Cuộc sống của những người thợ tại mỏ bitcoin lớn nhất thế giới
Một thập kỷ trước, sau sự phát triển bùng nổ của ngành than, Ordos (Trung Quốc) bỗng trở nên hoang vắng, rải rác khắp thành phố là những con người đang tuyệt vọng tìm kiếm một phương thức kiếm tiền mới. Ngày nay, thành phố sa mạc này đã trở thành một nơi quy tụ các mỏ đào bitcoin.
Ordos với dân số khoảng 2 triệu nay đã trở thành một nơi quy tụ các mỏ đào bitcoin. Hơn một nửa mỏ khai thác bitcoin trên thế giới được đặt tại Trung Quốc, đã biến quốc gia này trở thành lực lượng thống trị trong ngành công nghiệp mới mà một ngày nào đó có thể định nghĩa lại cách chúng ta thực hiện các giao dịch.
Mỏ Bitmain với khoảng 50 lao động và 8 nhà xưởng, mỗi cái dài 150 mét. 7 trong số đó chứa 21.000 máy tính, chiếm khoảng 4% tổng sức mạnh xử lý trong mạng bitcoin toàn cầu. Xưởng còn lại chứa 4.000 máy chuyên dụng cho việc đào litecoin, một đồng tiền ảo khác cũng đang tăng giá trong những tháng gần đây.
Bên cạnh nhà xưởng còn có một tòa nhà 3 tầng nơi đặt văn phòng, căn tin và ký túc xá cho các “thợ mỏ”.
Công việc trong các mỏ bitcoin khá nhàn hạ và môi trường sạch sẽ, có nhiệt độ được kiểm soát ít nguy hại tới sức khỏe hơn rất nhiều công việc khác ở nơi mà nền kinh tế được điều khiển bởi ngành khai thác than và các ngành công nghiệp khác như luyện kim và kỹ thuật hóa học.
Nguồn điện rẻ, dồi dào từ nhà máy nhiệt điện trong khu vực chính là lý do biến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để các mỏ đào bitcoin hoạt động.
Đầu tư vào bitcoin là một canh bạc
Mỏ bitcoin này được điều hành bởi công ty con của hãng Beijing Bitmain Technoligies. Năm 2015, Bitmain đã tiếp quản khu mỏ từ chủ cũ, người bắt đầu các hoạt động khai thác bitcoin từ năm 2014. Bitmain tuyên bố rằng đó là mỏ bitcoin lớn nhất thế giới.
Ngoài việc điều hành mỏ, Bitmain còn sản xuất những chiếc máy đào bitcoin, thường chỉ có một vi xử lý trong thùng máy cỡ nhỏ có thể kết nối internet. Ngoài ra, Bitmain còn điều hành Antpool một khu mỏ bitcoin lớn nhất thế giới.
50 cư dân Ordos làm việc tại mỏ hầu hết đều trong độ tuổi đôi mươi và có nhiệm vụ giám sát những chiếc máy đào bitcoin. Rất ít người hiểu về bitcoin nhưng hầu hết đều đã đầu tư vào tiền ảo này.
“Như một canh bạc”, Han Lei, 28 tuổi, người đã gắn bó với khu mỏ từ khi nó được thành lập tới nay thú nhận. Han đã đầu tư gần 3.000 USD vào litecoin và các tiền ảo khác nhưng không quan tâm tới bitcoin vì anh nghĩ rằng mức giá 4.000 USD hiện tại là quá cao. “Tóm lại, tôi chả hiểu gì về bitcoin”, anh nói, và cũng chia sẻ thêm rằng mình có quá ít thời gian cho việc theo dõi sự dao động của giá cả.
Hou Jie, một thợ mỏ 24 tuổi vừa tốt nghiệp đại học và được Bitmain tuyển gần đây cho rằng, bitcoin là một đồng tiền ảo, tương tự cổ phiếu. Anh tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ và đang theo dõi sát sao giá bitcoin để tìm thời điểm đầu tư hợp lý. “Mức giá hiện tại đang cao đỉnh điểm. Nếu tôi mua ngay bây giờ nó có thể giảm giá”.
Mỏ khai thác bitcoin hoạt động 24/7/365
Trong nền kinh tế bitcoin, thời gian thực sự là tiền bạc. Mỗi 10 phút hoặc hơn, các cỗ máy cạnh tranh với nhau để giải quyết một bài toán nhằm giành lấy 12,5 bitcoin, một phần thưởng do phần mềm bitcoin đặt ra. Công việc này tương tự như việc cố gắng tìm ra mã két sắt trong hàng tỷ dãy số. Do vậy, càng có nhiều máy tính với khả năng xử lý cao bạn càng có cơ hội tìm ra mã két nhanh nhất và tăng cơ hội nhận được bitcoin.
Mỗi ngày các thợ mỏ bitcoin trên toàn thế giới kiếm tới 7 triệu USD. Với năng lực đào bitcoin chiếm 4% toàn cầu, trung bình một ngày mỏ của Bitmain có thể kiếm được khoảng 280.000 USD (tương đương 6,3 tỷ đồng).
Do vậy, thợ mỏ có nhiệm vụ đảm bảo rằng những máy tính của họ hoạt động bình thường, 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần và 365 ngày 1 năm. Vì thế mà bộ phận vận hành và bảo dưỡng nơi Han và Hou đang làm việc cùng với khoảng 20 người khác có vai trò quan trọng nhất. Cả ngày lẫn đêm, sử dụng laptop, họ theo dõi tình trạng của các cỗ máy và tới nhà xưởng để kiểm tra, khắc phục những trục trặc nếu có.
Mỗi nhà xưởng đều được bao bọc kỹ bởi hai lớp lưới ngăn bụi. Chúng được thiết kế để bụi không lọt vào nhà xưởng gây nóng máy dẫn tới giảm sức mạnh hoặc hỏng máy. Vào mùa Xuân, những lớp lưới này có vai trò ngăn côn trùng. “Đây là những cỗ máy rất nhạy cảm nên chúng tôi phải thực hiện rất nhiều biện pháp bảo vệ”, Yu Linjia, người quản lý toàn bộ hoạt động tại khu mỏ chia sẻ.
Với con số lên tới 25.000 chiếc, thường xuyên có máy bị hỏng. Nó giống như trò chơi đập sóc, máy này vừa sửa xong gắn lên kệ thì lại có máy khác gặp trục trặc. “Tôi luôn cố gắng hết sức, kiểm tra nhiều máy nhất có thể”, Hou nói. Hàng ngày, Hou theo dõi dàn máy từ 8h30 sáng tới 6h30 chiều.
Hou kể rằng, đôi lúc anh mất cả ngày cho việc kiểm tra một nhà xưởng duy nhất. Mỗi nhà xưởng có khoảng 50 hàng kệ và mỗi hàng có khoảng 60 máy. Theo Han, trung bình mỗi ngày có hơn 10 máy bị hỏng tại mỗi xưởng. Con số này tăng lên gấp đôi trong ngày nắng nóng khi các cỗ máy bị nóng bất chấp việc trong xưởng có điều hòa.
Công việc dù không nặng nhọc nhưng tốn rất nhiều thời gian. Kể từ khi gia nhập công ty vào cuối tháng 7, Hou chưa được về thăm nhà mặc dù nó nằm ngay trong trung tâm Ordos cách khu công nghiệp khoảng 70 km về phía Nam. Anh chia sẻ phòng ký túc ở tầng hai của tòa nhà văn phòng với bảy đồng nghiệp. Hầu hết trong số họ đều giống Hou, đều chưa lập gia đình. Sau giờ làm, Hou thường chơi bóng rổ với đồng nghiệp và theo anh đây là hoạt động giải trí duy nhất mà họ có.
Sau khi kết thúc giai đoạn thử việc kéo dài 3 tháng, Hou sẽ phải làm ca đêm 4 – 5 ngày mỗi tháng giống như các đồng nghiệp trong cùng bộ phận. Các thợ mỏ không có ngày nghỉ cuối tuần ổn định và nếu muốn nghỉ phải gửi đơn trước 1 tuần.
Mỏ bitcoin tái sinh trong khu đất bỏ hoang
Các nhà máy và các mỏ bitcoin có một đặc điểm chung: Sử dụng rất nhiều điện. Chính quyền địa phương đã thu hút Bitmain và một số công ty dịch vụ điện toán đám mây tới khu công nghiệp này bằng cách giảm 30% giá điện.
Mỏ bitcoin của Bitmain sử dụng 40 megawatt điện mỗi giờ, tương đương lượng điện sử dụng bởi 12.000 ngôi nhà trong cùng khoảng thời gian. Dù đã được giảm giá, mỗi ngày Bitmain vẫn phải trả tới 39.000 USD (gần 900 triệu đồng) tiền điện.
Điện ở Ordos chủ yếu được cung cấp bởi các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than gần đó. Vì thế, nguồn điện rất ổn định và liên tục nhưng gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Gần đây, các vùng xa xôi như Tân Cương, Vân Nam và Tứ Xuyên với giá điện rẻ ở Trung Quốc là điểm đến ưa thích của những công ty đào bitcoin. Tân Cương cung cấp điện từ nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trong khi Vân Nam và Tứ Xuyên cung cấp điện sạch giá rẻ từ các đập thủy điện.
Mỏ khai thác bitcoin cung cấp những việc làm mới, sạch sẽ
Nỗ lực khôi phục kinh tế địa phương của Ordos mang lại cơ hội mới cho những cư dân như Jia Kai. Năm 2016, người đàn ông 27 tuổi này gia nhập mỏ bitcoin với tư cách nhân viên bảo trì. Trước đó, anh làm việc tại một nhà máy phân bón gần đó và đảm nhiệm công việc tinh chế các chất phụ gia.
Công việc tại nhà máy phân bón rất vất vả và có hại cho sức khỏe của anh. Hiện tại, công việc tại mỏ bitcoin dễ dàng và có lương cao hơn.
Jia từ chối tiết lộ thu nhập bởi Bitmain cấm anh làm như vậy. Tuy nhiên, một thợ mỏ khác chia sẻ rằng mức lương cơ bản hàng tháng của anh ta rơi vào khoảng 600 USD, gấp đôi mức lương tối thiểu trong khu vực.
Với Jia, dường như anh chỉ có một khiếu nại duy nhất: Nhà máy dược phẩm gần đó thải ra khí độc và các thợ mỏ thường xuyên phải hứng chịu. “Mỗi khi trời tối, mũi của tôi luôn cực kỳ khó chịu”, anh nói.
Quản lý của khu mỏ này là Wang Wei, 36 tuổi. Trước khi gia nhập Bitmain vào năm 2016, anh đã vất vả lăn lộn trên thương trường. Anh khá lạc quan về vị trí mới của mình. “Đất nước chúng tôi đã bắt đầu công nhận ngành công nghiệp bitcoin”, Wang nói. “Những hỗ trợ về mặt chính sách là điều mà các startup cần nhất”.
Theo Genk.vn