“Đạo” trong đời sống của PGS. Văn Như Cương
“Điều mà cải cách giáo dục sắp tới của chúng ta muốn nhấn mạnh, tức là phải dạy con người, dạy người rồi mới dạy chữ. Phải giáo dục về nhân cách, khiến cho học sinh trở thành những công dân tử tế, không đòi hỏi gì hơn! Học sinh cần biết sống cao thượng, sống đẹp, biết thương yêu cộng đồng, rồi sau đó mới là kiến thức”.
Là một người thầy luôn tận tụy, mẫu mực và tâm huyết với học sinh, thầy Văn Như Cương được rất nhiều thế hệ học trò cũng như phụ huynh kính trọng. Thầy là chủ biên của bộ sách hình học Trung học phổ thông của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, đồng thời cũng là chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách nâng cao, sách tham khảo về chuyên ngành hình học cho cấp học phổ thông và đại học ở Việt Nam.
Đã hơn 80 tuổi, nhưng tâm huyết và trăn trở với nền giáo dục Việt Nam, với các thế hệ học trò của thầy vẫn luôn nguyên vẹn. Với thầy, giáo dục không chỉ đơn thuần là để dạy kiến thức, mà còn để truyền tải cho các trí thức tương lai cái “Đạo” làm người. Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, xin được gửi tới bạn đọc những đạo lý mà thầy Văn Như Cương luôn tâm niệm trong cuộc sống qua những lời chia sẻ mà thầy dành cho độc giả.
Thưa thầy, con được biết thầy sinh ra trong một gia đình có truyền thống dạy chữ Hán và nhiều đời làm nhà giáo, xin thầy có thể cho độc giả được biết sự khác biệt giữa nền giáo dục truyền thống xưa kia và nền giáo dục của chúng ta hiện tại.
Gia đình tôi nhiều đời làm nghề giáo, từ ông tôi, bố tôi, sau đó là anh chị em chúng tôi, và cả dâu rể nữa. Tôi lấy vợ cũng là giáo viên, đẻ ra ba con cũng làm nghề giáo, rồi cả cháu tôi nữa. Nói đến việc giáo dục thì thời xưa kiến thức cũng nằm trong sách vở cả, nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa xưa và nay nằm ở khoảng cách thầy trò.
Ngày xưa thầy được xem trọng lắm, thầy nói là đúng, thầy nói là phải nghe, gặp thầy thì đứng cách xa khoanh tay, đợi thầy đi ngang rồi thì mình mới được đi tiếp. Khoảng cách đó là rất lớn, và khiến cho việc giáo dục đưa tới học sinh bị hạn chế phần nào. Ngày nay cái khoảng cách đó càng ngày càng bé lại. Học sinh có thể tâm sự với thầy giáo, thầy giáo cũng có thể trao đổi với học sinh, về bất kể điều gì mà không chỉ là kiến thức.
Vì thế, thầy giáo và học trò đã gần gũi nhau hơn, mà cái sự gần gũi ấy là rất tốt cho giáo dục. Vậy nên theo tôi dù rằng trước kia và hiện nay đều có sự “tôn sư trọng đạo”, nhưng hai cái tôn vinh ấy là khác nhau. Ngày xưa xem thầy như bậc thánh, còn ngày nay thì xem thầy như một người bạn gần gũi có thể chia sẻ.
Đạo nghĩa thầy trò xưa và nay có vẻ khác nhau rất nhiều. Xin thầy chia sẻ cảm nghĩ của mình?
Người ta thường nói rằng đạo nghĩa thầy trò hiện nay đang bị thương mại hóa, nhưng nói như thế là không đúng đâu, chỉ có một bộ phận mà thôi. Không phải phụ huynh nào cũng đến biếu thầy quà, mà cũng không phải là phụ huynh nào cũng đến vì quyền lợi của con cái. Có rất nhiều học sinh ra khỏi trường rồi, vào đại học, đi làm mấy chục năm rồi, còn trở lại thăm thầy giáo. Những ngày tựu trường, ngày kỷ niệm, các em trở về chỉ vì muốn đến thăm thầy cũ. Tuyệt đại đa số tôi nghĩ rằng các em vẫn giữ được cái tinh thần tôn sư trọng đạo.
Mới đây khi tôi nằm bệnh viện thời gian dài, cũng khá là nguy kịch, thì học sinh và thầy cô giáo đến thăm. Tôi bảo các cô giáo chủ nhiệm hạn chế các em đến, vì bệnh viện thì chật, mà lại xa xôi. Nhưng các em vẫn đến, và khi đến thì cầm phong bì nói thế này: “Thưa thầy, đi thăm người bệnh mà chúng em không biết thầy thích ăn gì, nên chúng em nhờ cô là thầy thích gì thì cô mua cho thầy giùm chúng em”.
Vậy thì có ai nỡ lòng trả lại? Tôi thấy tôi không thể nào trả lại như thế. Tôi đành cảm ơn, nhưng mà bảo rằng các em đừng đến đông nữa… Các em lại đến…Tôi để tất cả phong bì vào cùng một chỗ, đến sau khi ra viện là được khoảng 150 triệu. Tôi mới nhân tiện lập một quỹ gọi là quỹ “Tình thương”, góp thêm một số tiền của riêng mình. Toàn bộ số tiền đó dùng để giúp đỡ cho những thầy giáo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bây giờ cái quỹ ấy được khoảng 300 triệu.
Qua chuyện này, tôi không thể đánh giá học sinh là đến vì lợi ích của các em, mà đấy là tình cảm thật sự. Các em đã gấp nhiều con hạc giấy cho tôi, và nói rằng mỗi một em là một con hạc, mỗi con hạc thì thầy sẽ sống thêm được một ngày. Hơn 3000 học sinh, vậy là thầy sống thêm 10 năm nữa. Đúng là cảm động! Cái tình cảm như thế là điều rất tự nhiên, và đó là phần nhiều. Tôi thấy rất bằng lòng vì tình cảm thầy trò tôn sư trọng đạo trong thời buổi bây giờ vẫn không bị suy thoái như người ta lầm tưởng. Cái “đạo học” của mình còn vượng lắm.
Đúng là “đạo học” của mình còn rất thịnh, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nền giáo dục của chúng ta ngày nay đang quá chú trọng về mặt dạy kiến thức, mà lại thiếu nhiều về giáo dục đạo đức, dạy cách “làm người”. Thầy có suy ngẫm gì về ý kiến này?
Điều đó là hết sức đúng. Nền giáo dục của chúng ta đang càng ngày càng chú trọng về kiến thức, thi cử, học hành, rồi học thêm học nếm, rồi học tủ học gạo… Tất cả những cái đó ảnh hưởng tới nhân cách con người, nhất là trong một xã hội biến động như bây giờ. Bố mẹ không quan tâm được đến con cái, nhà trường không quan tâm được đến học sinh. Chúng ta đã mất đi một triết lý giáo dục, đó là phải dạy cách làm người. Chúng ta thấy những mầm mống rất đáng lo ngại, ví dụ như vấn đề bạo lực học đường, thái độ của học sinh với thầy cô giáo, với phụ huynh, v.v.
Nhìn cho kỹ thì trong chương trình của chúng ta không có bài học nào đề cập đến vấn đề đó. Từ cấp hai trở đi, có một môn là Giáo dục công dân, trước kia gọi là môn Đạo đức, và mọi người tưởng là môn ấy sẽ giáo dục đạo đức con người, nhưng hóa ra không phải. Hơn nữa từ lớp 10 trở đi, môn Giáo dục công dân lại dạy về vật chất và tinh thần, rồi biện chứng pháp,v.v.
Bản thân điều đó không giúp cho việc giáo dục “làm người”, mà ngay cả sự hấp dẫn đối với học sinh cũng không có. Rồi đến năm lớp 11 thì người ta lại giáo dục về thương mại, hàng hóa, tiền tệ, v.v. Hóa ra, chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay không có một bài học nào để gọi là “giáo dục”.
