Đánh dấu đường bằng cây uốn cong: Thói quen lạ của người Mỹ bản địa
Nhà nghiên cứu Dennis Downes cho hay, những cái cây có đường uốn cong kì lạ này có thể được tạo ra từ những người Mỹ bản xứ làm ám hiệu để đánh dấu đường đi.
Những thân cây uốn cong kỳ lạ trong các khu rừng ở Mỹ là một bí ẩn đã làm đau đầu các chuyên gia suốt mấy chục năm qua. Cho đến khi nhà nghiên cứu Dennis Downes tuyên bố đó chính là sản phẩm nhân tạo của người dân Mỹ bản địa chứ không phải do tự nhiên hình thành.
Cách đây hơn 1 thế kỷ, các bộ lạc bản xứ thường sống rải rác quanh hồ Michigan. Để băng qua rừng và suối an toàn, họ phải tự mở những con đường bí mật. Theo ông Downes, có thể người Mỹ bản xứ đã tạo hình uốn cong cho cây từ khi còn non để làm ám hiệu đánh dấu đường đi.
Theo dòng thời gian, trong khi những bộ lạc dần biến mất vào trong rừng sâu thì những tán cây uốn cong vẫn hiên ngang đứng đó như cột mốc đánh dấu cho những con đường đã bị quên lãng.
Dưới đây là một số cây đánh dấu đường mòn được tìm thấy tại Hoa kỳ:
Dọc theo Great Lakes (Ngũ Đại Hồ) nằm gần biên giới Canada–Hoa Kỳ, các chuyên gia đã nghiên cứu, phân tích và ghi lại những cây chỉ đường được ví như di sản của người Mỹ bản địa từ đầu những năm 1800. Chúng nằm rải rác khắp Bắc Mỹ.
Một trong những cây đánh dấu đường này được phát hiện dọc ranh giới của làng Mettawa và khu vực West Lake Forest. Đó là một trong số 11 cây sồi được uốn cong để tạo thành một hàng sồi chỉ đường. Cái cây này đã trở nên nổi tiếng và được nhiều người Mỹ bản địa lớn tuổi tìm đến thăm và đã thuộc quyền sở hữu của nhà sinh vật học Raymond E. Janssen từ năm 1934.
Nó được gọi là cây sồi trắng đánh dấu đường. Những thân cây làm dấu đi đường này có tác dụng hướng dẫn du khách băng qua một con đường mòn nhỏ ít người qua lại bên trong khu vực trải dài từ công viên Highland đến tận khu West Lake Forest. Sau đó, nó sẽ dẫn họ đến một chuỗi các hồ nước và thành phố Antioch trước khi đưa họ đến hồ Geneva hùng vĩ ở bang Wisconsin.
Một cây đánh dấu đường khác nằm ở thị trấn Monterey, bang Tennessee, Hoa Kỳ. Đó là một trong hai cây chỉ đường nằm trên khu bất động sản tư nhân quanh vùng. Trước khi được đổi tên thành Monterey, nơi đây được người Mỹ bản xứ gọi là Standing Stone. Ngày nay, các nghi lễ vẫn được tổ chức nhằm ghi nhớ niềm tự hào của người Mỹ bản xứ khi thành lập Monterey.
Một ví dụ khác về cây đánh dấu đường có thể được tìm thấy ở quận Gilmer, tiểu bang Georgia. Đó là một cây sồi truyền thống vốn được người Mỹ bản địa dùng để làm dấu đi đường đi dọc khu vực xung quanh dãy núi Appalachian.
Ở thành phố Traverse, bang Michigan cũng có một cây sồi trắng cổ thụ làm nhiệm vụ đánh dấu đường, được người dân địa phương bảo tồn trong nhiều thập kỷ. Đây là một trong 2 cây chỉ đường nằm tại Công viên Thành phố Traverse. Người ta đã xây dựng hẳn một hàng rào để bảo vệ cái cây và chắc chắn nhiều nghi lễ đã được diễn ra tại đây trong suốt lịch sử phát triển đáng tự hào của nó.
Quận White ở bang Indiana cũng có hai cây sồi khổng lồ được người Mỹ bản xứ uốn cong thành cây đánh dấu đường. Một trong số chúng được cho là đã có tuổi thọ hơn 3 thế kỷ. Hiện tại chúng thuộc sở hữu tư nhân. Các chủ sở hữu đã chăm sóc rất tốt cho những cây này, hơn nữa họ còn liên tục nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng. Đây là một điều tuyệt vời để bảo vệ di sản của người Mỹ bản địa ở Indiana.
Một cây đánh dấu đường khác ở bang Michigan được trồng trong năm 1930. Một nhà thiết kế công viên đã nhờ 2 người đàn ông người Ojibwa tìm lại một con đường mòn cổ xưa của người Mỹ bản địa. Thay vì mở đường bằng xi măng, con đường đã được tạo ra theo cách cổ điển bằng những cái cây chỉ đường.
Một cây hồ đào uốn cong cũng đã được tìm thấy tại khu cắm trại ở Comanche. Khu vực này có rất nhiều trâu, gà tây, cây hồ đào và các loại cỏ non cho ngựa. Ngoài ra còn có một số lượng lớn những cây mận và đàn hươu trong khu vực. Người ta nói rằng đây là cây đánh dấu đường mà bộ lạc địa phương đã sử dụng. Nó nằm ở thành phố Dallas, bang Texas, trong công viên Gateway.
Đây là cây đầu tiên được đánh dấu bởi bộ lạc Comanche. Đáng tiếc là vào tháng 5 năm 1998 tức một năm sau khi nó được công bố, khu vực này đã gặp phải một cơn bão dữ dội. Gió thổi mạnh làm bật gốc cây. Người chăm sóc cây đã làm việc tích cực để cố gắng cứu sống nó. Nhưng cuộc nói nói chuyện giữa họ với các nhà thực vật học đã cho thấy: Việc phục hồi cây hồ đào này là điều không thể!
Đây chỉ là một vài ví dụ về những cây đánh dấu đường thú vị được trồng ở khắp nơi trên Bắc Mỹ. Liên minh cây cối cổ đại Texas đã nhận được báo cáo về khoảng 450 cái cây đánh dấu ở bang này trong vòng 20 năm qua. Mặc dù vậy, mới có 155 cái cây được điều tra và 12 cây được công nhận chính thức.
Nhưng buồn thay, con số này đang giảm thêm vì con người chặt cây để dọn đường cũng như xây thị trấn. Những cái cây còn sót lại vẫn bị đe dọa bởi tuổi tác và nhiều yếu tố khác.
Uniwriter