Đảo ngọc Phú Quốc ngập trong biển rác vì sự vô ý thức của người dân
Phú Quốc, nơi được mệnh danh là hòn ngọc giữa biển Đông, cũng là đảo lớn nhất của Việt Nam những năm qua đang phải đối mặt với vấn nạn rác thải nghiêm trọng. Rác chất đống trên bờ, rác nổi trên mặt sông, rác hòa vào nước biển, rác trên khắp các tuyến đường,…
Rác thải, nước thải đang khiến hình ảnh đảo ngọc ‘tổn thương’ trầm trọng
Từng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2006, nhưng hiện nay Phú Quốc đang chịu sự ‘tổn thương’ nặng nề vì quá tải về rác thải do thói quen xả rác bừa bãi 1 cách vô ý thức của người dân nơi đây.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ dòng sông Dương Đông, con sông lớn nhất Phú Quốc đang bị “giết chết” bởi rác và nước thải mà dọc bãi biển trung tâm của đảo Ngọc cũng đầy rẫy những ống nước xả thải lộ thiên.
Nhiều du khách đến thăm quan Phú Quốc, chứng kiến cảnh tượng trên và thấy rác chất như núi cũng không khỏi khiếp sợ và phải thốt lên lời kêu cứu cho hòn ngọc biển Đông này.
Đoạn sông từ cầu Hùng Vương ra tới cửa biển đi về phía hạ nguồn, chỉ có thể mô tả bằng 4 từ “ô nhiễm khủng khiếp”.
Ngay khúc sông uốn khúc cạnh nhà hàng S.T, rác được sóng gió đẩy đưa về tập kết như một bãi rác nổi. Cơ man bọc ni lông, bao nhựa, chai lọ, thùng xốp, mảnh lưới. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc mỗi khi chiếc ghe đi qua những xác cá to, nhỏ đang phân huỷ.
Đi về phía thượng nguồn con sông chừng 6km, ngoài rác thải đủ thứ nổi lềnh bềnh là những mảng rong rêu cùng bọt bẩn nổi kín mặt sông. Nhiều đoạn, nhà hàng xây dựng lấn ra sông, chĩa ống nước thải trực tiếp xuống dòng nước.
Đi dọc bãi biển ở khu vực trung tâm thị trấn Dương Đông, nơi người dân thường gọi là bãi Bà Kèo, chúng tôi ghi nhận có 30 ống cống lộ thiên chõ miệng ra biển. Có những cống lớn, cống nhỏ, có những cống còn đổ bê tông lồi lõm như một cái bẫy trên bãi biển.
Đi tiếp về hướng địa phận xã Dương Tơ, còn có không ít xác cá chết trôi dạt lên bờ. Chưa rõ có mối liên hệ nào giữa những con cá chết và những miệng cống xả thải nhưng cả hai đều đã để lại những ấn tượng rất tệ hại với du khách.
Du khách lắc đầu ngao ngán
Chia sẻ với phóng viên, ông T. Koster, du khách đến từ Colonge, Đức lắc đầu ngao ngán: “Nó thật tệ. Tại sao họ lại để xả nước thải ra như vậy. Tôi cho rằng, nếu không ngăn chặn ngay việc này, bãi biển tuyệt đẹp ở đây sẽ bị giết chết mất”.
Đứng chụp ảnh cách đó không xa, bà Nguyễn Ánh Hồng, một du khách từ Hà Nội cũng cho hay: “Không khí ở đây trong lành, cảnh đẹp nhưng thực sự thất vọng vì vừa xuống biển tắm là thấy rác đánh xô vào rất nhiều”.
Cần lắm ý thức của người dân và sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Minh, Trưởng Ban Quản lý công cộng huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, do hết chỗ đổ rác và ý thức chưa tốt của một số người dân nên mới xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải ở “đảo ngọc” này.
Rác tràn lan khắp nơi như vậy một phần là do những thói quen xấu lười biếng và lối sống lạc hậu ích kỷ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người. Họ sống theo kiểu
“Của mình thì giữ bo bo
Của người thì thả cho bò nó ăn”
Nguyên nhân tiếp theo là do thói quen đã có từ lâu, khó sửa đổi, phải có sự nhắc nhở thì người ta mới không xả rác bừa bãi.
Ngoài ra, một phần nữa cũng là do sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa đưa ra được mức phạt thích đáng để xử lý nghiêm khắc những cá nhân, đơn vị, công ty vi phạm.
Ông Minh cũng cho hay, biện pháp tạm thời hiện giờ là đốt rác cũ hoặc múc rác cũ sang một bên để lấy chỗ đổ rác mới. Đồng thời mỗi người dân phải tự có ý thức giải quyết rác thải của chính hộ gia đình mình thì mới có thể góp phần cải thiện tình trạng ùn ứ rác thải ở “đảo Ngọc” này.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm: