Cuộc hội ngộ đầy nước mắt với gia đình của 3 thủy thủ bị hải tặc bắt giữ 4 năm
“Chúng tôi ngồi hay nằm ngủ đều có cướp biển canh gác, tay lăm lăm súng nên chẳng ai nghĩ tới chuyện trốn thoát. Nhiều lúc tuyệt vọng, tôi tưởng đã bỏ mạng xứ người”, Anh Phương kể.
Căn nhà cấp 4 của gia đình ông Phan Xuân Linh ở xóm 2, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn, Nghệ An) hai hôm nay đông vui hơn bao giờ hết. Chiều 26/10, dù trời mưa dai dẳng nhưng bà con vẫn kéo tới chia vui khi biết tin con trai ông Linh – thuyền viên Phan Xuân Phương chuẩn bị về.
Cuối chiều, khi chiếc taxi chở hai bố con anh Phương tới ngõ, hàng chục người thân ùa tới. Những cái siết tay thật chặt quấn lấy chàng thanh niên, có cả giọt nước mắt vui sướng. Khóe mắt đỏ nhưng anh Phương luôn nở nụ cười kèm theo những lời cảm ơn.
Bà Lê Thị Hòa (59 tuổi, mẹ anh Phương) òa khóc nói: “Mẹ cứ tưởng sẽ không bao giờ gặp con nữa Phương ơi. Mẹ mừng lắm, con về thật rồi…”. Người mẹ bị tai biến hơn hai năm vừa gọi tên vừa lôi con vào lòng ôm ấp khiến nhiều người xung quanh xúc động.
Anh Phương nhớ lại, vào tháng 3/2012, 29 người đang đi trên con tàu FV Naham 3 mang cờ Oman thì nghe tiếng đạn bay vào thân tàu, mọi người cùng nằm rạp xuống, riêng thuyền trưởng bị bắn chết. Nhóm cướp lên khống chế, trói và bịt mắt từng người rồi nhốt vào một xó, chồng lên nhau.
Để quản lý con tin, nhóm cướp biển phân loại thuyền viên mỗi nước, anh Phương bị nhốt chung cùng hai thuyền viên Nguyễn Văn Hạ và Nguyễn Văn Xuân người Hà Tĩnh.
Theo anh Phương, các thuyền viên ít bị đánh đập, ít phải lao động nặng song bị canh phòng rất cẩn trọng, phải sinh hoạt trong không gian hẹp. Hầu như đêm nào trong giấc ngủ, anh Phương cũng nơm nớp lo sợ vì tiếng súng đạn bay vèo vèo, sợ bị mất mạng lúc nào không hay. Nhớ người thân, nhớ quê hương, nhưng anh không dám kêu, chỉ âm thầm chịu đựng.
“Chúng tôi ngồi hay nằm ngủ đều có người canh phía trước mặt, tay lăm lăm súng. Vì vậy suốt hơn 4 năm qua, thuyền viên hầu như không nghĩ tới chuyện trốn thoát, có nhiều lúc tuyệt vọng, tưởng bỏ mạng xứ người”, thuyền viên 27 tuổi kể.
Giờ đây, được trở về sau những năm sống trong tay cướp biển, anh Phương nói mình như được sinh ra lần hai. Tương lai sắp tới chưa biết thế nào, trước mắt anh muốn nghỉ ngơi và dành thời gian chăm sóc bố mẹ.
Khoảng 20h ngày 26/10, thuyền viên Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi) cùng gia đình đáp chuyến xe khách về căn nhà nhỏ lụp xụp ở thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Gặp người thân, anh Hạ ôm chặt từng người từ ngoài đường vào đến cổng. Sau khi thắp nén hương tạ ơn tổ tiên, anh kể về quãng thời gian 4 năm 8 tháng ở Somalia.
Từ khi khống chế nhóm thuyền viên, cướp biển đưa tàu vào vùng an toàn. Sau 8 tháng, tàu bị đứt neo, trôi dạt vào một sa mạc, từ đó mọi người lên bờ và sống cho đến ngày được thả tự do. Nhớ lại khoảnh khắc nhóm cướp nã đạn vào thân tàu, anh bảo “tưởng đã chết rồi, không bao giờ có thể trở về với gia đình”.
Những tháng ngày ở Somalia, nhóm thuyền viên chỉ được cướp biển cấp cho mỗi người một lít nước ăn và sinh hoạt. “Nếu dùng nước tắm thì thôi uống, còn uống thì khỏi tắm”.
