Đề phòng vỡ mạch máu não trong ngày nắng nóng
Những ngày qua, thông tin về nắng nóng, tia cực tím vượt ngưỡng có thể gây bệnh về da, hô hấp tăng. Các bác sĩ khuyến cáo người dân trong những ngày nắng nóng đề phòng đột quỵ, viêm não…
Đề phòng sốc nhiệt, đột quỵ, viêm não
Theo BS Nguyễn Văn Chi – phó trưởng khoa cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), người già và trẻ em là 2 nhóm dễ gặp bất lợi sức khỏe nhất trong những ngày nắng nóng. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đột quỵ không phải do nắng nóng, nhưng nhiệt độ cao là yếu tố ảnh hưởng bất lợi cho bệnh nhân cao huyết áp và từ đó dẫn đến đột quỵ.
Mới đầu mùa nắng nóng ở Hà Nội nhưng đã có một ca tử vong do phình và vỡ mạch máu não, bệnh nhân là một thanh niên mới ngoài 30 tuổi.
BS Chi cũng cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện gia tăng khoảng 20%. Người già đã có bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp và trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trong thời tiết này.
Trong đó, ngoài đột quỵ, tình trạng sốc nhiệt, lả nhiệt do nắng nóng, viêm phổi, viêm đường hô hấp cũng dễ xảy ra nếu không được bù đủ nước (2-3 lít nước/ngày). Trẻ chạy chơi ngoài nắng nóng, người già đứng lâu ngoài trời nắng cũng dễ bị sốc nhiệt…
BS Chi khuyến cáo tùy nhu cầu cá nhân nhưng không để khát nước và mỗi người nên dùng 2-3 lít nước/ngày. Chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng và ngoài trời cũng không nên quá 4-6 độ C.
10 lời khuyên tránh sốc nhiệt
Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt và kéo dài có thể gây ra các bệnh do sốc nhiệt nghiêm trọng, bao gồm chuột rút do nóng, kiệt sức vì nóng và say nắng. Sốc nhiệt có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, một số người có nguy cơ cao gồm những người trên 65 tuổi, bị bệnh mãn tính hoặc khuyết tật.
Trong những ngày này, nhiều người có thể phải nhập viện. Với những nhà không sử dụng máy lạnh, nên chú ý các điều sau:
1. Sử dụng quạt để thúc đẩy lưu thông không khí trong nhà. Mở cửa và mở quạt hút để đẩy không khí nóng ban ngày ra ngoài và hút không khí mát của buổi tối vào nhà. Vào buổi tối mát mẻ, mở tất cả các cửa sổ, thúc đẩy lưu thông không khí càng nhiều càng tốt.
Khi mặt trời mọc, hãy đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ, kéo kín rèm cửa để giữ cho trong nhà mát mẻ càng lâu càng tốt. Khi không khí bên ngoài nguội đi (thường là vào chiều tối hoặc ban đêm), hãy mở cửa sổ và bật lại quạt.
2. Tận dụng sức mạnh làm mát của nước. Đổ đầy xô hoặc chậu và ngâm chân vào. Khăn ướt có tác dụng làm mát khi đeo trên vai hoặc đầu. Tắm vòi sen hoặc tắm mát và có thể sử dụng một bình xịt chứa đầy nước lạnh để làm mát không khí trong nhà.
3. Đi xuống phía dưới. Khi không khí nóng tăng lên, tránh ở những tầng phía trên. Nên xuống tầng phía dưới hoặc xuống một tầng hầm có thể là nơi ẩn náu mát mẻ tránh xa cái nóng gay gắt giữa trưa.
4. Loại bỏ bớt các nguồn nhiệt không cần thiết. Bóng đèn có thể tạo ra nhiệt, máy tính hoặc bếp gas, bếp điện, lò vi sóng, lò nướng…
5. Uống nước đầy đủ, có thể phải uống nhiều nước khi trời nóng. Chú ý bổ sung nước cho người lớn tuổi. Nếu đổ mồ hôi nhiều, cần bổ sung chất điện giải bằng cách ăn một lượng nhỏ thức ăn dạng lỏng như canh, xúp… hoặc uống thức uống thay thế điện giải. Khát nước là dấu hiệu mất nước cần chú ý.
6. Tránh đồ uống có cồn và caffein, vì cả hai chất này có thể hoạt động như thuốc lợi tiểu và thúc đẩy mất nước.
7. Có thể dùng máy “điều hòa không khí” tự chế, nghĩa là hãy đặt trước đường đi của cây quạt một khay nước đá để hơi mát được thổi ra và tự làm mát không khí trong nhà.
8. Nếu không thể chịu đựng khí nóng ở nhà, nên đến các nơi công cộng có máy lạnh trong những giờ nóng nhất trong ngày như thư viện, siêu thị, trung tâm mua sắm và rạp chiếu phim có thể là những nơi tốt nhất để trốn sốc nhiệt.
9. Khi nhiệt độ tăng cao, đừng nên ăn những bữa ăn giàu protein và chất béo vì có thể làm tăng sự trao đổi chất và làm tăng nhiệt độ cơ thể.
10. Nên chú ý vật nuôi trong nhà cũng phải chịu đựng sức nóng khi nhiệt độ tăng cao. Chó, thỏ, mèo cũng cần cho chúng tắm “mát” để giảm nhiệt độ cơ thể. Các bệnh dịch thường xảy ra trong thời tiết nóng bức.
Để ý các dấu hiệu khác thường từ động vật như thở hổn hển, mở to mắt, chảy nước dãi, da nóng, co giật cơ bắp, nôn và lảo đảo. Gọi bác sĩ thú y để có hướng xử trí. Tránh để chúng chạy ra đường cắn người gây bệnh.
Theo Tuoitre