Cụ ông đãng trí nhiều năm kiếm vợ đã qua đời trong bệnh viện
Ngày 8/3 ở nhiều quốc gia là ngày lễ kỷ niệm tôn vinh những người phụ nữ. Khi ấy đàn ông thường bày tỏ tình yêu và sự tôn trọng với vợ, mẹ, con gái, bạn bè… bằng những món quà, bó hoa. Thế nhưng đâu đó vẫn có những cặp đôi chẳng cần đợi đến ngày này để bày tỏ tình cảm, bởi trong tâm có tình yêu thì mỗi ngày đều có thể khiến phụ nữ của mình hạnh phúc. Và câu chuyện cảm động về ông lão dưới đây là minh chứng cho sự thật đó.
Tại một bệnh viện ở thành phố Hợp Phì (An Huy, Trung Quốc), các nhân viên y tế ở đó đã dần quen với hình ảnh 1 cụ ông 85 tuổi hằng ngày tới tìm vợ.
Cụ ông tên là Zheng Shouyun, còn vợ ông là Wan Dahua. Bà đã nằm ở bệnh viện một thời gian do bệnh nặng, và ông muốn tìm đến chỗ của vợ để chăm sóc cho bà.
Y tá Tong Chunxiang tại bệnh viện kể lại rằng, khi cô đang làm việc thì thấy ông cụ bước vào. Ông rất lịch sự nhỏ nhẹ hỏi các nhân viên tìm người. Trông vẻ mặt của ông cụ rất khẩn cấp nhưng nơi cô làm việc lại không có ai là Wan Dahua. Vì vậy, cô đã đưa ông đến các khoa khác để tìm.
Cuối cùng, ông lão tìm thấy tên của vợ tại khoa Huyết học, nhưng bà đã xuất viện cách đó 1 tháng.
Nghe nhân viên y tế nói, ông lão tỏ ra thảng thốt. Sau đó, ông đành thất vọng ra về.
Mọi chuyện tưởng chừng đã kết thúc ở đó, nhưng hôm sau ông lão lại tiếp tục tới tìm vợ. Suốt một tháng sau đó ông vẫn hằng ngày tới bệnh viện và lặp lại các câu hỏi cũ tìm vợ
Cho đến một ngày, em trai ông tình cờ đến bệnh viện khám bệnh và bắt gặp anh trai đang đi tìm vợ. Anh quyết định nói ra sự thật này cho ông Zheng khiến nhiều người không khỏi rơi nước mắt.
Hóa ra, sau khi rời khoa Huyết học một thời gian ngắn, vợ ông Zheng đột ngột lên cơn đau tim. Bà được đưa đến khoa Tim mạch nhưng đã không qua khỏi.
Ông Zheng lúc đó đang mắc bệnh Alzheimer nhẹ. Sự ra đi của bà đã giáng cho ông một đòn nặng. Kể từ ngày đó, tình trạng của ông ngày càng tồi tệ hơn.
Bác sĩ ở khoa Tim mạch cho biết, từ khi bà Wan Dahua nhập viện, ông Zheng luôn ở bên cạnh. Khi vợ chết, ông đã nắm tay bà và khóc rất lâu. Cảnh tượng ấy khiến các y bác sĩ của khoa nhớ mãi.
Những nhân viên tại bệnh viện khi hiểu rõ về câu chuyện đều cảm động và đồng cảm với ông lão. Từ đó, chỉ cần ông đến nhờ, mọi người đều cùng ông tìm kiếm bà.
Nhưng sau đó, mọi người lại lo lắng cho ông, vì nếu bệnh Alzheimer nặng, ông có thể sẽ bị lạc đường và quên mất đường về nhà. Hơn nữa, ông đi một mình ngoài đường cũng rất nguy hiểm.
Vì vậy, y tá trưởng và một vài người nữa đã đi theo ông về nhà. Ở nhà, ông được chăm sóc bởi con gái, nhưng cô nói rằng, cô còn phải chăm sóc con cái và đi làm, nên không thể theo cha mỗi ngày.
Cô con gái kể: “Ngày còn trẻ, cha cô là tài xế ở công ty vận tải nên thường xuyên vắng nhà. Mẹ cô vừa làm công nhân vừa phải chăm sóc 4 người con. Hai vợ chồng không có nhiều thời gian bên nhau nhưng cha luôn yêu thương mẹ. Cha còn nói, cha biết ơn và nợ mẹ rất nhiều”.
Cô kể thêm, trong nhà mình có rất nhiều áo sơ mi trắng, vì mẹ cô từng nói với cha cô rằng, mẹ rất thích mỗi khi cha cô mặc áo sơ mi trắng ấy. Do đó lúc nào ông cũng mặc như thế.
Cảm động trước tình yêu mà ông dành cho vợ, nữ y tá trưởng và một số nhân viên y tế của bệnh viện đã quyết định thành lập một “nhóm chăm sóc”.
Họ thường xuyên đến kiểm tra tình trạng bệnh cho ông. Nếu thấy ông đến bệnh viện tìm vợ, họ sẽ giúp ông một vòng tìm kiếm rồi đưa ông về nhà. Ông cụ sống cạnh bệnh viện nên không tốn nhiều công sức.
Từ đó, hầu như ngày nào ông cũng đến viện và các nhân viên y tế cũng quen dần với sự xuất hiện của ông. Mọi người nơi đây đều coi ông như người thân của mình.
Chính những tình cảm mà các y bác sĩ tại bệnh viện đã tạo nên kỳ tích đối với bệnh tình của ông lão. Bệnh của ông ngày càng có tiến triển tốt. Thật sự, những tình cảm, và hơi ấm tình người mà mọi người dành cho ông chính là liều thuốc tốt nhất để ông có thể chống lại được bệnh tật.
Trúc Anh (t/h)