Hàng đêm, chúng đưa cho một ít bột lúa mì, sáng ra bỏ vào thùng tráng bánh cuốn, mỗi người được khoảng 5 miếng bánh mỏng ăn sáng. Buổi trưa và tối, thuyền viên ăn “dở cơm dở cháo“, uống nước chè ngọt. Chỗ ngủ là dưới lùm cây, lấy bạt che lên. Cứ khoảng vài tháng thì toán cướp đưa tới một con dê rồi bảo làm thịt, sau đó chặt khúc chia đều lại cho mỗi người một miếng.
“Cướp khi nào cũng nhắc tới tiền. Lần cuối cùng chúng bắt tôi gọi về cho gia đình là cuối năm 2012, dọa nếu 7 ngày sau không có tiền nộp sẽ bắn chết. Từ đó trở đi, tôi không bao giờ được liên lạc với gia đình. Bản thân tưởng tượng khi về nhà, nấm mộ gió mà vợ con, bố mẹ lập cho tôi đã xanh cỏ”, anh Hạ nói.
Hơn 4 năm sống dưới sự giam cầm của cướp biển, quần áo các thuyền viên rách tả tơi. Khi nhóm cướp vứt quần áo cũ đi, các con tin nhặt vá lại để dùng. Một số người khác lấy bao bì may làm quần đùi.
“Đau ốm triền miên, ngoài thuyền trưởng bị bắn chết, trên tàu lúc bị bắt có 28 người. Sau một năm 2 người chết vì bệnh tật. Chúng tôi chủ yếu bị viêm cơ khớp, bệnh về đường ruột. Khi đau ốm thì nằm một chỗ, thỉnh thoảng nhóm cướp mới cho một viên paracetamol cầm cự”, anh Hạ kể.
Dù bất đồng ngôn ngữ, song các anh Hạ, Xuân và Phương xem thuyền viên ngoại quốc như những người bạn thân thiết. Anh em mỗi khi tuyệt vọng đều quây quần giúp đỡ nhau. Qua 4 năm, thuyền viên Việt Nam “học mót” được ít tiếng Anh và tiếng Trung Quốc để giao tiếp với mọi người.
Cuộc sống giữa sa mạc khiến anh Hạ già đi trước tuổi. Khi xuất khẩu, tóc còn xanh, nhưng bây giờ nhiều chỗ bạc, phải cạo trọc. Anh Hạ và anh Xuân có con nhỏ, cứ mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại có nhạc trẻ con của nhóm cướp vang lên, họ đều rơi nước mắt.
Cũng chung cảm xúc với anh Hạ, thuyền viên Nguyễn Văn Xuân (35 tuổi) trở về căn nhà ở phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) trong sự chào đón của gia đình và bà con lối xóm. Ôm chặt lấy mọi người, anh nói: “Đừng khóc, đừng khóc. Từ cõi chết trở về không được khóc, xin hãy vui lên”.
Anh Hạ bảo mọi người vẫn không tin là được thả tự do. Một ngày tháng 10/2016, một vài tên cướp thông báo sẽ thả người, sau đó đưa về Kenya. Đến giờ anh cũng không biết bên nào thương thảo để được giải thoát, chỉ khi về đến Kenya thì mọi người mới hét lên “mình được sống rồi”.
Không nói được gì nhiều, anh Xuân chỉ biết nhìn người thân, họ hàng rồi mỉm cười. Anh bảo “quá sung sướng”, ngày chia tay anh và các thuyền viên đến từ Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan… nước mắt chực trào, ôm chầm lấy nhau xúc động.
“Là chồng, sau 6 năm ra đi giờ về tay trắng, tôi buồn lắm, nhưng biết làm thế nào. Ra đi với mong ước thay đổi cuộc sống nghèo khó của gia đình, giờ về lại nghèo hơn. Nhưng mình còn sống là tốt rồi, trước mắt sẽ nghỉ ngơi, sau đó tính kế sinh nhai tiếp”, anh Hạ nói.
Ngày 22/10, Reuters đưa tin, các quan chức chính phủ Somalia thông báo nhóm thủy thủ bị cướp biển bắt giữ trên Ấn Độ Dương cách đây 4 năm đã được thả. Họ đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia… Chiếc tàu FV Naham 3 mang cờ Oman bị cướp biển tấn công gần Seychelles, một quốc gia thuộc châu Phi, hồi tháng 3/2012.
Theo Vnexpress