Đại diện JICA Nhật Bản: Việt Nam còn vay ODA đến bao giờ?
Câu hỏi trên được đưa ra trong cuộc họp báo vào Thứ Năm (2/4), đại diện Quỹ Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA), nói rất thẳng để trả lời câu hỏi của phóng viên về tài trợ của Nhật, “Tôi nghĩ đến câu chuyện Việt Nam lúc nào không cần ODA nữa. Đến nay Việt Nam đã nhận ODA 20 năm. Bao giờ Việt Nam không cần nữa? 10 năm hay 20 năm nữa?”
Có thể hiểu câu đó một cách nôm na là: Các anh còn ăn xin đến chừng nào nữa, 10 năm hay 20 năm? Đã ăn xin mà còn cao giọng đòi hỏi! Phải nói rằng đó là một lời bình rất thật, hơi trịch thượng, và có thể làm cho người có tự trọng cảm thấy nhục.
Ông đại diện JICA không chỉ mắng là “ăn xin” đến khi nào, mà còn gõ đầu cảnh cáo về tình trạng tham nhũng hối lộ. Ông nói thẳng thừng: “Nếu có vụ tham nhũng nữa, Nhật sẽ ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam”.
Bất quá tam, mới nghe qua, người ta cứ tưởng đây chỉ là câu chuyện “Cá Tháng Tư”. Cảm giác đầu tiên dĩ nhiên là thấy xấu hổ, bởi vì để một nước khác nói thẳng như thế, nói trong tư thế của kẻ bề trên.
Nhưng phải chăng rất thấm thía. Quen thói “ăn không chừa thứ gì” (lời của một quan chức cao cấp) thì cũng phải đến ngày bị người ngoài mắng cho một trận nên thân. Chỉ tội đa số người dân Việt phải hứng chịu sự khinh bỉ của người khác.
Tại sao người Nhật họ có thể nói thẳng như thế?
Câu trả lời là vì họ là người chủ nợ lớn nhất của Việt Nam. Trong quá khứ và cho đến nay, Nhật đã tài trợ cho Việt Nam rất nhiều. Một bài báo năm ngoái cho biết trong thời gian 20 năm qua, Nhật đã hỗ trợ cho Việt Nam 20 tỉ USD, và con số vẫn còn tăng. Chỉ riêng năm 2014 Nhật đã tài trợ cho Việt Nam gần 2 tỉ USD, có lẽ là nguồn tài trợ lớn nhất cho Việt Nam.
Có lẽ chính vì thế mà Nhật có tư cách cảnh báo Việt Nam, như cha cảnh báo con: Cứ tối ngày phung phí thì coi chừng, nghe chưa con! Thật ra, mang tiếng là tài trợ nhưng trên thực tế, đây là các khoản vay, và thế hệ con cháu phải trả số tiền vay này trong tương lai.
Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ nhận từ Nhật, mà còn từ một nguồn quan trọng khác là Ngân hàng Thế giới (WB): 1995-1999: 2.94 tỉ USD; 2000-2004: 3.59 tỉ USD; 2005-2009: 4.11 tỉ USD.
Số tiền này rất lớn so với các nước khác. Thật ra, các nước như Philippines và Indonesia thì họ giảm vay ODA, riêng Thái Lan và Maylaysia thì không thấy vay ODA nữa.
Số liệu của Indonesia: 1995-1999: 1.39 tỉ USD; 2000-2004: 419 triệu USD; 2005-2009: 67 triệu USD
và Philippines: 1995-1999: 531 triệu USD; 2000-2004: không vay; 2005-2009: 5.14 triệu USD
Ngay cả Lào cũng có xu hướng giảm vay ODA. Năm 1995-1999, Lào vay 414 triệu USD, đến năm 2005-2009 thì còn 409 triệu USD. Còn Kampuchea thì chỉ vay khoảng 700 đến 800 triệu USD mỗi 5 năm, và không thấy tăng.
