Công ty nước sạch Sông Đà: “Chúng tôi là nạn nhân thiệt hại nhất”
“Chúng tôi là nạn nhân thiệt hại nhất” là câu trả lời của PGĐ công ty nước sạch sông Đà Viwasupco khi được hỏi về việc xin lỗi và bồi thường cho người dân sau sự cố nhiễm dầu thải.
Chiều ngày 17/10, phát biểu trong cuộc họp báo thông tin về sự cố nước sông Đà do UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức, ông Bùi Đăng Khoa, PGĐ Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cho biết, khi phát hiện nước bị nhiễm dầu thải, công ty đã áp dụng tất cả các biện pháp để xử lý.
“Chúng tôi là nạn nhân thiệt hại nhất”
Viwasupco đã thuê Công ty Ứng phó môi trường Việt Nam để nạo vét con suối nhiễm dầu. Đồng thời gửi văn bản thông báo đến cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình nhằm tìm ra kẻ đổ trộm dầu thải và tìm biện pháp khắc phục hệ thống nước bị ô nhiễm.
Sau khi họp khẩn với UBND TP. Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, việc xử lý được dầu thải trên phụ thuộc vào chỉ tiêu kết quả đầu ra.
“Đến 14/10 toàn bộ chỉ tiêu A, chỉ tiêu C đã đạt chất lượng theo quy định của Bộ Y tế nên chúng tôi đảm bảo chất lượng nước sẽ đảm bảo”, ông Khoa nói.
Do đó, tối 16/10, công ty nước sạch Sông Đà đã cung cấp nước trở lại cho người dân với khuyến cáo chỉ dùng nước này để tắm rửa, vệ sinh chứ không nên dùng để ăn uống.
Tuy nhiên, trước câu hỏi liệu Viwasupco có đưa ra lời xin lỗi cũng như sẽ có trách nhiệm bồi thường cho người dân ở Hà Nội chịu ảnh hưởng do sự cố này hay không thì vị PGĐ công ty này đã tỏ ra khá bối rối.
Cuối cùng, ông Khoa nói công ty sẽ ngồi lại và xem xét trách nhiệm cụ thể, khi có kết luận chính thức mới bàn đến việc xin lỗi nhưng “đối với vấn đề thiệt hại, chúng tôi là nạn nhân thiệt hại nhất, mong cơ quan điều tra sớm tìm ra thủ phạm”.
Ngoài ra, ông Khoa cũng cho biết thêm rằng, hiện công ty đang chờ kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) để xác định thời gian cung cấp lại nước sạch đảm bảo cho người dân ăn uống được.
Chuyên gia khẳng định: có thể xem xét trách nhiệm hình sự
Liên quan đến việc nguồn nước sạch trên bị ô nhiễm, các chuyên gia cho biết, hành vi biết nước bị nhiễm bẩn mà vẫn cấp nước cho người dân của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà có thể xem xét trách nhiệm hình sự.
Theo đó, Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP. HCM đã đưa ra những căn cứ đầu tiên để người dân tính toán và yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại.
Đầu tiên là thông tin từ UBND TP. Hà Nội, việc nước sạch từ Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà bị nhiễm bẩn đã được công ty này biết rõ từ ngày 8/10, nhưng nhà máy nước vẫn xử lý và đưa về bể cho hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội sử dụng.
Đến tận ngày 14/10, đơn vị này mới có thông báo về vụ việc gửi cho Sở. Và cho đến thời điểm này, thiệt hại của vụ việc chưa ai thống kê nhưng đời sống của hàng ngàn người dân bị xáo trộn, lo lắng, bất an là có thật.
Mặc khác, việc cấp nước và sử dụng nước của các hộ dân ở Hà Nội với Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà được thực hiện theo hợp đồng mua bán nước. Theo đó, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà phải chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch đảm bảo các tiêu chuẩn quy định và đảm bảo cho sức khỏe người dân.
Từ những yếu tố trên, luật sư Nghiêm khẳng định, nếu việc yêu cầu bồi thường không được chấp nhận thì người dân có thể khởi kiện tại tòa án.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, Viwasupco nên có động thái bồi thường và xin lỗi khách hàng sử dụng nước vì những thiệt hại đã và đang xảy ra, cũng như có những biện pháp khắc phục ngay lập tức để người dân ổn định cuộc sống.
Trước đó, một con thuyền chở dầu phế thải đã đổ trộm 2,5 tấn dầu ra khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình) vào tối 8/10. Do trời mưa nên chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà) khiến các kênh dẫn nước của công ty bị ô nhiễm.
Ngày 10/10, người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước có mùi khét. Nhà chức trách vào cuộc và thông báo nước sinh hoạt ở khu vực này bị nhiễm chất Styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 – 3,6 lần so với mức cho phép.
Ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Kỳ Sơn khởi tố vụ án về tội gây ô nhiễm môi trường liên quan vụ đổ trộm dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà.
Tổng số khách hàng trên địa bàn Hà Nội sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà khoảng 250.000 hộ. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng chưa cung cấp số lượng các hộ chịu ảnh hưởng từ sự cố nước sạch lần này.
Vũ Tuấn (t/h)