Người ta vẫn biện luận rằng việc giáo dục nhân cách con người có thể thông qua các môn văn học hay lịch sử. Lịch sử cũng có thể dạy con người ta yêu nước, và văn học có thể bồi dưỡng cảm xúc hay tình thương. Nhưng cái đó ít ỏi lắm! Bởi vì người ta không thi cái đó. Thi lịch sử thì là thi về sự kiện gì đó, chứ không lấy tấm gương đạo đức ra để mà thi. Vậy là chúng ta thiếu hẳn.
Đây cũng là điều mà cải cách giáo dục sắp tới của chúng ta muốn nhấn mạnh, tức là phải dạy con người, dạy người rồi mới dạy chữ. Phải giáo dục về nhân cách, khiến cho học sinh trở thành những công dân tử tế, không đòi hỏi gì hơn! Học sinh cần biết sống cao thượng, sống đẹp, biết thương yêu cộng đồng, rồi sau đó mới là kiến thức.
Ngày nay một số phụ huynh cho con cái học tập rất nhiều, và coi thành tích là thước đo của sự thành công, tuy nhiên các em lớn lên lại không có đầy đủ kiến thức sống. Thành tích ấy liệu có phải là thước đo duy nhất cho sự thành công? Và Thầy có lời khuyên nào cho các vị phụ huynh như vậy?
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà người ta ảo tưởng về năng lực, về mọi thứ. Thành tích là một thứ bệnh hoạn ở trong xã hội ta, gây ra phá hoại hết sức ghê gớm. Trường muốn đạt tiên tiến thì các cô giáo chủ nhiệm phải làm thế nào để trăm phần trăm lên lớp. Lớp muốn đạt tiên tiến thì phải có bao nhiêu phần trăm tiên tiến, bao nhiêu phần trăm giỏi.
Trường muốn được tặng thưởng huân chương gì đó thì phải có mấy chiến sĩ thi đua. Trường muốn được phong anh hùng thì phải có ít nhất một cá nhân anh hùng. Tất cả sinh ra cái bệnh thành tích, mà cái bệnh thành tích này nó lại đẻ ra sự nói dối. Thế thì các phụ huynh đôi lúc sẽ phải chạy theo cái guồng đó, tức là con người khác học sinh giỏi thì con mình cũng phải học sinh giỏi.
Bệnh thành tích không chỉ nằm trong giáo dục đâu, mà nằm ở khắp mọi nơi, ở mọi cơ quan, tổ chức. Nhưng ở trong giáo dục thì nó nguy hiểm hơn nhiều. Vì thành tích mà mình đào tạo ra những học sinh chuộng thành tích, ra đời làm việc chỉ để có thành tích, mà nó là ảo, là báo cáo láo mà. Tại sao các xí nghiệp của nước ngoài không có thi đua mà năng suất lao động lại cao hơn nước mình nhiều đến thế? Cái thi đua của mình là ảo. Bệnh thành tích là một trong những bệnh cần chống, chống tham nhũng, tham ô, và chống bệnh thành tích.
Cho nên tôi khuyên phụ huynh rằng đừng chạy theo cái bệnh thành tích ấy, đừng chạy theo cái ảo tưởng của người khác để rồi bắt con mình đi học thêm học nếm cho mụ cả người đi. Không có gì khổ bằng trẻ con không có tuổi thơ. Có em đi học ở trường rồi thầy giáo bắt ở lại học thêm, khi về nhà lại không được ăn cơm với gia đình ông bà, mà lại phải tiếp tục đi học thêm học nếm chỗ này chỗ nọ. Không có tuổi thơ thì cực kỳ là khổ tâm, mà khổ vì cái học thì càng khổ tâm lắm.
Dạ, vậy xin trò chuyện một chút về ngôi trường Lương Thế Vinh do thầy sáng lập, ngôi trường dân lập đầu tiên trên cả nước. Được biết thầy là người đã đặt tên cho trường. Lương Thế Vinh là một vị trạng nguyên, vị quan nổi tiếng thời Lê sơ, ông cũng là một nhà toán học, và nhà thơ nữa. Chắc hẳn thông qua cái tên Lương Thế Vinh, thầy cũng mang rất nhiều kỳ vọng đối với các em học sinh trong trường?
Nước mình hay lấy tên danh nhân để đặt cho tên trường, các danh nhân đời nay, và cả đời trước cũng được lấy nhiều lắm. Sở dĩ tôi đặt tên trường là Lương Thế Vinh cũng vì hai yếu tố. Thứ nhất là vì Lương Thế Vinh là một trong nhưng nhà toán học đầu tiên của Việt Nam. Ông hiện có một tác phẩm là “Đại thành toán pháp” ghi lại tất cả những hiểu biết về toán của ông, hiện đang lưu giữ nhưng chưa có ai dịch.
Thứ hai là vì Lương Thế Vinh rất thương dân. Thậm chí khi về hưu ông còn đưa được cái nghề đặc biệt là nghề làm thuốc bắc về cho dân Vụ Bản. Nghề đó là nghề cứu người. Chính vì vậy Lương Thế Vinh rất được nhân dân yêu mến. Ông chính là một tấm gương mà các em học sinh lúc vào trường cần hiểu rõ. Bản thân cái tên Lương Thế Vinh đã trở thành một danh hiệu mà các em có ý thức giữ gìn. Khoác trên mình đồng phục trường Lương Thế Vinh thì các em phải cẩn thận lắm khi ra đường, không dám làm gì sai trái.
Khi con được nghe kể về câu chuyện thầy 60 tuổi còn cõng mẹ già đi chúc Tết, con thấy rất cảm động. Chữ Hiếu trong văn hóa truyền thống vẫn còn đang được tiếp nối cho đến tận ngày nay. Nói đến văn hóa truyền thống, người ta hay liên tưởng tới các phong tục tập quán hay món ẩm thực đặc trưng. Tuy nhiên còn một phần cốt lõi về giá trị đạo đức tinh thần thì ngày nay nhiều người đã quên lãng. Ngoài việc có lòng “thương dân” như Lương Thế Vinh, thầy có gửi gắm gì về vai trò và ý nghĩa của văn hóa truyền thống trong thời đại ngày nay với những trí thức tương lai đang ngồi trên ghế nhà trường?
Nói về văn hóa truyền thống, thì việc biết vâng lời và kính trọng bố mẹ là một nét đẹp. Ngày xưa các ông bố nghiêm khắc thường dùng roi vọt. Tôi nhớ ông cụ tôi có một cái roi cắm ở trên mái nhà, thỉnh thoảng ai có tội thì cụ lấy xuống để đánh… Nhưng không phải cách đánh đập thù hằn của bố mẹ bây giờ. Ông cụ tôi là nhà giáo, khi đánh thì bắt nằm xuống, giảng giải từng điều, nói rõ từng điểm, phân tích, rồi mới quất một cái, rồi lại nói tiếp.
Anh chị em trong nhà đều bị như thế, và khiến mình tâm phục khẩu phục. Cách giáo dục như thế rất là ngấm, rất là sâu. Chính vì thế công sinh thành dưỡng dục của bố mẹ là rất sâu sắc. Tôi lo nhất là đạo đức truyền thống của mình mất đi, thái độ của con cái với bố mẹ trở nên lệch lạc. Con cái không cần biết bố mẹ làm ra tiền khó khăn đến đâu, nhưng muốn tiêu là tiêu, muốn xin là xin, không cho thì vùng vằng, nhiều em có nói xấu bố mẹ trên mạng xã hội. Tôi thấy buồn. Cho nên các em cần chú trọng đạo đức hướng đến sự gắn kết gia đình, đó là điều căn bản nhất.
Nghề giáo hiện nay cũng có nhiều điểm khác biệt so với nghề giáo trong quá khứ, cũng như trong thời đại của thầy.Với cương vị là một nhà giáo uy tín, thầy có chia sẻ gì với những đồng nghiệp đang mang trên vai trọng trách trồng người?
