Đầm lầy đóng băng do lạnh kỷ lục, cá sấu “ngửa mặt lên trời” ngủ đông
Để có thể sinh tồn, hàng loạt con cá sấu ở bang North Carolina đã buộc phải “đóng băng” bản thân trong sông hồ và ngửa mũi lên trên mặt hồ khi thời tiết lạnh kỷ lục.
Mới đây, trên trang Facebook chính thức của Công viên Đầm lầy Shallotte River ở Ocean Isle Beach, Bắc Carolina, Mỹ, đăng tải đoạn video thú vị cho thấy cách thức cá sấu ở đây sống sót trước cái lạnh âm độ cắt da cắt thịt.
Mỹ đang trải qua đợt giá rét lịch sử, hầu như mọi nơi trên đất nước này đều rơi vào tình trạng “đóng băng”, các ao hồ ở Công viên Đầm lầy Shallotte River cũng vậy.
Trước hoàn cảnh khắc nghiệt này, cá sấu đã chọn cách thức đặc biệt để sống sót. Cá sấu là loại động vật ăn thịt máu lạnh nên không thể sản sinh ra nhiệt độ để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, loài bò sát này có thể tự hạ nhiệt độ cơ thể suốt mức thấp nhất và hạn chế tối đa sự trao đổi chất để có thể tồn tại, cơ thế này được gọi là brumation.
Theo Daily Mail, khi trời trở lạnh, loài động vật này sẽ ngửa mũi lên trời để lấy oxy và về cơ bản chúng sẽ “đông cứng” trong băng. Việc giảm thiểu mọi hoạt động nhằm giúp cá sấu giữ năng lượng và thân nhiệt chúng ổn định ở mức ngang với nhiệt độ môi trường. Cho đến khi thời tiết ấm trở lại, loài động vật này sẽ tự động hồi phục bằng cách tăng thân nhiệt lại về ban đầu.
Video cho thấy dường như cá sấu có vẻ như bị chết lạnh, song kì thực chúng vẫn đang sống hoàn toàn bình thường. Và dĩ nhiên, trong lúc “ngủ đông”, cá sấu vẫn phải thở. Đó là lý do tại sao, hàng loạt cá sấu ở Shallotte River bất động trong tư thế hướng mõm lên trời. Chúng có thể chịu được tình trạng này trong vòng vài ngày trước khi băng tan.
Các chuyên gia giải thích, cá sấu có thể biết trước được thời điểm đầm lầy đóng băng. Khi đó, chúng sẽ để phần mũi lộ ra trên mặt nước trước thời điểm đó. Trong trường hợp xấu nhất, phần mõm của cá sấu sẽ mắc kẹt trên bề mặt đầm lầy nhiều ngày cho đến khi băng tan.
Video được đăng tải đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, điều gì sẽ xảy ra khi có người dẫm nhầm lên một con cá sấu đang “đóng băng”.
Các chuyên gia cho rằng trong tình trạng đó, chúng sẽ hầu như không có phản ứng, ít nhất là khi nước xung quanh chúng vẫn đang trong tình trạng đông cứng, bởi chúng cố gắng bảo tồn năng lượng để duy trì nhiệt độ cơ thể.
Tú Văn (t/h)