Cuộc hồi sinh của một biểu tượng văn hóa Anh
“Đôi khi, có những điều không dễ để buông bỏ”. Đối với rất nhiều người dân Anh, câu nói này có thể dùng để diễn tả về những thứ được xem là đại diện cho nền văn hóa lịch sử của đất nước họ.
Hơn một thập kỷ qua, làn sóng công nghệ với những chiếc điện thoại thông minh đã thống trị toàn thế giới và đẩy điện thoại bàn cũng như những chiếc bốt điện thoại công cộng đi thẳng vào bãi phế liệu. Từng một thời là biểu tượng đáng tự hào của nước Anh, bốt điện thoại đỏ cũng không nằm ngoài quy luật đào thải của xã hội. Nhiều năm trời, những chiếc bốt điện thoại này lần lượt bị tháo dỡ và vứt vào “ngôi mộ tập thể” để rồi hoen rỉ và mục rã theo thời gian.
Tuy nhiên gần đây, Tony Inglis, chủ sở hữu của một công ty vận chuyển đã từng bước thu thập bốt điện thoại cũ và tái chế lại, cho chúng những công dụng hoàn toàn mới.
Các hộp sắt đỏ có mái vòm này từng có tên gọi là Kiosk số 2 hoặc K2, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1926. Chúng được thiết kế bởi Giles Gilbert Scott, một kiến trúc sư của trạm năng lượng Battersea ở London và Nhà thờ Liverpool.
Sau khi trở thành một phần không thể thiếu trên nhiều đường phố Anh, các bốt điện thoại trên dần biến mất vào năm 1980, khi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất cả nước – British Telecom được tư hữu hóa cùng với sự phổ biến của điện thoại di động. Rất nhiều trong số này đã trở thành sắt vụn khi hết giá trị sử dụng.
Vào khoảng thời gian đó, công ty kỹ thuật và vận tải của Tony Inglis chịu trách nhiệm gỡ bỏ và bán đấu giá những bốt điện thoại cổ lỗ sĩ này. Nhưng cuối cùng, ông và hàng trăm người đã cải tiến, hồi sinh để biến chúng thành một mặt hàng có giá trị.
Điều này từng bị xem như một một ý tưởng điên rồ. “Chúng quá cũ kĩ”, ông Inglis nói vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Đó là những thứ mà bạn không mong muốn trong thời buổi như thế này. Chúng quá to, và nặng”.
Nhưng ông Inglis cho biết, ông nhận được nhiều cuộc gọi từ những người yêu mến biểu tượng đường phố trên. Có người còn sánh ngang nó với những công trình kiến trúc lịch sử quốc gia. Điều này làm cho Inglis cảm thấy bị thuyết phục. ông quyết định biến “ông già cũ kĩ” này thành một mặt hàng và đã thành công.
Nước Anh luôn có khuynh hướng bảo tồn các di sản của mình. Dan Snow, một nhà sử học và phát thanh viên nổi tiếng nhận xét: “Người Anh thường bị ám ảnh bởi cái cũ vì trải nghiệm của người dân về cuộc sống hiện đại đang dần trở nên tệ hơn. Nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy có những đồ vật khiến cho con người ta nhớ về một thời kì vàng son trong lịch sử”.
Nhiều khách du lịch đến đất nước này để thăm thú các công trình nổi tiếng. Ông Inglis và nhiều doanh nhân khác đã miệt mài làm việc để tân trang các bốt điện thoại lừng danh một thời và đưa nó xuất hiện trở lại tại các thành phố.
Có thể nói, Tony đã mở ra một thời đại mới của bốt điện thoại đỏ. Giờ đây, bốt điện thoại đỏ vẫn là một vật trang trí không thể thiếu ở khắp nơi trên đất nước Anh nhưng bên trong nó không phải là điện thoại mà chứa đựng vô vàn điều thú vị như một thư viện nhỏ, tiệm bán hoa, bán thức ăn nhanh, tiệm sửa điện thoại di động….
Ở những vùng nông thôn, nơi mà các xe cứu thương sẽ phải mất khá nhiều thời gian để đến nơi cần trợ giúp, các bốt điện thoại này sẽ đảm nhận vai trò như một trạm sơ cứu ban đầu. Các tổ chức địa phương chỉ cần bỏ ra một 1 bảng Anh để có thể sử dụng các máy khử rung tim trong những trường hợp y tế khẩn cấp.
Không ít người khác cũng nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ những chiếc hộp điện thoại chật chội, bé nhỏ này. LoveFone, một công ty chuyên sửa chữa điện thoại di động cũ thay vì vứt bỏ chúng đã mở một buổi workshop nhỏ tại một bốt điện thoại ở London vào năm 2016.
Không chỉ có vẻ ngoài bắt mắt, những bốt điện thoại này cũng đem lại khoản lợi nhuận đáng kể. Robert Kerr, một người đồng sáng lập của LoveFone cho biết, một bốt điện thoại như thế có thể thu lại 13.500 USD một tháng, mà chỉ mất khoảng 400 USD phí thuê lại.
Đối với ông Tony, những chiếc bốt điện thoại đỏ gợi lại trong lòng người dân một kỷ nguyên tươi đẹp khi mà mọi thứ được tạo ra đều bền lâu và hữu dụng. Chẳng hạn như những chiếc bốt điện thoại đời đầu, bên trong còn có gương soi và chiếc kệ nhỏ đựng đồ, giá treo ô để mọi người có thể nghỉ chân.
“Chúng là thứ mang tính biểu tượng. Những chiếc bốt điện thoại đỏ chính là lịch sử. Dù chiến tranh hay bom đạn, chúng đều đã vượt qua tất cả mọi thăng trầm cùng với đất nước này”, Eddie Ottewell – chủ sở hữu một công ty cho thuê bốt điện thoại cho hay.
–> 15 lý do khiến người Mỹ “phải lòng” nước Anh
Theo kenh14.vn