Tôi muốn nhắn nhủ với các thầy cô rằng, nghề giáo là nghề không làm giàu được, đồng lương cũng vừa phải thôi, cho nên mình phải hết sức cố gắng khi đi vào nghề giáo. Tôi đi đâu cũng được người ta gọi là thầy cả. Cái mà tôi luôn tự răn mình là làm thế nào để “không hổ thẹn khi người ta gọi mình bằng thầy”. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta phải như các thầy giáo thời xưa, hành xử như một bậc thánh. Nhưng tất cả cách cư xử, thái độ của chúng ta phải là một tấm gương cho người khác nhìn vào. Tâm niệm này tôi lưu giữ mãi từ khi mới bước vào nghề giáo.
Vừa rồi thầy đã chia sẻ về những tâm sự của mình với cương vị là một nhà giáo. Xin thầy chia sẻ thêm về triết lý nhân sinh của mình, đạo lý gì khiến thầy tâm đắc nhất trong suốt cuộc đời?
Không có gì là mới cả, đó là “vì mọi người”. Tôi biết rằng những cái ta cho đi là những cái ta được lại, ta cống hiến cho cuộc đời thì cuộc đời bù lại cho ta, ta cho đi thì cuộc đời sẽ đền đáp lại. Đó là một cái lẽ nhân quả, không phải cho đi là mất, mà cho đi là được.
Mọi người là một đạo lý không dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi nền văn minh tinh thần không theo kịp nền văn minh vật chất. Làm thế nào chúng ta có thể khôi phục lại lòng tin giữa người với người trong thời đại ngày nay?
Đó là một vấn đề rất lớn và rất khó. Khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, một mặt chúng ta được hưởng cái lợi mà cơ chế ấy mang lại, nhưng mặt khác chúng ta cần phải thấy rằng có những hạn chế. Muốn khắc phục được nó thì phải phát huy những truyền thống cũ, tốt đẹp, như cách chúng ta đối xử với bố mẹ, con cái, người thân, cách đối nhân xử thế. Cho nên chúng ta cần khôi phục lại những truyền thống tốt đẹp của cha ông, những truyền thống đã hình thành nên văn hóa của người Việt. Chúng ta không nên để chúng bị mai một đi, cũng không nên chê chúng là lạc hậu, là thủ cựu. Những điều tốt đẹp của truyền thống thì phải bảo vệ cho bằng được.
Về lòng tin giữa con người với con người, thì trong xã hội phải có một chữ Tín. Mà tôi nghĩ trước hết phải có những tấm gương, đó là những người lãnh đạo phải hành động trước. Dân phải tin, phải yêu những người đó, và những người đó phải giữ được lời hứa với dân. Từ lòng tin ở trên, chúng ta mới có thể xây dựng được lòng tin ở bên dưới, lòng tin giữa người với người, giữa láng giềng với nhau, lòng tin trong một tập thể, một cơ quan, hay lòng tin giữa cơ quan này với cơ quan khác. Sở dĩ hiện nay mình nói dân mất lòng tin cũng là do có những người vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà làm việc xấu. Để xây dựng lại lòng tin đó thì cần phải có một thời gian dài.
Đầu năm mới, theo truyền thống thời xưa, người Việt ta vẫn hay đi xin chữ ông Đồ. Nếu có thể, xin thầy tặng cho những trí thức tương lai đang ngồi trên ghế nhà trường, cùng độc giả một chữ ạ.
Tôi xin tặng chữ Chân. Cuộc đời tôi có một phương châm sống là trung thực, có gì nói nấy, và thẳng thắn.
Cám ơn thầy đã dành thời gian để chia sẻ với độc giả những đạo lý rất đáng trân trọng. Xin chúc thầy năm mới dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.
“Hãy luôn luôn phân biệt rõ ràng giữa cái đúng và cái sai, cái thiện và cái ác, cái đẹp và cái xấu. Trở thành kẻ đồng lõa với cái sai, cái ác, cái xấu là đánh mất nhân cách của chính mình.”
Kỷ yếu nhân dịp 25 năm thành lập trường THPT Lương Thế Vinh
Theo trithucvn.net