Đấu trường sinh tử giữa phe “Thái tử Đảng” và “nhị Trương nhất Lưu” (P.2)
Chính trường Trung Quốc hiện đang là cuộc đấu đá không khoan nhượng giữa 7 Ủy viên thường trực của Bộ Chính trị. Trong đó có 3 người thuộc phe của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và 3 người thuộc phe của Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình.
Báo chí chỉ đích danh ông Trương Đức Giang trên trang nhất
Nhân kỷ niệm 2 năm cuộc biểu tình “Chiếm Trung tâm” của sinh viên và người dân Hồng Kông, vào ngày 28/9, trang Sing Pao của Hồng Kông có bài viết với tựa đề “Đòn chí mạng của Trương Đức Giang, quyết định 31/8 dẫn đến sự kiện chiếm trung tâm” nêu rõ nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình này là “Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc” do ông Trương Đức Giang làm Chủ tịch đã quyết định thông qua “Quyết định cải cách bầu cử 31/8”.
Theo đó người Hồng Kông có thể bầu ra vị trí trưởng đặc khu vào năm 2017 miễn là một hội đồng do Bắc Kinh kiểm soát sẽ đề cử các ứng viên. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của người dân Hồng Kông, họ yêu cầu “bầu cử phổ thông đúng nghĩa” và sau đó đã nổ ra cuộc biểu tình.
Đồng thời bài báo còn nhắc đến việc khi ông Trương Đức Giang làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông năm 2002, tại đây đã xảy ra dịch bệnh SARS rất nghiêm trọng. Ông Trương đã chỉ đạo giấu nhẹm thông tin không báo cáo, đến khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng không giấu được nữa mới báo cáo lên, nhưng cắt bớt số liệu một nửa so với thực tế.
Lúc đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Trương Văn Khang và Trưởng phòng Y tế tỉnh Quảng Đông Hoàng Khánh Đạo vì nghe theo mệnh lệnh của ông Trương Đức Giang mà đều bị mất chức. Trong khi đó, bản thân ông này nhờ cùng phe cánh với ông Giang Trạch Dân mà được bao che nên không bị truy cứu trách nhiệm.
Trước đó, tờ báo Tiền Tiêu của Hồng Kông số Tháng 1/2015 tiết lộ rằng khi các băng đảng xã hội đen ở Hồng Kông tìm cách đánh đập các sinh viên tham gia biểu tình “Chiếm Trung tâm” ở Hồng Kông, ông Tập Cận Bình đã xác định được chính ông Trương Đức Giang và ông Lương Chấn anh đã dùng băng đảng xã hội đen để làm việc này.
Trong một cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia vào cuối Tháng 10/2014, ông Tập Cận Bình đã chỉ trích thẳng ông Trương Đức Giang và ông Lương Chấn Anh: “Sử dụng cái thủ đoạn bất văn minh để đối phó với ‘Chiếm Trung tâm’, mấy người cũng nên tự biết xấu hổ chứ!”.
Không chỉ có bài báo này, từ ngày 28/9 đến ngày 4/10, tờ Sing Pao đưa liên tiếp 4 bài nhắm vào ông Trương Đức Giang.
Việc một tờ báo thân Trung Quốc ở Hồng Kông làm ra những động thái bất thường như vậy cho thấy Trung Nam Hải đang có một trận chiến quyền lực tại cao tầng, ông Trương Đức Giang khó có thể “hạ cánh” an toàn.
Các bài của Sing Pao cũng đề cập đến việc ông Trương trục lợi từ Công ty Hàng Không Thâm Quyến, thực hiện nhiều chính sách sai lầm dẫn đến phong trào biểu tình “Chiếm Trung tâm”.
Ngày 7/10, trang Boxun đăng bài phân tích nguyên nhân vì sao ông Tập Cận Bình lại đánh động ông Trương Đức Giang.
Bài viết phân tích Ông Trương Đức Giang là một trong 7 Thường ủy viên Bộ Chính trị, lại liên tục khiêu chiến với ông Tập Cận Bình. Ngay lần họp Ủy ban Thường vụ đầu tiên, ông Trương Đức Giang đã đề nghị thực hành chế độ tập thể quyết định quyết sách, thể hiện rõ sự bất mãn đối với việc ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực.
