Cuối năm – “Mùa kiếm tiền” của ngân hàng
Trong bối cảnh nợ xấu và trích lập dự phòng vẫn là bài toán nan giải, để có thể đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm 2016, các ngân hàng đang căng sức kinh doanh…
Tín dụng vẫn rủi ro
Mặc dù nhiều năm qua các ngân hàng đã đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và nguồn thu nhập, nhưng trong cơ cấu nguồn thu hiện nay, thu nhập từ mảng tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu. Nhiều ngân hàng vẫn có nguồn thu từ tín dụng chiếm trên 90% tổng thu, nhất là các ngân hàng nhỏ do bị hạn chế về mạng lưới, vốn tự có, thương hiệu và các sản phẩm dịch vụ.
Trong những tháng cuối năm, tận dụng nhu cầu vay vốn kinh doanh, tiêu dùng lên cao, nhiều ngân hàng đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay với các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hoặc các chương trình khuyến mãi.
Thực tế cho thấy các ngân hàng đang cạnh tranh quyết liệt về cho vay thay vì huy động vốn như những năm trước đây. Điều này lại có lợi cho khách hàng vì có thêm cơ hội để lựa chọn ngân hàng vay vốn có lãi suất phù hợp với kế hoạch tài chính.
Bên cạnh đó, tận dụng thời điểm cuối năm khi nhu cầu chuyển tiền, thanh toán, chi lương, thưởng phát sinh cao, các ngân hàng cũng tăng cường cải thiện nguồn thu phí dịch vụ. Nguồn thu nhập từ phí dịch vụ của một số ngân hàng riêng trong tháng 12 có thể gấp 2 lần thu nhập bình quân của những tháng trước đó.
Thống kê cho thấy những ngân hàng có dịch vụ đa dạng thì nguồn thu nhập thuần từ dịch vụ có thể chiếm 10 – 15%. Đặc biệt là nguồn thu từ dịch vụ thường mang tính bền vững và ổn định và không chịu nhiều rủi ro như tín dụng. Một khi phát triển được lượng khách hàng đủ lớn và xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ tiện lợi, nhanh chóng và có lợi thế cạnh tranh, các ngân hàng chỉ việc tăng cường nguồn thu qua các năm bằng chính sách phí.
Đó là lý do tại sao các ngân hàng cạnh tranh quyết liệt trong thời gian qua ở các sản phẩm thu chi hộ và đầu tư hệ thống ngân hàng điện tử ngày càng hiện đại, đa tiện ích.
Đánh nhanh, thắng nhanh
Ngoài mảng tín dụng và dịch vụ, nguồn thu chính của các ngân hàng thường là kinh doanh ngoại hối, kinh doanh chứng khoán và vay gửi trên thị trường liên ngân hàng. Nếu như kinh doanh chứng khoán chủ yếu là vào trái phiếu chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn dư thừa, biên lợi nhuận không cao thì kinh doanh ngoại hối và cho vay trên thị trường liên ngân hàng có thể giúp các ngân hàng “đánh nhanh thắng nhanh”.
Thông thường trong năm chỉ có một vài “sóng”, và thời điểm cuối năm luôn được xem là có “sóng lớn” nên những ngân hàng nào dự báo, tận dụng tốt điều kiện thị trường và có sẵn nguồn lực sẽ kiếm lợi khá lớn trong thời gian ngắn. Cụ thể với nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao trong thời điểm cuối năm để nhập khẩu hàng hóa hoặc trả nợ vay, dẫn đến thị trường ngoại hối biến động mạnh, các ngân hàng có thể tận dụng để kéo giãn chênh lệch giá mua và bán.
Thực tế cho thấy tại nhiều ngân hàng, nguồn ngoại tệ không phải là thiếu hay thậm chí là dư thừa, tuy nhiên trước bối cảnh tỷ giá chịu nhiều áp lực thì cũng có thể tích trữ và “lướt sóng” kiếm lợi.
Chênh lệch giá mua và bán tại các ngân hàng thông thường chỉ từ 30 – 50 đồng/USD thì trong những thời điểm sôi động có thể lên trên 100 – 150 đồng/USD. Với doanh số mua bán ngoại tệ rất lớn thì nguồn thu nhập từ kênh này tại các ngân hàng là không nhỏ.
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai các sản phẩm phái sinh mua bán ngoại tệ, và nhu cầu sử dụng các sản phẩm này vào các thời điểm thị trường ngoại hối căng thẳng cũng khá cao, do đó nguồn phí thu từ hoạt động này đang ngày càng tăng.
Bên cạnh kênh ngoại hối, các ngân hàng cũng có thể đẩy lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng để kiếm lời. Những ngân hàng nhỏ với thanh khoản yếu thường chịu nhiều áp lực thanh khoản vào cuối năm, khi khách hàng có nhu cầu rút vốn cao để kinh doanh hoặc mua sắm, hoặc với những ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng quá mạnh trong những tháng đầu năm, nhưng nguồn vốn huy động tăng trưởng không theo kịp sẽ dẫn đến nhu cầu vay mượn tăng cao trên thị trường liên ngân hàng.
Đến lúc này các ngân hàng lớn với nguồn thanh khoản dồi dào nhờ có lợi thế về mạng lưới, thương hiệu và nguồn khách hàng phong phú, bao gồm khách hàng doanh nghiệp với lượng tiền gửi thanh toán khổng lồ, sẽ tận dụng cơ hội áp lực thanh khoản để đẩy lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng.
Theo thống kê từ website của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất thị trường liên ngân hàng sau một thời gian ở mức thấp kỷ lục đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 11, đặc biệt tăng mạnh từ đầu tháng 12 đến nay.
Cụ thể, lãi suất qua đêm sau giai đoạn liên tục ở dưới 1% thì hiện tại đã lên trên 4% và có những lúc gần chạm mốc 5%. Tương tự lãi suất ở kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng đã tăng lên từ 4 – 5%.
Doanh số cho vay bình quân cũng tăng cao so với các tháng trước đây, cho thấy các ngân hàng đang lợi dụng thị trường và tích cực kiếm tiền trở lại ở thị trường này.
Theo doanhnhansaigon.vn