trương tuyến xe buýt điện không trợ giá, sử dụng xe 14 chỗ ngồi chạy điện.
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay mô hình cung cấp xe công cộng đang phát triển tại các nước trong khu vực. Tại Trung Quốc, xe điện và xe đạp đang chiếm 44% tỷ lệ sử dụng phương tiện trong nội thành. Tại các nước châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với truyền thống lâu đời sử dụng xe đạp công cộng cũng đã phát triển thêm xe điện công cộng để phục vụ người dân.
Chúc Di (t/h)