Tất cả những con số trên cho thấy Việt Nam là nước vay rất nhiều từ WB, và xu hướng đang tăng (xem biểu đồ). Nếu dân số năm 2014 là khoảng 89.7 triệu, thì tính trung bình số tiền vay (5 năm) là 46 USD mỗi người dân. Có lẽ vì vay nhiều thế, nên có chuyên gia tính toán rằng hiện nay, mỗi người Việt nợ 900 USD.
Việt Nam vay nhiều nhưng “ăn” cũng nhiều. WB cho biết, trong các nước mà tổ chức này tài trợ thì Việt Nam là nước bị than phiền nhiều, đứng hàng thứ 2 (chỉ sau Ấn Độ).
Người ta than phiền Việt Nam ăn hối lộ, ăn chận tài trợ của WB. Lĩnh vực bị than phiền nhiều là giao thông vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, và cấp nước. Điều này khiến Việt Nam luôn bị dè chừng trên trường quốc tế.
Thuỵ Điển đã cúp viện trợ. Vài nước khác cũng đang sắp cắt viện trợ cho Việt Nam. Cuối cùng, có lẽ Việt Nam nhờ vào kiều hối, nhưng số này cũng sẽ giảm vì thế hệ thứ 2 người Việt ở nước ngoài dường như giảm sự mặn mà với Việt Nam
Quay lại câu hỏi nhức nhối: “Ăn xin” đến khi nào, nên nhớ rằng viên đại diện Nhật không phải là người đầu tiên nói như thế. Theo ông Lê Đăng Doanh thuật lại trong một buổi báo cáo cho Trung ương Đảng với cách nói thẳng và không màu mè:
“Ngày 01/12 này cũng có một cái Hội nghị tài trợ. Tôi xin báo cáo rất chân thành với các anh là ra đấy chỉ khổ tâm thôi. Nhiều thằng nó nói với tôi là chúng mày định ngửa tay đi ăn xin đến bao giờ nữa? Chúng mày là người thông minh, có học, về mặt nào đấy chúng mày không kém gì chúng tao cả… Tại sao chúng mày cứ ăn xin miết thế. Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến như thế là thế nào? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng có đi ăn xin nữa được không? Nó nói với tôi trắng trợn và thẳng lắm chứ, y nguyên như tôi nói với các anh chị”.
Ông nói thêm:
“Nó bảo mày phải nghĩ đi, mà phải nghĩ cả phẩm giá, tư cách của mày đi xem mày là thế nào đi, lúc nào rồi dân tộc của mày sẽ như thế này sao? Trí tuệ như thế này, truyền thống như thế này, sao mày ăn xin hoài thế? Ta cứ tưởng nó cho tiền mãi là vinh dự. Tôi thấy vinh dự vừa phải thôi, chứ trong thâm tâm tôi như muối xát vào ruột chứ không đơn giản đâu. Vì nó nói đến như thế. Thằng không nói thì trong thâm tâm nó cũng nghĩ thế cả, thằng bỗ bã thì nó nói toẹt vào mặt chứ không phải đơn giản đâu. Cho nên, có người nói với tôi là, vậy thì bây giờ mình có lãnh đạo ASEAN được không, tức ông phải trả lời trước hết ông lãnh đạo thì ông có tiền ông bao thằng khác không? Hai là ông có cái học thuyết gì để hướng dẫn cho người ta không? Thứ ba nữa là ông muốn lãnh đạo thì thằng Washington và thằng Bắc Kinh nó có tin ông không? Hai thằng ấy mà nó không tin ông nó cho ông mấy chưởng thì lúc bấy giờ, ông chưa lãnh đạo nó đã cho ông què cẳng rồi. Thì thôi, bây giờ coi như ông đừng lãnh đạo; chứ ông mà lên tiếng, ông mạnh mồn ra tiếng lãnh đạo, hò hét thì đừng là nó cho ông mấy chưởng ngay chứ không phải không đâu. Mà nó có nhiều võ hơn mình, nhiều tiền hơn mình, nhiều công cụ hơn mình”.
Hãy đọc và suy ngẫm.
Theo bài viết từ Blog Nguyễn Văn Tuấn