Đấng Tạo Hóa được mô tả như thế nào trong các tín ngưỡng cổ xưa?
Trong suốt chiều dài lịch sử, người ta từng nhắc đến rất nhiều vị thần khác nhau, bao gồm cả những vị được cho là Đấng Tạo Hóa. Những thứ mà vị Thần này tạo ra là vĩ đại hơn tất cả mọi thứ mà con người từng làm được.
Con người từ nhiều góc độ trong phạm vi nhận thức của mình đã kể ra nhiều câu chuyện về Đấng Tạo Hóa và cách họ mang nguồn sống đến thế giới này. Vị thần sáng tạo này có thể được mô tả là nam hoặc nữ, là đẹp đẽ hay kiêu hùng, là đáng sợ hoặc không có gì cả. Tất cả họ luôn là những dấu tích lâu đời trong bất kỳ điện thờ thần thánh nào được biết đến.
Khoa học hiện đại của chúng ta cũng có một câu chuyện khác về “Đấng Tạo Hóa”, chính là thuyết Big Bang. Một số người hiện đại không mấy tin tưởng vào thần nên họ đã đặt ra thuyết Big Bang. Trên thực tế, hàng triệu người từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, kể cả Kitô hữu và người Hồi giáo, vẫn rất tin vào những câu chuyện sáng tạo cơ bản này.
Sẽ rất khó để hiểu rõ về Đấng Tạo Hóa, bởi vì câu chuyện về Ông thường không thể hiện rõ ràng qua 1 tác phẩm nào. Hầu hết chúng không thể giải thích làm thế nào mà Đấng Tạo Hóa tạo ra con người hay vũ trụ. Vì vậy, người ta phát triển câu chuyện sáng thế dưới dạng những câu chuyện hoặc ngụ ngôn để giải thích vấn đề nan giải: Thế giới của chúng ta đã được tạo thành như thế nào?
Chắc chắn sẽ ít ai tin chuyện Đấng Tạo Hóa nôn ra mọi thứ từ miệng của ông ấy, hoặc đã chiến đấu với 1 con quái vật và lấy xác nó để tạo ra thế giới, hay một quả trứng từ bụng của Đấng Tạo Hóa mà nở ra Trái đất và bầu trời. Điều mà nhiều người tin tưởng không chắc là đã xảy ra, tuy nhiên những câu chuyện này đã được lưu truyền qua thời gian rất lâu rồi.
Nhiều câu chuyện cổ xưa chưa bao giờ được ghi lại hoặc đã bị thất lạc do sự sụp đổ của 1 nền văn minh, do thảm họa, do chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và nạn diệt chủng…
Dưới đây là danh sách những Đấng Tạo Hóa được nhiều người biết đến trong các tôn giáo hoặc trong các nền văn hóa tại nhiều thời điểm khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Một số cái tên đã không còn được người ta tín ngưỡng, một số Thần khác, mặc dù câu chuyện của họ đã quá cổ xưa, nhưng vẫn được nhiều người yêu mến và thờ phụng cho đến tận ngày nay.
1. Thần Atum của Ai Cập
Atum được mệnh danh là “Người hoàn thiện thế giới”, theo truyền thuyết của người Ai Cập thì ông đã tự tạo ra chính mình từ khi vụ trụ còn hỗn độn. Trải qua một thời gian rất dài cô đơn, trong một lần hắt hơi ông đã tạo ra thần Shu, vị thần của không khí, và bằng tinh dịch của mình, ông đã tạo ra Tefnut, nữ thần của độ ẩm.
Hai vị thần này khi vừa mới được sinh ra họ rất tò mò về vùng biển nguyên sinh bao quanh họ, họ quyết định đi khám phá vùng biển này và biến mất trong bóng tối vĩnh cửu. Không thể chịu đựng mất mát quá lớn, Atum đã phái sứ giả của Lửa để đi tìm các con. Những giọt nước mắt hạnh phúc khi đoàn tụ của thần Atum đã tạo ra con người.
2. Thần Marduk của Babylon
Thần Marduk được tôn là vua của các Thần và của thế giới, đã đánh bại quái vật Tiamat, chặt đôi thi hài của quái vật, biến xác nó thành Đất và Trời, rồi chia đất trời làm ba khu vực do ba Thần đứng đầu: Trời, Khí quyển và Vực sâu.
Thần Marduk đã ấn định hành trình của các tinh tú, vốn là những cỗ máy điều chỉnh thời gian, trước khi tạo ra con người để phục vụ thần linh từ máu của một trong các vị Thần trong đạo quân của quái vật Tiamat đã bị đánh bại.
3. Thần Awonawilona
Awonawilona là vị Thần trong truyền thuyết của người da đỏ Zuni ở vùng New Mexico ngày nay. Người Zuni kể rằng, từ xa xưa con người được tạo ra vốn ở sâu thẳm trong lòng đất tăm tối, họ gọi là thế giới thứ 4, còn ở thế giới thứ nhất chính là bề mặt Trái đất có đủ ánh sáng, sông suối đồi núi nhưng lại không có người ở.
Thần Awonawilona vốn đã tạo ra con người, thấy vậy bèn tự mình trồng 4 cây ở 4 phương đó là: cây thông, cây vân sam, cây vân bạc và cây dương. 4 cây lớn nhanh phi thường, chẳng mấy chốc mà rễ của nó đã cắm thẳng xuống lòng đất và đến thế giới thứ 4 nơi con người đang ở.
Con người thấy vậy, liền trèo lên rễ cây để đến miền đất mới. Nhưng họ phải vượt qua 2 trở ngại lớn là thế giới thứ 2 và thế giới thứ 3. Rất nhiều người đã rớt xuống, nhưng cũng không ít người đã vượt qua tăm tối, họ đến với mặt đất tươi đẹp và ngập tràn ánh sáng. Qua câu chuyện thần muốn để con người 1 chân lý rằng, muốn đến được thế giới tốt đẹp hơn nhất định phải kinh qua nhiều khó khăn và khổ nạn.
4. Thiên Chúa
Danh từ El và Elohim tức là Đấng Tạo Hóa nói đến trong Kinh Thánh, được nhiều người Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo thờ phụng, Ngài được cho là tạo ra vạn vật, biến vụ trụ từ vô hình thành hữu hình. Ngài tạo ra con người và ban cho họ quyền cai quản mặt đất.
Kinh Thánh cũng miêu tả Thiên Chúa là toàn năng và toàn tri. Cựu Ước thường nhắc đến danh hiệu Chúa toàn năng, và giải thích “không có điều gì quá khó đối với Ngài”. Trong Tân Ước khẳng định điểm này của Thiên Chúa: “Chẳng có loài thọ tạo nào có thể che giấu được trước mặt Chúa”.
5. Thần Amma
Những người Dogon tôn thờ thần Amma, ông đã tạo ra 2 quả trứng, rồi 1 ngày kia 2 quả trứng nở ra 2 trạng thái đối lập nhau gồm: nam và nữ, ngày và đêm, ướt và khô, đất và nước, thiện và ác…
Trong bộ bách khoa toàn thư Britannica có viết: “Ý tưởng về vị Thần sáng tạo Amma hay Amen không phải chỉ có trong văn hóa người Dogon, người ta còn có thể tìm thấy tín ngưỡng này trong các tôn giáo khác ở Tây và Bắc Phi”.
6. Thần Bumba
Thần sáng tạo Bumba của người Congo là một vị thần khổng lồ có hình dáng giống con người. Chuyện kể rằng thuở xưa khi mới khai thiên địa, thế giới chỉ bao phủ hoàn toàn bởi nước, bóng tối và thần Bumba.
Một hôm Thần cảm thấy tức bụng liền nôn ra Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao. Ánh nắng đã làm bốc hơi nước thành mây và để lộ ra các mảng lục địa. Thời gian sau thần Bumba lại tức bụng và ông nôn ra những con vật như báo, đại bàng, cá sấu, cá, rùa, khỉ, chim trắng, dê và con người.
Thần giao cho mỗi loài vật trách nhiệm đi sáng tạo thêm các loài vật khác như đại bàng tạo ra tất cả các loài chim, cá sấu tạo ra các loài bò sát, dê tạo ra các động vật có sừng… ông chọn người ưu tú nhất là Loko Yima làm “thần mặt đất”, Nchienge làm “thần biển cả”. Sau khi mọi thứ hoàn thành ông để lại con người và trở về thiên giới.
7. Bàn Cổ của Trung Quốc
Trung Quốc có một lịch sử rất lâu dài. Theo truyền thuyết, thì từ thời Hoàng Đế tới nay, đã ngót 5.000 năm. Trong gần 5.000 năm lịch sử Trung Quốc có rất nhiều câu chuyện có ý nghĩa, trong đó, nhiều câu chuyện đã được ghi chép trong sử sách. Còn về thời viễn cổ từ 5.000 ngàn năm về trước thì chưa có văn tự ghi chép, nhưng vẫn lưu truyền lại một số thần thoại và truyền thuyết.
Người Trung Hoa từ xa xưa đã lưu truyền câu chuyện thần thoại về Bàn Cổ tạo nên trời đất. Theo thần thoại này, trước khi có Trời đất, vũ trụ chỉ là một khối khí hỗn độn, trong đó không có ánh sáng và âm thanh. Lúc Bàn Cổ xuất hiện, dùng một chiếc rìu bổ khối khí ra. Khí nhẹ bay lên, thành ra Trời, khí nặng chìm xuống, thành Đất.
Sau mỗi ngày Trời cao thêm một trượng, Đất dày thêm một trượng, bản thân Bàn Cổ mỗi ngày cũng cao thêm một trượng. Cứ như thế suốt một vạn tám ngàn năm, trời cao mãi, đất dày mãi, và Bàn Cổ cũng trở thành một người khổng lồ đội Trời đạp Đất. Sau này, Bàn Cổ chết đi, các bộ phận trong thân thể ông liền biến thành Mặt trời, Mặt trăng, sao, núi sông và cây cỏ.
Hoàng An biên dịch