Cũng cần nói thêm, ngay cả ở các hiệp định thương mại rộng lớn hơn như Tổ chức Thương mại Thế giới, vấn đề tỉ giá, cụ thể là việc các quốc gia cố tình kìm hãm hay hạ giá trị tiền tệ nước mình, đã là chuyện gây tranh cãi trong nhiều năm qua và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc được cho là đã cố gắng duy trì chính sách đồng nhân dân tệ ở mức thấp nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Sau khủng hoảng, đến lượt Mỹ, Nhật và mới đây là khu vực đồng euro đã liên tiếp tung ra các gói nới lỏng định lượng, giúp các nước này làm giảm giá trị đồng tiền để vượt qua suy thoái.
Hãy quay trở lại với trường hợp của các quốc gia Đông Nam Á. Có thể thấy một cuộc đua hạ giá trị nội tệ đang diễn ra âm ỉ giữa các nước thành viên. Ngay những ngày đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động hạ giá trị tiền đồng thêm 1% so với USD (điều đó có nghĩa là có thể chỉ còn một đợt nâng tỉ giá thêm 1% nữa trong năm nay theo cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).
Ngoài Việt Nam, các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực cũng chứng kiến sự sụt giảm về giá trị đồng nội tệ. Theo Ngân hàng HSBC, đồng ringgit của Malayasia đã giảm 12% so với USD kể từ tháng 9.2014. Đồng rupiah của Indonesia cũng tiếp tục chuỗi sụt giảm giá trị so với USD từ năm ngoái cho đến nay. Trong khi đó, đồng peso của Philippines được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong đầu năm 2015 khi đồng bạc xanh đang ngày càng mạnh hơn. Tuy vậy, nền kinh tế đang tăng trưởng tốt của quốc gia này sẽ giúp hạn chế phần nào khả năng mất giá của đồng peso.
Một nền kinh tế lớn khác trong khu vực chứng kiến giá trị đồng tiền sụt giảm là Singapore khi đồng đô-la Singapore đã giảm 10% so với đồng bạc xanh trong vài tháng qua. Nhận xét về xu hướng này, ông Jeff Ng, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Standard Chartered cho rằng bên cạnh giá các mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng hơn trước thì việc đô-la Singapore yếu hơn cũng sẽ giúp các nhà xuất khẩu nước này kinh doanh tốt hơn. Hiện nền kinh tế Singapore đang gặp áp lực lớn về nguy cơ bong bóng nhà đất và ngành sản xuất đang yếu đi.
Trong khu vực, chỉ Thái Lan là nền kinh tế lớn có đồng nội tệ khá ổn định trong thời gian qua, nhờ ngành du lịch phát triển và ngân hàng trung ương nước này cũng mạnh tay sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường. Tuy vậy, trong bối cảnh đồng tiền của quốc gia lân cận sụt giảm, có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Thái Lan, mới đây Chính phủ Thái đã đề nghị ngân hàng trung ương nước này xem xét lại chính sách tỉ giá theo hướng “hợp lý” hơn. Năm ngoái, giá trị xuất khẩu của Thái Lan đã giảm nhẹ so với năm trước đó.
Nhìn chung, các ngân hàng trung ương trong khu vực có lý do để sử dụng công cụ tỉ giá để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh thế thế giới vẫn chưa phục hồi ổn định. Gần đây, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ 3,8% xuống còn 3,5% do lo ngại về tăng trưởng đang chậm lại ở Trung Quốc, châu Âu và một số nền kinh tế mới nổi.
Tại Việt Nam, lý giải cho bước đi giảm giá tiền đồng vào đầu tháng 1 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết một phần lý do là giúp các nhà xuất khẩu trong nước. Hành động này là “để các doanh nghiệp chủ động có phương án sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu, cho thấy họ sẽ được hỗ trợ ngay từ đầu năm. Và các doanh nghiệp nhập khẩu cũng thấy được mặt bằng tỉ giá để chủ động điều chỉnh trong kế hoạch tài chính của mình”, ông Bình nói.
Tuy vậy, một thực tế là Việt Nam cùng các quốc gia khác trong khối ASEAN (ngoại trừ Singapore) có khá nhiều điểm tương đồng về các mặt hàng xuất khẩu, cùng có những lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động giá rẻ. Điều này sẽ khiến sức ép cạnh tranh về xuất khẩu giữa các quốc gia trong khối gia tăng, nếu không có một sự hài hòa trong vấn đề tỉ giá, đặc biệt là một khi AEC ra đời.
Báo cáo về mối quan hệ thương mại giữa các thành viên trong khối AEC hiện vẫn chưa có. Tuy nhiên, một đánh giá của HSBC về mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc – hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động – cũng gợi nhắc nhiều điều về khả năng cạnh tranh xuất khẩu giữa các quốc gia tương đồng nhau.
Báo cáo này cho thấy việc đồng nhân dân tệ sụt giảm mạnh đã gây tổn hại đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, đối với các đối tác thương mại khác như Mỹ, châu Âu hay Nhật, việc hạ giá trị tiền tệ của các quốc gia này dường như không mấy ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam, bởi đối với Việt Nam, các quốc gia này là đối tác hỗ trợ, bổ sung chứ không phải cạnh tranh trực tiếp.