Cuộc sống tại ‘thị trấn mất trí nhớ’, tất cả cư dân đều không nhớ mình là ai
Ở Hà Lan có một thị trấn kỳ lạ, tất cả người già sống tại đó đều mắc chứng bệnh Alzheimer, tuy nhiên cuộc sống sinh hoạt của họ vẫn diễn ra bình thường, tự do và thoải mái, không ai bị quở trách rằng: “Bà đãng trí rồi!”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2013 trên toàn thế giới có 35,6 triệu người mắc bệnh mất trí nhớ và tăng 7,7 triệu trường hợp mỗi năm. Với tốc độ đó, ước tính đến năm 2030, số lượng người mất trí nhớ sẽ tăng gấp đôi và gấp 3 vào năm 2050. Đây có thể là một gánh nặng cho tất cả các chính phủ trong việc chăm sóc người bệnh khi mà giá cả chăm sóc y tế vẫn tăng cao.
Theo trang web gizmodo.com, Hiệp hội Alzheimer Hoa Kỳ cho biết, trong ba người già qua đời thì có một người mắc bệnh mất trí nhớ do tuổi già. Từ năm 2000, số lượng bệnh nhân Alzheimer đã tăng 68%, dự tính chi phí chăm sóc vào năm 2050 sẽ là 1,2 nghìn tỷ USD.
Bên cạnh đó, các trung tâm chăm sóc người bệnh mất trí nhớ thường ở xa nội thành, giao thông bất tiện, tuy nhiên số giường bệnh lại rất nhiều. Nhân viên y tế đang phải đối mặt với việc đi làm xa, khối lượng công việc nặng nề, căng thẳng tâm lý và vấn đề tiền lương thấp. Vì vậy phần nhiều là nhân viên không cố định, dẫn đến tình trạng thiếu thốn.
Nói tóm lại, trung tâm chăm sóc người bệnh Alzheimer về tài chính, cơ sở hạ tầng hoặc mức độ coi trọng trong xã hội, đều không đạt được yêu cầu như mong muốn.
Tuy nhiên, Hà Lan đã đi trước một bước, đã thành lập thành công khu dân cư mang phong cách Trung tâm mất trí nhớ do tuổi già, còn được gọi là thị trấn Hogeweyk. Sống ở đây, những người già bị bệnh mất trí nhớ không có cảm giác như sống ở bệnh viện, cuộc sống sinh hoạt đều tự do, dễ chịu thoải mái.
Thị trấn Hogeweyk ban đầu được lấy cảm hứng từ nhân viên chăm sóc tên là Yvonne van Amerongen, bà làm việc tại một nhà dưỡng lão truyền thống ở Hà Lan. Bà nói rằng, các bệnh nhân tại nhà dưỡng lão thường không có cảm giác của gia đình, hoạt động bị hạn chế, thậm chí bị cô lập.
Bà Amerongen nhớ lại: “Khi mẹ tôi gọi cho tôi và nói rằng cha tôi đã đột ngột qua đời sau một cơn đau tim”. Một trong những điều đầu tiên mà tôi nghĩ là: “Tạ ơn Chúa, cha con đã không ra đi trong nhà dưỡng lão”. Dù tôi đang làm việc tại một nhà dưỡng lão nhưng thâm tâm tôi không muốn cha mình đến đó.
Chứng kiến những người bệnh trước khi qua đời phải trải qua đủ loại thống khổ, bà Amerongen cảm thấy, những cụ già bị bệnh mất trí nhớ cũng cần một cuộc sống bình thường, đoạn thời gian cuối cùng trong cuộc đời càng cần phải được quý trọng. Bởi vậy, bà nảy ra một ý tưởng táo bạo, xây dựng một trung tâm chăm sóc có môi trường tốt hơn, để những người mắc bệnh mất trí nhớ sống cuộc sống tự do ở đây.
Và cuối cùng, thị trấn Hogeweyk đã được ra đời vào năm 2009. Thị trấn nhỏ này có thể được cho là một vương quốc độc lập, một thị trấn bình thường có gì, thì ở đây đều có, căn hộ, nhà hàng, siêu thị, quảng trường trung tâm và bưu điện, mọi thứ đều có đủ. Tuy nhiên có một điểm khác biệt, đó là Hogewey có camera giám sát 24 giờ một ngày, giám sát các hoạt động của người già, và thị trấn được bao quanh bởi hàng rào an ninh và cửa ra vào.
Người già trong thị trấn có thể được an toàn và tự do hoạt động, cả thị trấn có 250 nhân viên toàn thời gian hoặc bán thời gian, làm việc và sẵn sàng hỗ trợ bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào.
Tại thị trấn Hogeweyk, những người bị bệnh mất trí nhớ sẽ không có cảm giác sống trong phòng bệnh, mà là sống trong một căn hộ. Những cụ già này có thể ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu hoặc thời thanh niên trẻ. Để giảm bớt sự lo lắng của họ đối với môi trường mới, nội thất trong các căn hộ được thiết kế kiểu dáng từ năm 1950, 1970, giúp gợi lên những kỷ niệm trong quá khứ.
Để giúp người già gần gũi hơi với môi trường sống, những căn hộ được thiết kế theo các phong cách, chủ đề khác nhau. Chẳng hạn như phong cách đô thị, phong cách quý tộc, phong cách kinh doanh, phong cách Ấn Độ, phong cách nhà, phong cách văn hóa và tôn giáo.
Mỗi căn hộ ở được sắp xếp 6 người hoặc 8 người, và mỗi gian phòng như vậy đều có 1-2 nhân viên chăm sóc. Họ sống cùng nhau, cùng nội trợ, quét dọn vệ sinh… Những người già còn có thể tự mình ra ngoài, đến tạp hóa mua sắm, đến cửa hiệu cắt tóc để làm tóc, đến nhà hàng ăn cơm, đến quán bar uống rượu, đi dạo ở công viên…
Cho dù là đi đến nơi nào, hễ khi gặp khó khăn, các cụ già đều được các nhân viên chăm sóc đóng vai “nhân viên cửa hàng” hoặc “cư dân” chủ động giúp đỡ.
Trên mức độ thể chất, cư dân tại thị trấn Hogewey đã ít tốn cho phí y tế hơn, họ ăn ngon hơn và sống thọ hơn. Trên mức độ tinh thần, họ cũng bày tỏ sự yêu đời hơn. Thật khó để ước lượng chính xác nhưng đó là sự thật đang hiển hiện tại lthị trấn Hogewey.
Bảo An, theo Epoch Times