ĐCSTQ dùng Facebook quảng bá bản thân trong khi cấm dân sử dụng
Facebook bị cấm kể từ năm 2009 và bị gán nhãn là “công cụ tuyên truyền được các thế lực thù địch phương Tây sử dụng để gây bất ổn cho Trung Quốc”, thế nhưng liệu người dân Trung Quốc có biết rằng, ĐCSTQ đang sử dụng Facebook như một kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả ở nước ngoài?
Kể từ năm 2009, Facebook bị cấm ở Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ gán nhãn Facebook, Twitter và YouTube là “công cụ tuyên truyền được các thế lực thù địch phương Tây sử dụng để gây bất ổn cho Trung Quốc” và nói rằng “đảm bảo khả năng ngăn chặn và chống lại các cuộc tấn công trực tuyến là điều cần thiết”.
Trong quý II năm 2017, có hơn 2 tỷ người dùng truy cập vào Facebook. Trái với việc người dùng Internet ở Trung Quốc đại lục không thể truy cập vào các phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu này thì ĐCSTQ lại là nhà quảng cáo lớn nhất châu Á. Trung Quốc dùng các quảng cáo này với mục đích mở rộng những chiến dịch tuyên truyền ra cộng đồng quốc tế.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Trung Quốc tháng 11 vừa qua, Trung Quốc cùng với các sản phẩm tuyên truyền của mình đã trở thành tâm điểm được chú ý.
Theo New York Times, cứ mỗi quý, ĐCSTQ sẽ chi hàng trăm ngàn USD mua quảng cáo trên Facebook và xem Facebook là công cụ hiệu quả để tuyên truyền và gây ảnh hưởng đến dư luận quốc tế về hình ảnh của mình.
Khi mở trang Facebook của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hoặc Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn của ĐCSTQ, người ta có thể thấy hàng nghìn bài đăng tiếng Anh dành cho độc giả.
Các bài viết này sao chép các tin tức phát sóng trong nước. Do đó, các bài viết luôn nhấn mạnh “sự thịnh vượng và điều kiện xã hội ổn định” ở Trung Quốc, đồng thời làm nổi bật cái gọi là “hỗn loạn và bạo lực” ở các nơi khác trên thế giới.
Đồng thời, theo nghiên cứu của Đại học Harvard, mỗi năm ước tính có khoảng 488 triệu bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội được ĐCSTQ cố ý làm ra để đánh lạc hướng dân chúng khiến họ sao lãng sự chú ý đến các vấn đề nhạy cảm.
Mặc dù ĐCSTQ luôn nói rằng muốn giao lưu với thế giới, nhưng vẫn kìm tỏa nhân dân không cho tiếp cận với các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook nhằm ngăn chặn ảnh hưởng từ nước ngoài. Trong khi đó, ĐCSTQ sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội này để tăng cường ảnh hưởng tới các nước khác.
Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng đã thiết lập các kênh đặc biệt trên Facebook dành cho các nước Châu Phi, cho thấy rằng ĐCSTQ dự định cung cấp một phương tiện truyền thông xã hội thay thế cho các phương tiện truyền thông của phương Tây để thu hút một lượng khán giả toàn cầu rộng lớn hơn.
Bạch Vân, theo Visiontimes