Đạo tâm không kiên định, mê lạc nơi trần thế để rồi nhận kết cục bi thảm
Triều Tống có vị thanh quan tên Trần Nguyên Thừa, sinh ra đã có lòng hướng đạo, nhưng vì không từ bỏ được ý niệm trần thế, đạo tâm không kiên định, cuối cùng đã rời bỏ con đường tu đạo, rồi nhận kết cục đau đớn, thê thảm.
Trần Nguyên Thừa, gốc người Mân Trung (nay là tỉnh Phúc Kiến), sống vào những năm Thiệu Hưng (1131 -1162), khi sinh ra đã có lòng hướng đạo, thường đi theo Hàn Kỳ Vương, Hàn Thế Trung đến địa phương truyền đạt thánh chỉ, trấn an quân dân. Về sau khi bị Tần Cối loại trừ, đã từ quan quy ẩn.
Ở Tô Châu có một ngọn núi tên là Khung Long, từ chân núi nhìn lên đỉnh chính của núi Khung Long hình dạng giống cái nón lá, nên người đời gọi là “Đại Mao Phong, Mao Bồng”. Trần Nguyên Thừa đoạn tuyệt nữ sắc, bỏ lại thê thiếp, đến bên cạnh Đại Mao Phong (thuộc Câu Dung) xây nhà ở đó, xây dựng đài bát quái, sớm tối lạy sao bắc đẩu trên trời.
Thời gian rảnh rỗi, Trần Nguyên Thừa tập trung tư tưởng quan sát bên trong để hiểu được tâm mình, đây là một loại phương pháp dưỡng sinh cổ đại. Ông sống không màng danh lợi, tấm lòng trong sạch, ít ham muốn, đồng thời mua hơn mười mẫu đất dưới chân núi dùng vào việc hỗ trợ du khách khắp nơi trong thiên hạ đến tham quan.
Hàng năm vào tháng Hai cũng là dịp sinh nhật Đại mao quân Mao Doanh (người Triều Hán, xuất gia tu đạo lúc 18 tuổi, tu thành chính quả), dân chúng trong ngoài đạo giáo, đạo sĩ khắp nơi tụ tập lại với nhau, cử hành tiếu điển (nghi thức tế điển của Đạo gia).
Có 17 đạo quán cung cấp bố trí tiếu điển, chỗ ngồi đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ có ở Cung Vạn Ninh ở Nguyên Phù, Sơn Bắc là tràn đầy hương khói. Ban ngày Trần Nguyên Thừa thường đến nơi này để thắp nhang, thờ cúng.
Một ngày nọ, Trần Nguyên Thừa gặp một vị khách kỳ lạ trên đường, dáng người cao, mảnh khảnh, đôi mắt màu xanh lá cây và đôi đồng tử vuông, phong độ phóng khoáng, thần thái ung dung, thoát tục, trong tay cầm một chiếc quạt bát giác. Người khách kia chặn đường Trần Nguyên Thừa xin hóa duyên.
Trong chiếc rương mà Trần Nguyên Thừa mang theo bên mình, có một số tiền lớn, Trần Nguyên Thừa vui vẻ đưa tiền cho vị khách lạ. Người khách vui vẻ tiếp nhận, rồi nói với ông: “Ngài đã cho ta tiền, ta không thể không báo đáp”. Nói xong, liền đem tất cả tiền hóa duyên đưa lại cho Trần Nguyên Thừa.
Trần Nguyên Thừa lấy làm kinh ngạc, phát hiện phần tiền kia đã biến thành hai phần, nhìn lại thì người khách lạ đã biến mất. Sau khi trở về, ông lấy tiền ra xem lại, thì tất cả đều biến thành vàng, điều này lại càng khiến Trần Nguyên Thừa thêm kinh ngạc.
Vào ban đêm, Trần Nguyên Thừa mơ thấy người khách đã gặp ban ngày nói với mình: “Ta chính là Lã Động Tân. Nhìn dung mạo ngươi thanh tú, không giống người bình thường, cho nên trêu chọc một chút. Ngươi học đạo chí hướng tuy khẩn thiết nhưng lại không có phương pháp và năng lực, cần tiếp tục chăm chỉ tu hành”.
Lúc nằm mơ, Lã Động Tân đã dạy cho Trần Nguyên Thừa cách luyện khí và phương pháp chữa bệnh, nói rằng ông ấy sẽ trở lại sau ba mươi năm nữa.
Trần Nguyên Thừa sau khi tỉnh giấc, liền ngưng ăn mặn, uống rượu, mỗi ngày luyện tập phương pháp mà Lã Động Tân đã dạy. Bất cứ ai mắc bệnh nan y hoặc bị tai họa bất thường, lấy nước bùa của ông uống thì sẽ được chữa lành ngay lập tức. Ngoài ra, ông còn tổ chức một số nghi thức pháp sự cho mọi người và kết quả rất tốt.
Sống ở vùng núi được vài năm, bước đi của Trần Nguyên Thừa trở nên nhẹ như bay, mọi người trong và ngoài đạo đều rất kính trọng.
Sau này, khi Tần Cối chết, các quan giữ chức vụ quan trọng trong triều đều là bạn cũ của Trần Nguyên Thừa, tha thiết khuyên ông rời núi.
Trần Nguyên Thừa trước sau đều không đồng ý, nhất mực cự tuyệt ý tốt của họ. Tuy nhiên, thế hệ con cháu Trần gia ngày đêm khẩn cầu, năn nỉ, thịnh tình không thể chối từ, cuối cùng Trần Nguyên Thừa đã quay về làm quan phụng từ, chịu trách nhiệm về tế tự.
Về sau, Trần Nguyên Thừa đảm nhiệm chức tham nghị quan, không bao lâu được phục chức cũ. Từ đó, Trần Nguyên Thừa tu đạo ngày càng lười biếng, phương pháp kỹ thuật không còn linh nghiệm. Đến lúc tuổi già, Trần Nguyên Thừa lưng eo đã còng, thị lực cùng thính lực cũng không ổn, thấy không rõ, nghe không rõ.
Một ngày nọ, Trần Nguyên Thừa đi tắm và đặt một cái lò đang cháy bên cạnh. Đột nhiên, dường như ông nhìn thấy các vị thần đang khiển trách mình. Trong lúc hoảng sợ, đã ngã vào trong lò lửa, phân nửa thân thể hầu như đều cháy xém, bị tổn thương mà chết.
Ban đầu Trần Nguyên Thừa thật lòng hướng về tu đạo, tuy nhiên cuối cùng không bỏ được ý niệm cố chấp, đạo tâm lười biếng, đạo hạnh cũng trượt dốc. Vì tham lợi ích như người thường, quyền thế, dục vọng lần nữa lại xuất hiện. Đạo tâm không kiên định, thiện niệm không đầy đủ, cuối cùng nhận phải kết cục thê thảm, khiến người ta kinh tâm động phách.
(Theo “Di kiên chí cảnh chí” cuốn 9)
Nhật Hạ biên dịch
Xem thêm: