Cụ bà chết vì bị gà mổ: Bác sĩ cảnh báo đừng xem thường vết thương nhỏ
Trước trường hợp cụ bà 67 tuổi ở Cà Mau thiệt mạng chỉ sau vài ngày bị gà mổ vào tay, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên xem thường những vết thương nhỏ.
Hơn nửa tháng qua, người dân khu Chợ Hội ở xã Tân Phú (huyện Thới Bình, Cà Mau) vẫn chưa hết bất ngờ về cái chết của cụ bà 67 tuổi sau khi bị gà mổ vào tay ở ấp Nhà Máy B. Nhiều người không tin vết trầy xước nhỏ trên mu bàn tay lại có thể khiến bà Thu thiệt mạng.
Tối 6/2, anh Lê Văn Quân kể rằng ngày 15/1, mẹ anh là bà Thu kiểm tra ổ gà mái đang ấp trứng nên bị con vật mổ vào tay. Thấy vết trầy xước không gây chảy máu nên mẹ anh không lưu tâm.
“4 ngày sau vết trầy trên tay mẹ tôi sưng to, bà bị sốt và mệt nên gia đình đưa vào trạm y tế xã. Thấy mẹ tôi huyết áp cao nên trạm y tế xã giới thiệu ra bệnh viện tỉnh điều trị. Mẹ tôi nằm ở phòng hồi sức cấp cứu một ngày, đến 5h sáng hôm sau thì qua đời vì nhiễm trùng huyết. Vết thương lúc đó bầm đen“, anh Quân kể.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, vết trầy xước trên tay bà Thu bị nhiễm trùng da và mô mềm. Đây là tình trạng viêm cấp tính của da và mô mềm do các vi khuẩn ký sinh trên da gây ra khi có các yếu tố thuận lợi với các đặc điểm sưng đỏ, đau vùng da, phần mềm bị tổn thương.
Từ việc nhiễm trùng da và mô mềm, bệnh nhân không điều trị kịp thời khiến vi trùng xâm nhập vào mạch máu, gây nhiễm trùng huyết và tử vong.
“Hàng rào bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân khi đó đã không còn“, một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau nói.
Tiến sĩ Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hôm 7/2 khuyên mọi người không nên chủ quan với những vết trầy xước tưởng chừng như đơn giản. Các vết trầy xước do va quẹt với vật cứng hoặc bị vật nuôi cắn dù nhỏ cũng có thể bị nhiễm trùng da và mô mềm.
“Tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) hay tấn công những vết thương dù nhỏ. Đầu tiên là nhiễm trùng da và mô mềm, sau đó dẫn đến nhiễm trùng huyết. Đó là hội chứng nhiễm trùng, vi khuẩn theo máu đi khắp cơ thể khiến bệnh nhân thiệt mạng“, ông Tâm giải thích.
Theo ông Tâm, bệnh nhân nhiễm trùng huyết như bà Thu ở Cà Mau thường có triệu chứng lâm sàng như sốt, mệt, viêm phổi, suy thận… Bác sĩ này khuyến cáo mọi người nếu bị trầy xước tương tự nên đến cơ quan y tế để kiểm tra vết thương, sát trùng và uống thuốc theo chỉ định để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Theo Zing