ĐCSTQ bôi nhọ người biểu tình Hồng Kông bằng những “kỹ xảo” vụng về
Phong trào biểu tình phản đối luật dẫn độ của người Hồng Kông vẫn tiếp tục leo thang. Trên mạng xã hội Twitter thời gian này cũng xuất hiện một lượng lớn bình luận bôi nhọ người biểu tình. Những tài khoản này được cho là do chính quyền Trung Quốc kiểm soát.
Luật dẫn độ ở Hồng Kông đã kiên trì qua hơn ba tháng, thỉnh thoảng xảy ra vài chuyện bạo động đổ máu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa lợi dụng truyền thông để xuyên tạc, bôi nhọ hình tượng những người biểu tình, vừa dùng quân đội trên mạng “vượt tường lửa” để rửa sạch dấu vết.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết chính phủ Trung Quốc thao túng nội dung trên mạng Internet. Không chỉ kiểm duyệt gắt gao nội dung đăng tải, chính quyền nước này còn sử dụng hàng trăm nghìn người, được gọi là đội quân 50 xu, để tạo những bình luận giả trên mạng.
Ngày 20/9, gã khổng lồ Twitter công bố một số tài khoản “vi phạm giá trị Twitter và chính sách hoạt động của Twitter”, tổng cộng là 10.112 tài khoản được cho là “nhà nước đứng sau” sẽ bị vĩnh viễn ngừng hoạt động, trong đó riêng số tài khoản thuộc Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) là 4301 tài khoản.
Twitter cáo buộc rằng những tài khoản Trung Quốc này “khiêu khích gây mâu thuẫn trong chiến dịch biểu tình tại Hồng Kông”. Twitter cũng cho biết, trong tháng 8, công ty đã phát hiện hơn 200.000 tài khoản giả từ Trung Quốc, những tài khoản này cũng “gây bất hòa” liên quan đến chiến dịch biểu tình ở Hồng Kông, “làm rối trật tự chính trị Hồng Kông”.
Trước đó, ngày 18/9, tờ “New York Times” của Mỹ báo cáo, gần đây trên Twitter lại có một số lượng lớn tài khoản ‘khiêu khích’, đây rõ ràng là những tài khoản được mua trong “thị trường đen”, nhằm mở rộng tuyên truyền những điều mà ĐCSTQ đã công bố.
Theo báo cáo, những tài khoản này có hơn 55 loại ngôn ngữ, bao gồm tiếng Indonesia, tiếng Ả Rập, tiếng Bồ Đào Nha…, trong đó nhiều tài khoản từ năm 2017 đã bắt đầu tuyên truyền cho ĐCSTQ.
Ví dụ, một tài khoản Twitter có tên “@Hkpoliticalnew” vào tháng 6/2018 từng bình luận về giải đấu quần vợt Wimbledon, nhưng sau đó đột nhiên dùng tiếng Trung để thảo luận về Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục. Đến mùa hè năm 2019 thì lại cập nhật một bức ảnh chỉ dẫn những nghịch lý trong “luật dẫn độ”. Trong đó có viết: “Độc lập Hồng Kông là đường chết, nhưng vẫn có người cạnh tranh để nhảy vào hố lửa, thật đáng thương” hay “Mỹ giúp đỡ Hồng Kông độc lập” v..v…
Một tài khoản Twitter khác tên “@derrickmcnabbx” dùng tiếng Trung viết: “Là một người Hồng Kông yêu Hồng Kông, tôi thật hoài niệm Hồng Kông thời xưa khi còn phát triển và pháp trị”. Tài khoản này để vị trí là “Georgia – Mỹ”, trước đó tài khoản này thường tweet những nội dung liên quan đến khiêu dâm.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc cho biết trong một báo cáo rằng, những tài khoản này đã gửi hơn 3.600.000 tweet, nhưng thao tác vụng về. Trước khi có phong trào biểu tình Hồng Kông, họ còn bôi nhọ những người Trung Quốc bất đồng ý kiến.