Về việc này, ông Trình Kinh Vĩ, nhà quan sát thời sự chính trị độc lập tại hải ngoại nhận định: “Ông Trương Đức Giang đề nghị như vậy thực chất là muốn quay lại như thời Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo, mỗi Thường ủy viên có một phiếu. Ông Tập Cận Bình dĩ nhiên không thể chấp nhận chuyện này. Đằng sau nguyên nhân thúc đẩy ông Trương Đức Giang rất có thể là ý muốn của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân. Ông này muốn rải đường cho việc điều khiển chính trị từ xa, muốn biến ông Tập Cận Bình thành phiên bản của ông Hồ Cẩm Đào bị khống chế quyền lực”.
Bài viết còn tiết lộ thông tin, khi tại Hồng Kông diễn ra các cuộc vận động dân chủ và bầu cử phổ thông, các ông như Trương Hiểu Minh, Lương Chấn Anh và Trương Đức Giang đã yêu cầu sử dụng vũ lực để trấn áp. Dự toán số người chết của kế hoạch này nếu triển khai là 500 người, thế nhưng kế hoạch này hoàn toàn không phù hợp với chủ trương của ông Tập Cận Bình.
Tương lai xám xịt của Trương Cao Lệ
Giống nhiều đàn em thân tín khác của ông Giang Trạch Dân như Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, con đường hoạn lộ của ông Trương Cao Lệ rộng thênh thang nhờ đàn áp Pháp Luân Công. Thế nhưng đến nay tương lai của vị Phó Thủ tướng này trở nên xám xịt trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
Thời gian qua, nhiều quan chức là vây cánh và tay chân của ông Trương Cao Lệ bị ngã ngựa như:
- Cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Thành phố Thiên Tân Mã Bạch Ngọc, mệnh danh là tổng quản của ông Trương Cao Lệ;
- Cục trưởng Tổng cục An ninh Quốc gia, từng nhiều năm là Phó thị trưởng Thiên Tân, ông Dương Đống Lương;
- Phó thị trưởng Thiên Tân Doãn Hải Lâm;
- Thị trưởng Thiên Tân Hoàng Hưng Quốc; v.v…
Những quan chức này khi bị bắt đã khai ra rất nhiều những sự vụ có liên quan đến ông Trương Cao Lệ, chính vì thế mà tương lai của ông này hiện cũng rất mong manh.
Qua điều tra từ đàn em của ông Trương Cao Lệ, nhiều bí mật được vén mở. Vào năm 2007 khi còn là bí thư tỉnh Thiên Tân, ông này đã tiến hành “đại khai phát, đại đầu tư” đối với khu Tân Hải với những dự án bất động sản và công trình lọc dầu rất lớn.
Tuy nhiên xảy ra hiện tượng quan chức bắt tay tư thương kiếm lợi nên nhiều dự án đổ bể. Ví dụ như dự án 60 tỷ nhân dân tệ phát triển khu Trung tâm Kinh tế CBD ở Tân Hải, bị truyền thông Đại Lục gọi là hoang địa, còn tập đoàn Đầu tư Kiến thiết Tân Hải Thiên Tân chịu trách nhiệm chính phát triển dự án thì gánh một món nợ khổng lồ. Tháng 4/2014, Tổng giám đốc của Công ty Đầu tư Phát triển Khu kinh tế Thiên Tân TEDA là Lưu Huệ Văn đã tự sát.
Theo một nguồn tin tiết lộ, Tháng 2/2014 trong một buổi họp nhóm chịu trách nhiệm cấp cao của quốc vụ viện, Phó Thủ tướng Uông Dương từng nói Thiên Tân gánh món nợ trái phiếu hơn 5.000 tỷ nhân dân tệ, thực tế là đã phá sản, giờ có truy cứu trách nhiệm thì cũng quá muộn.
Tháng 7/2014, tổ tuần tra trung ương đã kiểm tra Thiên Tân và phát hiện: “Các vụ án lớn và nghiêm trọng ở các xí nghiệp quốc hữu liên tục xuất hiện. Có nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng trong lĩnh vực phát triển thành thị. Tham nhũng tại cơ sở hạ tầng nông thôn không kiểm soát nổi. Vi phạm kỷ luật và pháp luật gây nhiều hậu quả nghiêm trọng”.
Cuối năm 2014, trang báo mạng của Đài truyền hình Phoenix ở Hồng Kông từng đăng bài viết nói về hậu quả của chính sách “đổi đất lấy nhà”. Chính sách này chẳng qua chỉ là danh nghĩa nhằm chiếm dụng đất phi pháp được hợp thức hóa. Do đất đai là món lợi khổng lồ, nhiều quan chức địa phương đều bị cuốn vào vòng xoáy của tham nhũng tràn lan, dẫn đến các trường hợp cưỡng chế chiếm đất, gây ra nhiều bi kịch cho rất nhiều gia đình ở địa phương.
Bài viết cũng phân tích, Thiên Tân nhờ đô thị hóa mà trong 20 năm đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên cái giá phải trả vượt quá lợi ích thu được. Nông dân mất đi kế sinh nhai, nhiều chính quyền địa phương gánh những món nợ công rất lớn, các khu vực rộng lớn như Dương Thôn ở khu Võ Thành, Hương Diệp Loan ở khu Tân Hải, Đông Lệ Hồ ở khu Đông Lệ v.v… do sử dụng yếu kém nên trở thành những “thành phố ma” nổi tiếng ở Đại Lục.
Vào Tháng 8/2015 một tiếng nổ cực lớn vang lên tại một nhà máy hóa chất ở Thiên Tân. Thông tin từ chính quyền thành phố Thiên Tân cho biết có 50 người chết và 700 người bị thương, nhưng nhiều người dân chứng kiến vụ nổ cho rằng số người chết có thể nhiều hơn.
Sau đó, nhiều chứng cớ cho thấy vụ nổ nhà máy hóa chất ở Thiên Tân là để xóa đi bằng chứng ám sát ông Tập Cận Bình bất thành trước đó.
Vụ nổ ở Thiên Tân cho thấy mâu thuẫn giữa hai phe nội bộ ĐCSTQ bị đẩy đến cực điểm. Ông Tập Cận Bình càng truy bắt quan chức tham nhũng thì phe cánh ông Giang Trạch Dân càng ráo riết ám sát và chính biến để hạ thủ ông Tập. Sau Đại hội 18 đã có 6 lần âm mưu ám sát Tập Cận Bình nhưng đều bất thành, đây đã trở thành cuộc chiến một mất một còn.
Sau vụ nổ ở Thiên Tân, ông Tập Cận Bình đã có 2 đêm không ngủ, sau đó ra lệnh quản thúc 2 cha con Giang Trạch Dân. Thế nhưng các kết quả điều tra cho thấy trong vụ nổ này dường như có bàn tay của ông Trương Cao Lệ nhúng vào.
Nhà máy hóa chất nơi xảy ra vụ nổ thuộc Công ty Thụy Hải, mà ông chủ của công ty này là thông gia của ông Trương Cao Lệ.
Một nguồn tin cho biết, dù bí mật không đứng tên trong thành viên hội đồng quản trị, nhưng thông gia của ông Trương Cao Lệ nhờ người khác đứng tên và là ông chủ thực sự của công ty này.
Trong thời gian ông Trương còn là Bí thư tỉnh Thiên Tân đã giúp cho thông gia của mình lách qua giám sát thẩm tra của Bộ Bảo vệ Môi trường để có được giấy phép thiết lập nhà kho tồn trữ hóa chất.
Theo quy định của Bộ Ngoại vụ, việc thành lập xí nghiệp tồn trữ hóa chất nguy hiểm, phải nộp đơn xin Ngành Quản lý Mậu dịch Kinh tế cấp một của tỉnh và Phòng Giám sát An toàn cấp thành phố của khu vực đó.
Công ty Thụy Hải không có giấy chứng nhận kinh doanh sản phẩm hóa học nguy hiểm, nhưng nhờ ông Trương mà có được giấy phép để làm kho chứa.
Nhiều bài báo tiếng Trung trong và ngoài Trung Quốc cũng nêu việc ông Trương Cao Lệ có dính đến tham ô những khoản tiền lớn và bê bối chính trị.
Sau khi một loạt đàn em của ông này ngã ngựa, hiện nay các chứng cứ phạm tội của ông đang được thu thập, và xem ra ông Trương Cao Lệ cũng khó có thể hạ cánh an toàn.
Những dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình từ nới lỏng đến bãi bỏ việc cấm tập Pháp Luân Công
Đàn áp Pháp Luân Công là chủ trương của ông Giang Trạch Dân, “tay chân” của ông này nhờ phạm tội ác đàn áp Pháp Luân Công mà được thăng quan tiến chức. Thế nhưng việc đàn áp Pháp Luân Công không phải là điều mà ông Tập Cận Bình mong muốn.
Từ khi nắm quyền, ông Tập đã nói bóng gió rằng chính sách đàn áp Pháp Luân Công của ông Giang Trạch Dân đã không còn phù hợp, và “văn hoá tham nhũng” sản sinh dưới thời ông Giang sẽ sớm chấm dứt.
Ông Tân Tử Lăng là cựu giám đốc Nhà xuất bản học viện quân sự Trung Quốc, và cũng là tác giản cuốn sách nổi tiếng “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội”. Khi phiên họp thứ 6 của ĐCSTQ đang diễn ra, ông Lăng đã trả lời phỏng vấn đài VOA rằng: Trung Quốc sẽ không thể tiến triển trong việc giải oan cho sinh viên Thiên An Môn 1989 cũng như giải oan cho các học viên Pháp Luân Công khi mà Giang Trạch Dân vẫn còn đó.
Ông cũng khẳng định rằng ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ giải quyết vấn đề Thiên An Môn và Pháp Luân Công khi đã trở thành “lãnh đạo hạt nhân”.
Theo thông tin từ trang Minh Huệ, tính đến nay đã có khoảng 1,5 triệu người Trung Quốc khởi kiện ông Giang Trạch Dân lên Tòa án tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Các cơ quan tư pháp này đã nhận đơn khiếu nại. Ông Tập Cận Bình hiểu rằng không thể cứ mãi mang theo gánh nặng tội ác của ông Giang mà đi về phía trước, ông ta hiểu rõ vấn đề này.
Trước ngày kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện 25/4 tại Trung Nam Hải của Pháp Luân Công năm 2016, chính quyền ông Tập Cận Bình đã miễn chức vụ của ông Trương Việt, cựu Bí thư Ban Chính pháp tỉnh Hà Bắc và bắt điều tra một loạt cục Trưởng cục Công an. Những người này đều có liên quan đến việc đàn áp Pháp Luân Công.
Vào ngày 18/7/2016, Hội nghị toàn quốc cải cách tư pháp được tổ chức tại nơi khai sinh Pháp Luân Công là thành phố Trường Xuân. Tại hội nghị đã đưa ra một hệ thống truy cứu trách nhiệm toàn diện hơn với công tác điều tra. Ông Mạnh Kiến Trụ, Bí thư Ban Tư Pháp Trung Ương đã nhấn mạnh: “Yêu cầu kiện toàn chế độ để tránh có án sai, đối với các án sai trong quá khứ sẽ sửa chữa dựa trên pháp luật mới hiện hành, yêu cầu tìm rõ căn nguyên, tránh lặp lại sai lầm cũ”.
Vào ngày 19/7, ông Tập Cận Bình đến thăm các hoạt động tôn giáo ở thành phố Ngân Xuyên và phát biểu rằng, các nhóm dân tộc và tôn giáo khác nhau của Trung Quốc chính là văn minh 5.000 của Trung Hoa, sẽ liên tục phát triển sinh sôi không ngừng, không thể có chuyện bị tàn lụi.
Theo trang Minh Huệ đưa tin, vào thời điểm Tháng 8/2016 một văn bản cơ mật được gửi từ trung ương đến từng địa phương với nội dung như sau: “Từ tháng 7/1999 đến nay, việc đàn áp học viên Pháp Luân Công đã kéo dài được 17 năm. Trong 17 năm này, những người tu cũng như con cái và người thân của họ đã phải gánh chịu nhiều đối đãi bất công, ví dụ như con cái không được phép tham gia quân đội, không được nhận chức vụ, ảnh hưởng đến việc lên lớp v.v… Về phương diện này, từ nay trở đi có thể dần dần được ‘giải thoát'”.
Nhà bình luận Trung Quốc Hạ Tiểu Cường nhận xét rằng: “Văn kiện cho thấy chính quyền hiện tại của Trung Quốc không có cùng thái độ với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (người phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công) trong vấn đề này. Văn kiện đã xác nhận những học viên Pháp Luân Công và con cái cũng như người thân của họ phải chịu ‘đối đãi bất công’, chính là thừa nhận ĐCSTQ đã làm sai, phủ nhận chính sách do ông Giang Trạch Dân đề ra phải ‘bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể’ để bức hại Pháp Luân Công”.
Từ khi Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc, việc cấm đoán Pháp Luân Công được nới lỏng dần dần, tại một số địa phương, người tập Pháp Luân Công đã bắt đầu ra công viên tập công khai, tỷ lệ thuận theo cao trào “đả hổ diệt ruồi”. Cứ theo đà này, khi những con hổ to nhất thuộc phe ông Giang Trạch Dân trong Bộ Chính trị bị rớt đài, thì có lẽ cũng chẳng còn lý do gì để cấm đoán môn khí công này nữa.
Theo trithucvn.net