Đá Mặt trời – Công cụ giúp người Viking “tung hoành” trên biển hơn 3 thế kỷ
Người Viking (Bắc Âu) từ lâu đã nổi tiếng là những thủy thủ lão luyện nắm rõ mặt biển như lòng bàn tay. Họ đã tung hoành ngang dọc vùng biển Bắc Đại Tây Dương và tạo ra vô số các chiến tích lừng lẫy… Bí quyết gì đã giúp họ tạo nên kỳ tích này?
Vừa là những nghệ nhân đã tạo ra vô số những con thuyền kỳ vĩ, vừa là những thủy thủ đã bôn ba qua biết bao sóng gió, họ, người Viking đã cai trị vùng biển Bắc Đại Tây Dương từ năm 900 đến 1200. Họ thường du hành hàng trăm dặm trên mặt biển, mở rộng lãnh thổ đến hai thuộc địa ở Iceland và Greenland.
Vào những ngày trời quang đãng, người dân Viking sử dụng hướng của Mặt trời để định hướng lái buồm. Nhưng còn những ngày âm u nhiều mây, khi không còn nhìn thấy Mặt trời, thuyền của người Viking xác định phương hướng như thế nào? Đây vẫn là câu hỏi bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Gần đây, hai nhà nghiên cứu người Hungary đã sử dụng các mô phỏng điện tử để chứng minh một giả thuyết đã có từ lâu cho rằng, người Viking sử dụng các khối pha lê, mà họ gọi là đá Mặt trời, để tìm hướng đi trong thời tiết khắc nghiệt, một phương pháp định hướng khiến họ trở thành vua của biển cả trong suốt ba thế kỷ.
Hòn đá Mặt trời này cũng được nhắc đến trong một số tác phẩm nghệ thuật cổ đại, mà điển hình là bài thơ “Chiến công của vị vua Olaf”. Vào năm 1967, trên tạp chí Washington Post, một nhà khảo cổ học người Đan Mạch cho rằng người Viking đã đi theo con đường vạch ra nhờ những hòn đá Mặt trời.
Đá Mặt trời hoạt động dựa trên một hiện tượng gọi là nguyên lý khử cực. Khi ánh sáng Mặt trời đâm xuyên qua bầu khí quyển, nó tạo nên các vòng khử cực, với Mặt trời nằm ở tâm chính giữa. Nếu đặt đúng vị trí và góc độ, một vài loại đá tinh thể, như đá calcite, cordierite và tourmaline sẽ làm hiển thị rõ các vòng khử cực này, giúp dân đi biển tìm thấy Mặt trời, cho dù là vào ngày nhiều mây che phủ.
Vào năm 2013, người ta tìm thấy một viên pha lê calcite mà người Viking gọi là Iceland spar trong vụ đắm tàu ở Anh từ thế kỷ 16. Có lẽ thủy thủ người Anh đã học được kỹ thuật định vị này từ những người tiền nhiệm của họ ở Bắc Âu. Nhưng vì không tìm thấy một hòn đá Mặt trời nào trên hoặc gần khu vực xảy ra vụ đắm tàu, nên nhiều sử gia đã bác bỏ giả thuyết này và coi đó như là huyền thoại hơn là thực tế.
Tạp chí Royal Society Open Science đưa tin về nghiên cứu của Dénes Száz và Gábor Horváth từ Đại học Eötvös Loránd ở Budapest. Họ đã mô phỏng hàng ngàn chuyến đi của một tàu Viking từ một điểm duy nhất ở Na Uy đến một điểm duy nhất ở Greenland. Sau khi chạy mô phỏng khoảng 36.000 lần, họ thấy rằng, nếu các thủy thủ Viking sử dụng các tinh thể kordierite để định hướng Mặt trời ba giờ một lần, thuyền của họ có thể định hướng chính xác tới 92,2% đến 100%.
Đó chỉ là trường hợp thuận lợi nhất. Nhưng tác giả nghiên cứu cũng thừa nhận kết quả của các lần mô phỏng khác nhau rất nhiều. Horváth trả lời phỏng vấn: “Không ai biết được, trên thực tế người Viking đã sử dụng phương pháp nào. Ngoài đá Mặt trời, họ có thể dựa vào cách hướng buồm qua các hòn đảo quen thuộc, theo dõi các mô hình sóng và quan sát đường di chuyển của cá voi”.
Theo TTT