Dấu chân 5,7 triệu năm tuổi ở Hy Lạp thách thức thuyết tiến hóa
Những dấu chân của tổ tiên loài người có niên đại tới 5,7 triệu năm tuổi được phát hiện ở đảo Crete, Hy Lạp đã đặt ra một thách thức lớn đối với thuyết tiến hóa của loài người.
Kể từ khi hóa thạch của người Australopithecus được phát hiện ở Nam và Đông Phi cách đây 60 năm, nguồn gốc của nhân loại được cho là bắt nguồn từ Phi Châu.
Và phát hiện mới trên đảo Crete, Hy Lạp, có thể làm thay đổi lịch sử phát triển của nhân loại chúng ta. Vấn đề chủ yếu là các học giả chính thống đều cho rằng những con người đầu tiên của nhân loại không những có nguồn gốc từ Châu Phi mà họ còn ở đó vài triệu năm trước khi phân tán sang châu Á và châu Âu.
Tuy nhiên, nghiên cứu được xuất bản với tên gọi Proceedings of the Geologists’ Association của một nhóm chuyên gia quốc tế đã phát hiện những dấu chân con người xuất hiện ở đảo Crete, được cho là có niên đại khoảng 5,7 triệu năm tuổi. Ước tính này đã gây ra nhiều tranh cãi. Trước hết, vì theo các học thuyết chính thống, cách đây 5,7 triệu năm, tổ tiên chúng ta vẫn chỉ sinh sống ở Châu Phi. Họ cũng lập luận rằng, trong thời gian đó, tổ tiên chúng ta có bàn chân phát triển giống vượn hơn là người hiện đại.
Thế nhưng những dấu chân này rất đặc biệt, khác hoàn toàn với các động vật trên cạn khác ở thời điểm đó. Bàn chân thon dài, 5 ngón chân ngắn, không hề có móng vuốt và có một ngón chân to hơn so với những ngón chân còn lại. Ngón chân cái của hóa thạch ở Crete có hình dạng và kích thước giống y hệt của chúng ta hiện nay, điều không bao giờ có trong vết chân của loài khỉ.
Hơn nữa, bàn chân của người cổ sống gần chúng ta nhất trong quá khứ có ngón chân cái giống như ngón tay cái, tức là chĩa hẳn sang 1 hướng khác với các ngón còn lại.
Chiểu theo thuyết tiến hóa, các nhà nghiên cứu đã mô tả về mẫu vật này và lập luận rằng đây là tổ tiên của con người, nhưng bàn chân của họ vào thời điểm đó chưa thể phát triển giống với con người hiện đại.
Tuy nhiên, ngày nay chúng ta lại phát hiện dấu chân 5,7 triệu năm tuổi trên đảo Crete và chúng có hình dạng tương tự như con người ngày nay: ngón cái có hình dạng, vị trí và kích thước bằng với của chúng ta, phần gót tương đối ngắn nhưng hình dạng chung là khá giống. Điều này cho thấy những dấu chân thuộc về một chủng người tiền sử xuất hiện từ rất xa xưa mà chúng ta vẫn chưa hề biết đến.
GS. Per Ahlberg thuộc Đại học Uppsala, tác giả cuối cùng của nghiên cứu, cho biết: “Điều gây tranh cãi chính là vị trí và niên đại của những dấu chân đáng kinh ngạc này”.
“Khám phá này đã thách thức các học thuyết về nguồn gốc loài người được hình thành trên thuyết tiến hóa và chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh luận. Dù vậy cộng động nghiên cứu nguồn gốc loài người vẫn sẽ công nhận những dấu chân được tìm thấy ở đảo Crete là một bằng chứng cho một chủng người nguyên thủy chưa từng được biết đến”, Ahlberg nói thêm.
Hoàng An biên dịch