Theo các thống kê, những tài khoản này chủ yếu gửi tweet vào những ngày làm việc, còn có vài tài khoản thiết lập thời gian đăng bài, nghĩa là những nội dung liên quan đều có máy tự động để lại bình luận, một số tài khoản ban đầu là có thật, nhưng sau đó lại bị người khác kiểm soát.
Thực tế là, việc ĐCSTQ sử dụng đội quân 50 xu trên mạng Internet để tuyên truyền cho chính phủ cũng không phải là chuyện gì mới. Năm 2013, bộ quản lý tuyên truyền Trung Quốc đã từng chỉ ra, Bắc Kinh có hơn 2.000.000 người đang “Tăng cường chỉ đạo bình luận trên mạng xã hội”.
Gần đây, khi phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông trở nên mạnh mẽ, phía Trung Quốc mới lần nữa thao túng dân cư mạng bằng việc phát động “Cuộc chiến tin tức giả mạo”.
Ví dụ, khi người Hồng Kông biểu tình ở Tsim Sha Tsui, Sha Tin, Tai Po và Hung Hom vào ngày 10/8, phía truyền thông Trung Quốc là tờ “Nhân Dân Nhật Báo” đã đưa ra thông điệp bên Wechat rằng, toàn bộ dân Hồng Kông kêu gọi ngừng bạo lực.
Khi một người phụ nữ Hồng Kông bị cảnh sát dùng đạn túi đậu bắn vào, khiến mắt phải bị mù, CCTV lại báo rằng nguyên do người phụ nữ đó bị mù mắt không phải do cảnh sát bắn túi đậu gây nên, mà là do “đồng đội ngu ngốc” của cô ấy làm bị thương, vv..
Đáng lưu ý là, ĐCSTQ ngoài việc tạo ra dư luận dẫn dắt, “lửa đạn” của lãnh sự quán nước ngoài cũng tương đối khốc liệt, bao gồm các lãnh sự quán Trung Quốc ở Anh, Canada, liên minh Châu Âu, Mỹ và Úc, đều từng phát ngôn công kích “lập trường” của chính phủ quốc gia cư trú, thậm chí đe dọa nhà lãnh đạo của đất nước đó ngôn từ phải thận trọng, để tránh gây tổn hại đến mối quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhiều lần mô tả các cuộc biểu tình này là do Hồng Kông bị các thế lực nước ngoài kích động. Những dòng tin này hết sức thịnh hành trên các tờ báo thân Trung Quốc của Hồng Kông, Nhân dân Nhật báo hay Thời báo Hoàn cầu, hầu hết dẫn hướng dư luận rằng đây là do sự thúc đẩy của chính quyền Mỹ.
Thời báo Hoàn cầu, ấn bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ cũng đăng nhiều bài xã luận chỉ trích “can thiệp của Mỹ tới Hồng Kông”. Ngày 17/6, tờ báo này thậm chí còn liên kết các cuộc biểu tình ở Hồng Kông với thương chiến Mỹ-Trung đang diễn ra. Thậm chí, hàng loạt báo của ĐCSTQ ở Bắc Kinh và Thượng Hải còn đăng các bài nêu cao quyết tâm “không lùi bước”, “chiến đấu đến cùng” với Mỹ.
ChinaDaily, tờ báo phát hành khoảng 600.000 bản ở nước ngoài không hề đưa tin về vụ việc biểu tình của hơn 2 triệu người Hồng Kông. Đáng chú ý là ngày 17/6, ChinaDaily xuất bản bài viết có tiêu đề “Các bậc cha mẹ Hồng Kông biểu tình chống lại sự can thiệp của Mỹ”, đưa tin về việc ngày 16/6, các bậc phụ huynh ở Hồng Kông “kéo xuống đường biểu tình kêu gọi các chính trị gia Mỹ đừng can dự vào luật dẫn độ nơi này”. Bản tin này khiến những người theo dõi tình hình Hồng Kông ở bên ngoài Trung Quốc kinh ngạc không thốt nên lời.
Gia Hưng (Theo Secretchina)