Công ty Rạng Đông gian dối thông tin: Có thể xem xét xử lý hình sự?
Trong trường hợp Công ty Rạng Đông không bồi thường đúng, đầy đủ, kịp thời thì tất cả người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại sau vụ cháy của công ty này có quyền khởi kiện đến TAND quận Thanh Xuân yêu cầu bồi thường.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An, cựu đại biểu Quốc hội cảm thấy “rất ngỡ ngàng” khi công ty Rạng Đông không thông tin rõ ràng việc sử dụng thủy ngân lỏng trong rất nhiều sản phẩm bóng đèn huỳnh quang bị cháy.
Đề nghị Công ty Rạng Đông giải thích rõ vì sao không trung thực
Bởi trong văn bản của UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội chiều 30/8 nêu: “Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016”.
Nhưng ngay sau kết quả kiểm tra quan trắc của tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) về việc thủy ngân phát tán trong không khí có khối lượng từ 15,2 – 27,2kg thì Công ty Rạng Đông mới thừa nhận dùng thủy ngân lỏng (độc hại hơn) trong 480.000 sản phẩm đèn huỳnh quang bị cháy.
Theo đó, vị cựu đại biểu Quốc hội đã “đề nghị Công ty Rạng Đông giải thích cho lãnh đạo Hà Nội, nhân dân biết rõ vì sao lại không trung thực trong việc công bố về vấn đề sử dụng thủy ngân lỏng trong sản phẩm bóng đèn huỳnh quang bị cháy”.
Đồng thời, dựa trên cơ sở giải thích cụ thể của Công ty, các cơ quan chức năng cần vào cuộc và xử lý ngay các vi phạm.
Có thể xem xét xử lý hình sự, yêu cầu bồi thường và khởi kiện ra tòa?
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp, Hà Nội) cho rằng, các cá nhân có trách nhiệm nhưng bưng bít thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người dân cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm cũng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Và tùy mức độ thiệt hại công ty sẽ bị phạt từ 1-10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
“Nếu hành vi gian dối trong việc cung cấp thông tin có dấu hiệu vi phạm về phòng ngừa sự cố môi trường hoặc vi phạm về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác mà tỷ lệ 61 % trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản 1 tỷ đồng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo điều 237 Bộ Luật Hình sự“, luật sư Cường cho biết.
Ngoài ra, với hậu quả của vụ cháy Rạng Đông gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy thì Công ty phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường sẽ là thiệt hại thực tế đã gây ra đối với người bị hại, trừ trường hợp người bị hại có lỗi.
Nếu người dân bị thiệt hại không được công ty Rạng Đông bồi thường đúng, đầy đủ, kịp thời thì có quyền khởi kiện công ty này.
“Cụ thể, mỗi người dân bị thiệt hại có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân để yêu cầu giải quyết, đòi bồi thường cụ thể”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết thêm rằng: “Để đảm bảo yêu cầu bồi thường, người dân nên có chứng từ thuốc men, lộ trình điều trị,… làm cơ sở pháp lý cho mình khi tiến hành khởi kiện”.
Liên quan đến vụ cháy tại nhà kho của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, mới đây, nhiều hộ dân sinh sống xung quanh nhà máy đã có đơn gửi UBND phường Thanh Xuân Trung, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) và lãnh đạo Công ty Rạng Đông yêu cầu khẩn trương đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường trung thực, khách quan để công bố cho người dân; sớm có biện pháp tẩy độc ô nhiễm môi trường và doanh nghiệp phải đền bù thỏa đáng cho người dân về thiệt hại sức khỏe, tinh thần, vật chất.
Điều 237 BHLS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.pháp nhân thương mại.
- Phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng nếu:
+ Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;
+ Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.
- Phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng nếu sự cố môi trường làm chết người hoặc gây thiệt hại từ 3 tỷ đồng đến dưới 7 tỷ đồng.
- Phạt tiền từ 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng nếu sự cố môi trường làm chết 02 người trở lên và gây thiệt hại về tài sản từ 7 tỷ đồng trở lên.
- Bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (theo Điều 79 BLHS) nếu phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
- Hoặc phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Vũ Tuấn (t/h)