Cuộc sống đói nghèo nơi từng ‘tiêu tiền như nước’
Nhận đền bù lớn từ việc xây thủy điện, nhiều hộ dân người Cơ Tu ở Quảng Nam bỗng thành “tỷ phú”, nhưng chỉ bốn năm sau, số hộ nghèo ở “làng tỷ phú” tăng lên gấp đôi.
Ngày giữa tháng 4, con đường dẫn vào thôn 2, xã Tà Pơ (Nam Giang, Quảng Nam) vắng hoe. Trong làng chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, phần lớn người dân phải đi rẫy mưu sinh giữa cái nắng như đổ lửa. Cuộc sống hiện tại của ngôi làng hơn 60 hộ dân này đối lập hoàn toàn so với vài năm trước. “Ai cũng hết tiền rồi, hết lâu rồi, phải đi làm thôi. Nhưng giờ đất rẫy ít, phải đi rất xa nên cuộc sống rất khó khăn”, bà Chơ Rum Ớt (55 tuổi), nói.
Gia đình bà Ớt nhận hơn 2 tỷ và bỏ gần một nửa để dựng căn nhà gỗ hai tầng, trong đó tiền trả công cho thợ tốn đến 500 triệu đồng. Tương tự, rất nhiều biệt thự bằng gỗ mọc lên khắp vùng núi hẻo lánh, cách trung tâm xã gần 30 km này. Trong đó Bí thư xã Pơ Loong Lênh dựng căn nhà bề thế ngay đầu thôn.
Năm 2011, những hộ dân thôn 2 nhận tiền đền bù từ việc xây dựng thủy điện Sông Bung 4. Cả thôn nhận gần 100 tỷ đồng tiền đền bù để di dời từ lòng hồ thủy điện đến nơi ở mới, trung bình mỗi hộ nhận 1,7 tỷ, hộ nhiều nhất hơn 3 tỷ đồng. Nhận xong tiền, người dân đổ xô làm nhà, sắm sửa nội thất đắt tiền.
Người dân thôn 2 nói rằng, vài năm trước đối với họ, tiền bạc không thành vấn đề. Thấy hộ này làm nhà hoành tráng, hộ kia cũng đua theo phải làm to hơn. Một số hộ hiếm hoi không nhận được đền bù, bà con góp tiền lại, cho vài trăm triệu để dựng nhà.
“Dân trên này thoáng lắm. Mình có tiền chẳng giữ được, cứ tiêu xài phung phí, giờ thấy tiếc. Giá như ít hôm nữa lại xây thủy điện, rồi dân làng lại chuyển đi nơi khác, được nhận tiền chắc không ai dám tiêu như vậy nữa, có kinh nghiệm rồi”, Bríu Đan (29 tuổi) hồn nhiên nói.
“Tốn kém nhất là làm nhà. Nhận tiền xong thì xuất hiện một số người lên môi giới rồi dẫn một đám thợ ở đâu tới thuyết phục người dân dựng nhà. Đám thợ chỉ khoảng 5 người, mất vài tháng dựng vì gỗ đã có sẵn, cơm nước gia chủ lo, nhưng lấy công 500 triệu đồng, rất đắt. Bà con tiền nhiều quá, người ta ra giá mấy cũng chịu”, Đan nói.
Hướng ánh mắt xa xăm về những căn nhà gỗ bề thế, Đan kể, nhận tiền xong hầu hết dân làng chẳng còn ai thèm đi rẫy, chỉ ở nhà uống bia. Một số hộ thì thuê người Kinh dưới xuôi lên làm rẫy cho họ. Những ngày đó, xe tải chở bia lên đây đi hết nửa thôn đã bán hết. Từng căn nhà trong thôn, vỏ bia nằm la liệt.
“Thời huy hoàng” của người dân thôn 2 nhà nào cũng có vài xe máy đắt tiền. Dân làng còn kể lại chuyện một số thanh niên xuống Đà Nẵng vào tiệm xe máy hỏi “chục chiếc xe bao nhiêu tiền”, vì cầm sẵn hàng trăm triệu trong tay. Có trường hợp đi mua xe máy về “rửa xe” theo đúng nghĩa đen, tức là mua hàng chục thùng bia về rồi đổ lên xe. Một số hộ dân còn mua ôtô để đi chơi.
Tiêu phung phí, chẳng mấy chốc dân làng hết tiền, phải tất bật lên rẫy canh tác kiếm sống. Tuy nhiên, nơi ở mới mỗi hộ chỉ nhận được 600 m2 đất dựng nhà, 1,5 ha đất rừng để tái sản xuất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Xe máy không có tiền đổ xăng nên nhiều người bán với giá rẻ.
“Nơi ở cũ cái gì cũng có, vườn rộng để trồng rau rồi bắt cá dưới lòng hồ, cuộc sống tự túc được. Giờ chỉ dựa vào chút ít rẫy, lại phải đi rất xa, cái gì cũng phải mua mà cái gì cũng đắt nên khổ lắm”, Bhnước Bơn (39 tuổi), nói.
Ông Tơngôl Với, Chánh văn phòng UBND huyện Nam Giang, cho hay người dân lâu nay chỉ sống tự túc, gần như không dùng đến tiền.
“Trước đến giờ dân làng lại chẳng đi làm thuê, tự mình làm mình ăn nên không biết quý trọng đồng tiền, dẫn đến tiêu xài phung phí. Chúng tôi biết nhưng không thể can thiệp, chỉ tuyên truyền thôi”, ông Với nói.Theo thống kê của xã Tà Pơ, thời điểm năm 2011 thôn 2 có 11 hộ nghèo. Chỉ 4 năm sau khi nhận tiền tỷ từ việc đền bù, số hộ nghèo của thôn tăng lên gấp đôi (21 hộ), chiếm hơn 1/3 số hộ trong thôn. “Con số này chắc chắn sẽ còn tăng trong những năm tới”, một lãnh đạo xã nhận định.
Theo vnexpress.net