Dạo Chợ Lớn, người Hoa hơn gì người Việt?
Không chỉ ở Việt Nam mà đi đâu trên thế giới người ta cũng thấy phố người Hoa, phố nào cũng lớn mạnh, giàu có. Rất nhiều chủ doanh nghiệp lớn tại Việt Nam xuất thân từ gốc Hoa như: Kinh Đô, Đồng Khánh, Bút bi Thiên Long,… Điều gì đã giúp người Hoa phát triển hiển đạt như vậy?
1. Triết lý bang hội
Người Hoa nổi tiếng đoàn kết trên thế giới. Đặc điểm của những khu có người Hoa sinh sống chính là văn hóa phường xã, bang hội. Bang hội ở đây là bang hội phục vụ kinh tế, có nhiều ở thời xưa, trước 1975. Gần như ở đâu, người Hoa cũng sống tụ tập lại với nhau, chịu sự quản lý của trưởng thôn (bang trưởng), thường cũng là người gốc Hoa. Họ có truyền thống giúp đỡ người đồng hương.
Tại Chợ Lớn, bất kỳ ai di cư từ Trung Quốc sang đều được hỗ trợ chỗ ở, việc làm. Tới tuổi thì anh em giúp mai mối, dựng vợ gả chồng, mọi mâu thuẫn đều được giải quyết nội bộ. Ngay cả với người mất, nếu không có tiền, bang cũng sẽ gom góp lo chuyện hậu sự.
2. Đi tới đâu lập chợ tới đó
Đi đâu người ta cũng thấy Chinatown – Phố người Hoa. Phố người Hoa nào cũng lớn mạnh và giàu có. Người ta nói, người Hoa giỏi kinh doanh, nên đi đâu cũng làm ăn được. Chỉ cần nhìn vào việc họ chạy xuống miền Nam, lập chợ đầu tiên chứ không phải bệnh xá, trường học thì đủ biết họ mạnh điều gì. Cho đến nay, Chợ Lớn vẫn là khu chợ có quy mô kinh doanh lớn nhất miền Nam, quy tụ những chợ lớn nhất Sài Gòn: Kim Biên, Bình Tân, An Đông, Tân Thành,…
Người Hoa thường làm ăn theo nghề gia đình, cha truyền con nối, ít thuê người ngoài, không bỏ nghề bao giờ. Vì thế, khắp Chợ Lớn, chúng ta toàn gặp những con đường suốt mấy chục năm chỉ bán đúng một mặt hàng, không đổi ngành và cũng không ai ăn cắp nổi.
Người Hoa dù có ở nhà cửa lớn bé thế nào, vẫn không phải là người nghèo. Vì vốn người Hoa khó khăn đều có đồng hương đỡ đầu, ít ai lâm vào tình cảnh thiếu thốn quá mức. Nếu để ý, người ta cũng có thể thấy, các “ông trùm” công ty kinh doanh ở miền Nam hầu hết là người gốc Hoa: Thái Tuấn, Sacombank, Kinh Đô, Đồng Khánh, Bút bi Thiên Long,…
3. Tới chợ Lớn, đi ăn trước!
Cũng giống như hầu hết Phố người Hoa trên thế giới, Chợ Lớn luôn hấp dẫn người địa phương và khách du lịch với các con phố ẩm thực đặc sắc. Thức ăn là một trong những điều người Hoa tự hào nhất. Dù đã sống ở Sài Gòn rất lâu, lâu đến mức người ta cứ phải tranh cãi với nhau về việc người Hoa hay người Kinh là ông tổ của Sài Gòn, nhưng người ở khu Chợ Lớn vẫn giữ được rất nhiều món ăn thuần Trung.
Đành rằng để phát triển kinh doanh, họ buộc phải thay đổi khẩu vị, phục vụ người Việt. Nhưng đâu đó giữa các hẻm Chợ Lớn, người Hoa vẫn nằm lòng các địa điểm ăn uống “nguyên bản”.
Ở các gia đình người Hoa hoặc có mẹ hay vợ là người Hoa, dễ bắt gặp những bữa ăn thịnh soạn trong bất kỳ buổi nào. Sự phát triển của ẩm thực Hoa cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến thói quen ăn uống của người Sài Gòn. Các món rất quen như: Há cảo, hoành thánh, sủi cảo, phá lấu, bò pía,… đều được xem như những đặc sản của Sài Gòn.
4. Triết lý: Tiểu phú do cần
Kinh doanh giỏi, giàu có, nhưng hầu hết người Hoa lại sống rất tiết kiệm. Một trong những triết lý của họ là cần – kiệm. Ở khu có người Hoa sinh sống, hầu như rất khó để kiếm được một người “ăn mày”. Bởi họ không có thói quen cho tiền như nhiều người dân khác ở Sài Gòn.
Ngược lại, người Hoa lại luôn sẵn sàng hỗ trợ việc làm, giúp người khác tự mưu sinh. Đối với họ, giúp là phải giúp cho giàu, không phải chỉ để có ăn cho qua ngày đoạn tháng. Thành ra người Hoa ở Chợ Lớn đa phần đều cần mẫn làm việc, không nhờ vả và cũng ít phung phí.
Họ chỉ thực sự “vung tiền” làm từ thiện trong các buổi bán đấu giá vật phẩm có tổ chức quy mô trong các lễ Tết. Số tiền được “vung” ra luôn nhiều hơn 10 con số, tất cả đều có mục đích vì tôn giáo, hỗ trợ đồng hương.
Người Hoa hầu hết có tầm nhìn trong buôn bán. Họ đặt chữ tín hàng đầu nên thường giữ được mối làm ăn lâu dài với thương lái trong và ngoài nước. Chính vì thế mà dù chỉ chiếm 7% dân số Sài Gòn như tỉ trọng doanh nghiệp của người Hoa lại chiếm 30% ở thành phố đầu tàu đất nước.
5. Bằng cấp là thứ yếu
Ngược lại với sự phát triển kinh doanh, buôn bán, người Hoa tỏ ra ít coi trọng bằng cấp. Với họ, quan trọng hơn cả là sự cần mẫn và năng suất lao động. Chỉ cần làm việc hoặc quen biết ai đó làm việc dưới một người sếp gốc Hoa, bạn sẽ dễ dàng nhận ra anh ta coi trọng khả năng đến thế nào. Ngay cả ngoại hình, giao tiếp cũng không quá quan trọng. Vì thế, hầu hết các gia đình có truyền thống kinh doanh đều coi nhẹ việc học của con cái hơn so với người Kinh.
Người Hoa luôn muốn con cái được tiếp xúc sớm với kinh doanh, như vậy sau này đứa trẻ sẽ có đủ hiểu biết để gánh vác truyền thống gia đình. Đi dọc Chợ Lớn, dễ nhận ra nhiều bạn trẻ đang độ tuổi đi học đã bắt đầu bán lớn buôn bé ở đây cùng gia đình.
6. Người Hoa rất chăm lo cho sức khỏe bản thân
Bên cạnh những con đường đầy đủ các mặt hàng phục vụ cuộc sống, Chợ Lớn có cả một dãy các cửa hàng thuốc Đông y gia truyền rất lớn. Các bài thuốc này, song song với Tây y, là phương thức chữa trị giá trị nhất thế giới. Và cũng không bất ngờ, bệnh viện ở Quận 5 nhiều hơn các quận lân cận.
Người Hoa cũng ít ham rẻ, rất cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm, hàng hóa. Đối với họ, chất lượng và uy tín quan trọng nhất. Họ không tham của rẻ, không sống theo kiểu “ăn nhín ăn bớt”. Rất quan tâm đến đời sống con cháu nên bản thân ai nấy đều tự nhắc nhở mình phải tuân thủ quy tắc làm “điều răn” ấy.
Bên cạnh đó, trong rất nhiều các món ăn của người Hoa, người ta luôn nghe một mùi vị rất đặc trưng của thảo dược. Hay trong các bộ phim truyền hình cổ trang, các món ăn luôn đi kèm với những khả năng trị bệnh và tăng cường sức khỏe. Điều đó đủ chứng minh cho người ta thấy, người Hoa là một dân tộc coi trọng sức khỏe hơn hết.
Sưu tầm