Dân bị đánh nhập viện, có người chấn thương sọ não nhưng công an nói chưa đủ căn cứ
Nhiều người dân tố bị HTX Ayun Thịnh (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho người đánh đến chấn thương sọ não, sảy thai, lấy đi tài sản nhưng phía công an xử lý không thỏa đáng.
Báo Người Lao Động chiều 13/04 cho biết, sau khi bài viết ‘Dân tố bị đánh chấn thương sọ não, công an huyện Chư Sê nói không có dấu hiệu tội phạm’ được đăng tải thì nhiều nạn nhân khác đã đứng ra tố cáo bị người của Hợp tác xã nông nghiệp Ayun Thịnh (HTX Ayun Thịnh, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đánh nhưng công an xử lý không thỏa đáng.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thiêu (59 tuổi, ngụ tại làng Amil, xã Ayun, huyện Chư Sê) cho biết, vào ngày 29/10/2019, khi bà ở một mình thì có nhóm người của HTX Ayun Thịnh cầm dao xông vào nhà đe dọa, cạy tủ lạnh lấy của bà 2 bao cá thác lác (khoảng 70kg) rồi rời đi.
Không chỉ vậy, số tiền 30 triệu đồng con trai bà chuẩn bị để về quê xây mộ cho cha, giấu trong tủ lạnh cũng bị mất. Tuy nhiên khi trình báo, công an đã làm việc mấy lần, nhưng đợi mãi không thấy kết quả. Đến khi bà tới Công an huyện Chư Sê hỏi thì được báo rằng vụ việc đã được khép lại.
Công an huyện Chư Sê kết luận rằng vào ngày 29/10/2019, các ông Cao Thanh Phương, Phạm Công Nguyên có đến nhà hỏi bà Thiêu về nguồn gốc số cá. Sau khi hòa giải thỏa thuận, bà Thiêu đã đồng ý bán số cá cho HTX Ayun Thịnh, có lập biên bản mua bán cá, không có việc ông Nguyên và những người khác cầm dao đe dọa, lục soát, chiếm đoạt tài sản của bà Thiêu. Riêng số tiền con trai bà Thiêu báo bị mất, cơ quan công an không có căn cứ để xử lý.
Trước kết luận trên, bà Thiêu phản bác rằng: “Nội dung không đúng, họ vào nhà tôi cướp cá, uy hiếp tôi có bao nhiêu người chứng kiến. Cũng không có chuyện mua bán cá gì ở đây hết, tôi cũng đã nhận được đồng tiền nào đâu. Nếu đã thỏa thuận mua bán, tôi làm đơn gửi công an làm gì?”
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hoa (trú xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cũng tố cáo ông Trần Tuấn Lâm, Giám đốc HTX Ayun Thịnh đánh người, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở. Tuy nhiên giống như Công an Chư Sê, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Phú Thiện cũng khẳng định đơn tố cáo của bà không có cơ sở.
Không chỉ bà Thiêu và bà Hoa, bà Nguyễn Thị Tươi (36 tuổi, ngụ làng Amil) cũng kể đã nhiều lần bị nhóm người HTX Ayun Thịnh đánh. Trong đó năm 2021, khi đang chở cá từ xã Ayun ra thị trấn Chư Sê thì bị 2 người đàn ông chặn đường, xịt hơi cay vào mặt, đánh tới tấp ở đèo Chư Sê. Sau khi bị đánh bà Tươi bị sảy thai khi đứa con trong bụng mới được 2 tháng tuổi.
Bà kể thêm rằng, trước đó vào năm 2020, bà cũng bị 4 người đàn ông của HTX Ayun Thịnh vây đánh. Khi lên công an trình báo sự việc thì bị Công an xã lập biên bản hành chính về hành vi đánh nhau. “Tôi là đàn bà, bị nhóm người đàn ông vây đánh mà khi đi trình báo lại bị lập biên bản vi phạm vì đánh nhau, yêu cầu nộp phạt 750 ngàn đồng”, bà Tươi bức xúc nói.
Người dân xã Ayun cho biết họ sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và đánh bắt thủy sản tại lòng hồ Ayun Hạ. Nếu bắt được cá mang bán cho HTX Ayun Thịnh thì giá rẻ hơn rất nhiều so với những thương lái khác, như cá rô phi bán cho thương lái được 30 ngàn đồng/kg, nhưng bán cho HTX Ayun Thịnh chỉ được 5 ngàn đồng/kg. Còn cá thác lác nếu bán cho thương lái được 80 ngàn đồng mỗi kg nhưng bán cho HTX Ayun Thịnh chỉ được 40 ngàn đồng một kg…
Trước đó Báo Người Lao Động đã có bài viết phản ánh về việc ông Nguyễn Quang Huấn (45 tuổi, trú xã Ayun, huyện Chư Sê) bị một nhóm người đi ô tô vây đánh gây chấn thương sọ não, lấy đi bịch cá trị giá 200 ngàn đồng.
Sau khi người nhà ông Huấn làm đơn tố cáo, ông Trần Thanh Lâm, người của HTX Ayun Thịnh, đã đưa người đánh ông Huấn đến nhà ‘xin lỗi’, hỗ trợ 15 triệu đồng tiền thuốc chữa bệnh. Đồng thời đe dọa nếu không chịu ‘dàn xếp’ đến lúc ra đường gặp vấn đề gì thì ráng chịu.
Dù ông Huấn được giám định bị tổn hại sức khỏe 35% nhưng sau khi điều tra, Công an huyện Chư Sê thông báo chưa có cơ sở xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, do vậy chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Theo Người Lao Động