Đằng sau những báo cáo của CIA cáo buộc Nga hack bầu cử Mỹ
Cộng đồng tình báo Mỹ đã tung ra báo cáo tuyên bố rằng Nga tổ chức cuộc tấn công trên mạng nhắm vào chiến dịch bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, theo 1 cựu nhân viên tình báo, có vẻ như bản báo cáo này đang thực thi 1 động cơ chính trị nào đó.
Đọc kỹ bản báo cáo chúng ta sẽ thấy rằng chúng thực sự rỗng tuếch, chỉ dựa vào nội dung được nhồi nhét vào và chứa đựng thông tin có lẽ là gây ấn tượng trên bề mặt, và căn bản vạch ra các hoạt động tình báo bình thường mà quốc gia nào cũng thực hiện, kể cả Mỹ.
“Người ta không nên can thiệp vào việc bầu cử của chúng ta. Lý tưởng mà nói thì điều này là chính đáng, nhưng thực tế thì ai ai cũng thích can thiệp”, Drew Berquist, cựu nhân viên tình báo và là người sáng lập trang web chuyên về an ninh mang tên Opslens.
“Tôi biết rằng sẽ rất bàng hoàng nếu biết điều gì đang diễn ra trong thực tế, nhưng nó là như thế đó”, ông nói.
Ví dụ, trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, chính quyền Trung Quốc bị tố tấn công vào email chiến dịch tranh cử của cả John McCain và Barack Obama. Các cuộc tấn công này, được nhìn nhận là nghiêm trọng, và là cách thức điển hình được áp dụng khi 1 chính phủ nước ngoài thu thập thông tin tình báo nhằm nắm rõ chính sách trong từng chiến dịch.
“Nếu tổng quan mà nhìn sự việc này, và để nói chính xác thì đó chỉ là thu thập thông tin tình báo”, ông nói.
Trong khi các báo cáo của cơ quan tình báo năm nay chỉ đơn thuần tập trung vào Nga, thì 1 danh sách hoàn chỉnh liệt kê các thế lực nước ngoài “chắc chắn sẽ nhiều hơn 1 quốc gia”, Berquist nói. Đáng chú ý, ngay cả các lãnh đạo của Liên minh châu Âu cũng công khai chỉ trích ông Trump và các chính sách của ông ấy, mà chung quy lại thì cũng là đang nỗ lực tác động vào cuộc tranh cử ở nước người ta.
Các chi tiết mập mờ
Bản báo cáo đầu tiên dùng làm bằng chứng về sự can thiệp của Nga do FBI và Bộ An ninh Nội địa (DHS) công bố hôm 29/12/2016, kèm theo lời từ chối “không cung cấp bất kì đảm bảo nào cho các thông tin chứa bên trong”. Báo cáo gồm 13 trang, trong đó chưa đến 2 trang xác nhận cáo buộc cuộc tấn công mạng của Nga, rồi sau đó là các phần thông tin có vẻ như là nội dung được nhồi nhét thêm vào nhằm giải thích cách thức phòng tránh bị tấn công mạng dành cho các công ty.
Khi bản báo cáo này không thể dùng làm bằng chứng thuyết phục thì họ đưa ra danh tính của 2 nhóm tin tặc được cho là liên quan đến Nga là APT28 và APT29, đã tấn công “1 đảng chính trị Mỹ”. Đồng thời cơ quan này cũng bổ sung thêm rằng “cả 2 nhóm đều có tiền sử tấn công vào các tổ chức chính phủ, cơ quan nghiên cứu chính sách, trường đại học và các tập đoàn trên toàn thế giới”.
Bản báo cáo thứ hai do Văn phòng Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (ODNI) công bố hôm 6/1, kèm theo các phân tích từ CIA và NSA. Bản báo cáo khẳng định nó đã được giải mật từ “các đánh giá tuyệt mật” và cũng lưu ý “không và không thể kèm theo đầy đủ thông tin bổ trợ”. Bản báo cáo dài 25 trang đánh giá rằng “Tổng thống Nga là Vladimir Putin đã ra lệnh tác động lên chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016”.
Bản báo cáo giải mật này dựa trên rất nhiều bằng chứng cho thấy cách thức hãng tin của Nga là RT kiểm soát thông tin về cuộc bầu cử, thể hiện lập trường ủng hộ Donald Trump và phản đối Hillary Clinton.
Nó cũng lưu ý rằng phía đại diện của RT từng gặp gỡ Julian Assange, ông chủ của Wikileaks, trang rò rỉ email ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. Cùng lúc đó, Wikileaks cũng công bố “Hồ sơ tình báo toàn cầu”, bao gồm thư điện tử từ công ty tình báo địa chính trị Stratfor.
Xét về mặt có thể cung cấp bằng chứng có giá trị để đi đến kết luận chắc chắn, thì hai báo cáo tình báo này đều chưa đạt, đồng thời đáng lẽ cố thuyết phục công chúng thì họ lại không đưa ra thêm thông tin để củng cố kết luận của mình.
Tuy nhiên, vào ngày 10/1, trang BuzzFeed đã cho công bố toàn văn 1 trong những nguồn tin được sử dụng trong bản báo cáo của ODNI: Bộ hồ sơ gồm 35 trang không xác nhận, gián tiếp cáo buộc ông Trump đã thỏa thuận với Nga, các thông tin cáo buộc đến từ cựu tình báo Anh là MI6, người hiện đang kinh doanh riêng trong lĩnh vực an ninh.
Trong 1 bài đăng trên Twitter, ông Trump cho rằng bản báo cáo này là “tin khống” và “hoàn toàn là trò bẩn chính trị”.
Mặc dù BuzzFeed cho đăng bản báo cáo, nhưng tổng biên tập của trang là Ben Smith cho biết “không có lý do thuyết phục nào để nghi ngờ các cáo buộc này”, trong 1 ghi chú gửi đến nhân viên mà ông chia sẻ lại trên Twitter ngày 1/10.
Ông cũng lưu ý rằng hồ sơ chứa “các cáo buộc chưa xác thực về Donald Trump và Nga”, và rằng các phóng viên của BuzzFeed đang săn tin đặc biệt hàng tuần, và không thể xác thực chúng.
Cơ quan tình báo bị chính trị hóa
Một câu hỏi lớn được đặt ra là, làm sao những khẳng định nghiêm trọng và chưa xác thực đến từ bên thứ 3 lại được dùng làm bằng chứng trong báo cáo của một cơ quan tình báo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị tổng thống tân cử, và nó còn được công bố kín kẽ trước 1 tuần diễn ra lễ nhậm chức.
Theo Berquist, câu trả lời đơn giản là các bản báo cáo được thực hiện với động cơ chính trị.
“Nó đã bị chính trị hóa đến mức thái quá và các quan chức tình báo đang dùng bất cứ cái gì có thể, ngay cả thông tin nguồn mở, hoặc những bộ hồ sơ đó, để gộp vào thông tin mà lẽ ra không nên có. Tuy thế, đó là cách làm hiện nay”, ông nói.
Theo ông, với việc thu thập tin tình báo với động cơ chính trị, “con người sẽ chẳng sẵn lòng truy tìm thêm thông tin để có được 1 bức tranh toàn cảnh, và nếu họ có làm được điều đó, thì cũng chẳng sẵn sàng chia sẻ, bởi nó chẳng liên quan đến câu chuyện cần nói”.
Berquist cho rằng các bản báo cáo cho thấy đầu mối quan trọng về cách thức các đại lý tình báo sử dụng và thu thập thông tin. Ông cũng lưu ý rằng từng có quy trình kiểm duyệt gắt gao hơn. Ông cho biết, trước kia sau 1 cuộc tấn công, cộng đồng tình báo sẽ không hành động khi chỉ căn cứ trên các lời đồn thổi. Họ sẽ trao đổi với nguồn tin của mình và tìm mọi cách để nhìn rõ được toàn cảnh. “Anh không thể nào nóng vội cho được”.
Berquist cho rằng điều này cho thấy cái kiểu “làm méo mó thực tế những gì đang diễn ra” trong cộng đồng những người làm tình báo, nơi mà người đứng đầu các cơ quan tình báo đang rời khỏi vị trí của mình để đặt chân vào chính trị.
Giám đốc CIA là John Brennan “không nên cho người ta thấy mối cừu hận của ông với Tổng thống Trump”, ông nói.
“Công việc của anh chỉ là thu thập, xác thực thông tin, củng cố năng lực tình báo, và hãy để cho các nhà chính trị quyết định đúng, sai, hay điều khác biệt”, ông nói và ngầm hướng đến Brennan.
“Tại sao anh lại quan tâm những gì được cung cấp từ trang BuzzFeed hay đầu nậu chính trị hoặc thập chí là nguồn tin tức đáng tin cậy nhất trên thế giới. Anh đang thuộc về đội tình báo. Anh phải đi ra ngoài, xác thực nó, và kích hoạt tất cả các nguồn tin có được. Chứ anh đừng có công khai cái gì đó chỉ dựa trên cảm nhận hiện tại của cá nhân”, Berquist nói.
Hàn Mai, Theo Epoch Times