CSGT mời hàng chục tài xế đưa tiền lẻ qua trạm BOT Biên Hòa làm việc
Khoảng 20 tài xế dùng tiền lẻ, tiền xu mua vé qua trạm BOT Biên Hòa (quốc lộ 1, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), nhận được thư mời lên làm việc của cảnh sát giao thông Đồng Nai vì “có hành vi gây cản trở giao thông”.
Ngày 19/10, Thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng CSGT đường bộ – đường sắt Đồng Nai cho biết, đã ký giấy mời khoảng 20 tài xế lên làm việc liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa.
Theo Thượng tá Thường, mục đích của buổi làm việc chủ yếu tuyên truyền, giải thích đúng, sai để tài xế rút kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan, đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực trạm.
“Từ dữ liệu, hình ảnh ghi lại được, chúng tôi sẽ làm rõ các hành vi liên quan. Tuy nhiên việc mời lên lần này đơn thuần chỉ để giáo dục, tuyên truyền là chính“, Thượng tá Thường nhấn mạnh.
Trước đó, một số tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa nhận được giấy mời của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67, Công an tỉnh Đồng Nai) lên làm việc vào ngày 25/10 liên quan đến hàng loạt sự cố kẹt xe, tê liệt Quốc lộ 1 thời gian qua.
Theo nội dung trên giấy mời, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cảnh sát giao thông phát hiện một số ôtô có hành vi gây cản trở giao thông tại trạm thu phí Quốc lộ 1A (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Anh Huỳnh Đức Th., một trong những tài xế được mời lên làm việc, cho biết có thể sẽ đến làm việc với CSGT theo thư mời. Tuy nhiên, ông Th. hết sức phản đối nội dung ghi ở giấy mời về việc cho rằng, ô tô mang biển số 60A-003… có hành vi gây cản trở giao thông tại trạm thu phí QL1A.
“Tôi hoạt động kinh doanh vận tải, có lưu thông qua trạm BOT Biên Hòa và sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm để phản đối thu phí bất hợp lý vì bị ảnh hưởng quyền lợi. Tôi khẳng định mình không cản trở giao thông và không có ý đồ gì khác…” – ông Th. nói thêm.
Trong khi anh L. cũng không đồng ý với nội dung giấy mời. Anh L. lý giải, qua trạm thì phải mua vé nhưng nhân viên không bán vé mà cũng không có văn bản xả trạm.
“Bảo vệ cứ kêu đi đi sao tôi dám đi được, lỡ sau này trích xuất camera nói tôi trốn thuế phí qua trạm rồi phạt tôi, sao tôi dám đi. Đến khi có anh CSGT ra kêu tôi đi qua trạm để xe sau đi thì tôi mới qua chứ. Giờ ghép tôi tội cản trở giao thông là tôi không đồng ý“, anh L. nói.
Dự án tuyến tránh TP Biên Hòa và nâng cấp Quốc lộ 1 được đầu tư 1.500 tỷ đồng. Trong đó, đường tránh được xây mới dài 12km, phần nâng cấp quốc lộ dài 10km. Mức phí qua trạm khi chưa giảm giá từ 35.000 đến 180.000 đồng, thời gian thu 10 năm.
Hơn tháng qua, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối vị trí đặt trạm không hợp lý và thu mức phí quá cao khiến trạm nhiều lần xả cửa giải tỏa ùn tắc. Nghiêm trọng nhất hôm 5/10, tình trạng phản đối khiến Quốc lộ 1 bị tê liệt khiến trạm phải ngừng thu phí.
Vừa qua, Chính phủ có văn bản chỉ đạo yêu cầu nhiều bộ, ngành, địa phương rà soát lại việc đầu tư xây dựng, quản lý khai thác các dự án BOT giao thông. Trong đó cần quản lý tốt công tác khai thác, sử dụng, kiểm soát giá phí…
Đồng thời, giao Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng gây rối an ninh, trật tự tại trạm thu giá dịch vụ để chống ùn tắc giao thông, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
TinhHoa tổng hợp