Cú va chạm thuở sơ khai giữa mặt trăng và sao chổi
Những hình ảnh mới về lớp vỏ mặt trăng của các nhà khoa học Mỹ tiết lộ, trong những tỷ năm đầu tiên, nó từng chịu sự va đập liên tục của các sao chổi và hành tinh nhỏ, chứng tỏ Thái dương hệ có một quá khứ hỗn loạn.
Phát hiện mới này là của chương trình GRAIL, viết tắt của Phòng thí nghiệm Hồi phục Hấp dẫn và Lõi Mặt trăng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, gồm một cặp phi thuyền vũ trụ Ebb và Flow, đang quay xung quanh mặt trăng và đo từ trường hấp dẫn của nó. “Đây là một phát hiện gây bất ngờ lớn đối với các nhà khoa học và giờ đây khi liên hệ điều này với sự hình thành và phát triển của các hành tinh, họ sẽ có nhiều việc cần phải nghiên cứu. Các hành tinh vốn vẫn bị tác động bởi các va chạm không thể tránh khỏi nhưng không ai hình dung nổi lớp vỏ mặt trăng cũng từng bị va đập”, Maria Zuber, nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), người đứng đầu sứ mệnh GRAIL bình luận. Không giống như lớp vỏ trái đất, được tái chế nhiều lần thông qua các quá trình kiến tạo địa tầng, lớp vỏ cứng của mặt trăng đã được hình thành và vẫn nguyên vẹn từ cách đây hàng tỷ năm. Điều này giúp cung cấp các manh mối cho sự hình thành của hệ mặt trời, bao gồm cả trái đất của chúng ta. Các hình ảnh mới cho thấy lớp vỏ của mặt trăng dày 34 – 43 km, mỏng hơn so với ước tính trước đây của giới khoa học, ông Mark Wieczorek, một nhà nghiên cứu thuộc GRAIL cho biết. Khoảng 98% lớp vỏ mặt trăng rời rạc và rỗ mà theo các nhà khoa học, đó là kết quả của các vụ va chạm lớn và mạnh. “Điều này củng cố các giả thuyết cho rằng, mặt trăng có nguồn gốc từ các vật chất trái đất được sinh ra trong một vụ va chạm khổng lồ, có khả năng còn sớm hơn cả lịch sử hệ mặt trời. Không chỉ mặt trăng, có khả năng tất các các hành tinh khác cũng từng bị va chạm như vậy”, ông Mark nhấn mạnh. Sứ mệnh GRAIL có nhiệm vụ giúp các nhà khoa học hoàn thành tấm bản đồ có độ phân giải cao về lực hấp dẫn của mặt trăng, phản ánh các cấu trúc bề mặt của mặt trăng cũng như các đặc tính trong lòng nó. Phương Đăng Theo Infonet |
Theo Zing